Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Đến nay, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thu thập và đồng bộ gần 104 triệu phiếu thông tin cư dân từ các nguồn thông tin và cấp trên 65 triệu thẻ căn cước công dân cho người dân.
Ngày 20/6, tại Hà Nội, Đoàn đại biểu Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Bộ Công an.
Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía Bộ Công an có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại buổi làm việc, báo cáo kết quả thực hiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và định danh, xác thực điện tử, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, trong quá trình thực hiện, Bộ Công an đã lồng ghép các nhiệm vụ, tận dụng cơ sở vật chất; qua đó góp phần làm giảm mức đầu tư, theo đúng nguyên tắc đã đề ra là “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”.
Bộ Công an đã bố trí hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho địa bàn cơ sở, tiến hành cập nhật dữ liệu vào hệ thống và triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc.
Đến nay, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thu thập và đồng bộ gần 104 triệu phiếu thông tin cư dân từ các nguồn thông tin và cấp trên 65 triệu thẻ căn cước công dân cho người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đã chỉ đạo thiết kế, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư với bảo đảm an toàn thông tin cấp độ 4, sẵn sàng tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương thông qua tích hợp quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia. Xây dựng hệ thống Bản đồ số là “bộ não” của Trung tâm dữ liệu, thực hiện nhiệm vụ phân tích, tổng hợp, dự báo tình hình dân cư để góp phần hoạch định các chính sách kinh tế an ninh, quốc phòng theo từng giai đoạn.
Trung tướng Tô Văn Huệ cũng cho biết, để phát huy lợi ích, hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06 ngày 6/1/2022 về phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06). Triển khai đề án này, Bộ Công an đã xây dựng ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNEID, phấn đấu đến năm 2025 có trên 40 triệu tài khoản người dùng, đảm bảo 100% các giao dịch công dân số được ký số xác thực. Hiện Bộ Công an đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương từng bước hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ, tích hợp cơ sở dữ liệu, đến nay đã hoàn thành 22/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đánh giá là “tài nguyên quốc gia đắt giá”, là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Dữ liệu dân cư được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân; sự hành động đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án 06 ứng dụng dữ liệu dân cư và chuyển đổi số. Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đã đạt được trong thực hiện Đề án 06; đồng thời đánh giá cao quyết tâm chính trị, vai trò trách nhiệm, tích cực của Bộ Công an trong thực hiện triển khai Đề án 06.
Về những nội dung liên quan đến hành lang pháp lý cũng như những vướng mắc còn tồn tại các đại biểu đã đưa ra, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, sẽ ghi nhận và tổ chức rà soát quá trình thể chế hóa các nghị quyết với các bộ, ngành liên quan… để có hệ thống hành lang pháp lý đồng bộ và hoàn thiện hơn.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị, thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục xây dựng, nâng cao nguồn nhân lực để đảm bảo dữ liệu dân cư “Đúng-Đủ-Sạch-Sống” cũng như quá trình làm giàu hóa, tích hợp và liên thông với các hệ thống dữ liệu khác; đồng thời, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập trong quá trình xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc bày tỏ cảm ơn những ghi nhận, động viên, phân tích của đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Đồng thời khẳng định, lãnh đạo Bộ Công an sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra, phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân, đặc biệt là phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương nhằm phục vụ hệ thống chính trị và sự phát triển kinh tế của xã hội.