Đảm bảo an sinh xã hội trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư

Chủ Nhật, 11/09/2022, 07:20

Với phương châm lấy người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) làm trung tâm phục vụ, trên nền tảng hỗ trợ từ cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an, BHXH Việt Nam đã số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.

3-1.jpg -0
Việc ứng dụng tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân gắn chip giúp thuận tiện cho người dân trong khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm xã hội.

Tăng cường giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử

Ghi nhận của PV, từ năm 2017 đến nay, BHXH Việt Nam đã triển khai hệ thống dữ liệu tập trung trong hoạt động nghiệp vụ của ngành với việc tạo lập, cập nhật, quản lý dữ liệu của 16,8 triệu người tham gia BHXH, 86,6 triệu người tham gia BHYT để đảm bảo hoạt động nghiệp vụ cũng như thu, chi, giải quyết chính sách. Hệ thống này cũng kết nối trên 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, trung bình mỗi năm có dữ liệu số của 150 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT được tiếp nhận và xử lý trên hệ thống BHXH. Có khoảng 4,6 triệu hồ sơ đã được số hóa hưởng BHXH.

Hiện nay, nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, rút ngắn thời gian giao dịch với cơ quan BHXH, BHXH Việt Nam đã triển khai hệ thống giao dịch BHXH điện tử trên tất cả các lĩnh vực thu, chi, cấp sổ BHXH, cấp thẻ BHYT cũng như giải quyết những chế độ liên quan đến BHXH, BHYT và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều dịch vụ công trên các ngành, lĩnh vực trong đó có BHXH ở mức độ 3, 4 mang lại hiệu quả cao, đáp ứng được mong đợi của người dân.

Đánh giá của BHXH Việt Nam cho thấy, việc kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu các bộ, ngành, địa phương trong đó có BHXH Việt Nam được đẩy mạnh; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư, từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu lớn, hệ sinh thái công dân số, phục vụ quản trị Quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, tính tới thời điểm 6 tháng triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 11 bộ, ngành, 14 địa phương và 4 doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời hỗ trợ các tổ chức đoàn thể xây dựng cơ sở dữ liệu về hội viên, đoàn viên…

Đại tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an đánh giá: Ngay khi khởi động Đề án 06, BHXH Việt Nam là một trong số ít đơn vị đầu tiên tham gia kết nối, đồng bộ, xác thực dữ liệu từ cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Tính tới thời điểm này, BHXH Việt Nam đã hoàn tất kết nối kỹ thuật về chia sẻ, đồng bộ, xác thực dữ liệu với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an với khoảng 50 triệu trường hợp. Hiện nay, BHXH Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tiến hành đồng bộ 100% dữ liệu. Đây là cơ sở, tiền đề rất quan trọng vừa chuẩn hóa dữ liệu hai ngành, phục vụ quản lý, vừa phục vụ cho cải cách hành chính, liên thông với các thủ tục hành chính, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo tìm hiểu của PV, hiện BHXH Việt Nam đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ban, ngành hoàn thành 3 dịch vụ công trực tuyến gồm: Gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình có giảm trừ mức đóng của trên 20 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình; chi trả trợ cấp thất nghiệp trên môi trường điện tử; sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật để triển khai khi liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính là cấp thẻ BHYT tự động cho trẻ em sinh ra và trợ cấp mai táng phí cho đối tượng được hưởng.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip và ứng dụng định danh điện tử VNEID để người dân đi khám chữa bệnh. Từ năm 2017 đến nay, BHXH Việt Nam đã kết nối liên thông dữ liệu điện tử giữa cơ quan BHXH với hơn 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc. Tính đến tháng 6/2022, hệ thống đang lưu trữ, quản lý thông tin của 889,11 triệu lượt khám chữa bệnh với hơn 14,89 tỷ bản ghi chi tiết. Hiện có khoảng hơn 8.154 cơ sở khám chữa bệnh/13.000 cơ sở đã sử dụng CCCD khi khám chữa bệnh, đạt tỷ lệ 63%.

3-2.jpg -0
BHXH Việt Nam là một trong số ít đơn vị đầu tiên tham gia kết nối, đồng bộ, xác thực dữ liệu từ cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an.

Tích hợp thẻ bảo hiểm y tế trên CCCD và VNEID

Đồng chí Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đánh giá: BHXH Việt Nam đã chịu khó nắm bắt những vấn đề mới, làm tốt, triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ, đặc biệt luôn đi đầu trong tham gia, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành. Đáng chú ý, nổi bật nhất là việc triển khai các nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ, các nhiệm vụ luôn được ngành BHXH thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hoàn thành trước thời hạn.

Tuy nhiên, đồng chí Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng nhìn nhận, chuyển đổi số là một nhiệm vụ, công tác mới, phức tạp, đòi hỏi ngành BHXH Việt Nam phải tiếp tục nắm bắt kịp thời xu thế, liên tục đổi mới, quyết liệt thực hiện trong toàn hệ thống và nhất là phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Công an mới có thể thành công.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, ban hành dịch vụ công trực tuyến, xây dựng phần mềm, kết nối thành công với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an để sử dụng dịch vụ xác thực thông tin hộ gia đình và đã cung cấp dịch vụ công gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam. Song song với đó, tích hợp trên cổng dịch vụ công Quốc gia (ngày 25/7/2022).

Hiện nay, toàn quốc có trên 20 triệu người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Theo tính toán của BHXH Việt Nam, nếu chỉ 50% số người tham gia BHYT theo hộ gia đình thực hiện gia hạn trực tuyến thì tiết kiệm được cho người dân, xã hội chi phí thủ tục hành chính hàng năm là rất lớn. Tính toán của BHXH Việt Nam cho thấy, với việc thực hiện gia hạn thẻ BHYT trực tuyến mỗi năm một lần, người dân sẽ tiết kiệm được 1 lần đi lại đến cơ quan BHXH hoặc đơn vị ủy nhiệm thu để thực hiện, tương ứng tiết kiệm khoảng 2 giờ công và 30 nghìn đồng chi phí đi lại, Nếu tính theo mức thu nhập bình quân đầu người, số tiền tiết kiệm được hàng năm với con số 20 triệu người như trên sẽ là hơn 852 tỷ đồng.

Trên nền tảng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư cùng với sự phối hợp hỗ trợ chặt chẽ giữa Bộ Công an và BHXH Việt Nam, ngày 12/4/2022, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Văn phòng Chính phủ tích hợp thành công dịch vụ công giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cổng dịch vụ công Quốc gia. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã sớm xác định tầm quan trọng của việc tích hợp thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID của BHXH Việt Nam và ứng dụng định danh điện tử Quốc gia VNEID để đáp ứng mục tiêu “đảm bảo từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng định danh điện tử Quốc gia của Bộ Công an, trong đó tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như thẻ BHYT”.

Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai sử dụng CCCD gắn chip, VNEID thay thế thẻ BHYT để khám chữa bệnh theo Đề án 06, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư qua số chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ số CCCD gắn chip từ cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư sang cơ sở dữ liệu của BHXH.

Tính đến 31/7/2022, hệ thống BHXH Việt Nam đã xác thực 48.380.901 thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 37.913.519 bản lượt ghi thông tin BHXH và BHYT cho cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đáng chú ý, đã điều chỉnh phần mềm cho phép tra cứu thông tin BHYT thông qua CCCD gắn chip và ứng dụng VNEID để người dân có thể sử dụng làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT; triển khai thông tin thẻ BHYT trên ứng dụng VNEID…

Hoàng Phong
.
.
.