Lực lượng Công an vừa tăng cường phòng, chống dịch, vừa bảo đảm phòng, chống tội phạm

Thứ Hai, 06/09/2021, 09:29

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa khẳng định, Thường trực Ủy ban rất trân trọng và ghi nhận đóng góp của lực lượng Công an trên tuyến đầu phòng, chống dịch, trong đó nhiều đồng chí đã nhiễm bệnh, thậm chí một số đồng chí đã anh dũng hy sinh...

Sáng nay, 6/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã dự và chỉ đạo Phiên họp của Thường trực Ủy ban Tư pháp (UBTP) mở rộng về thẩm tra các báo cáo công tác năm 2021 của Chính phủ, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội giảm 3,05%

Trình bày ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Phó Chủ nhiệm UBTP Mai Thị Phương Hoa cho biết: Năm 2021 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, như đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, vừa chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Lực lượng Công an vừa tăng cường phòng, chống dịch, vừa bảo đảm phòng, chống tội phạm -0
Toàn cảnh phiên họp.

"Nhân đây, chúng tôi ghi nhận những nỗ lực vượt qua khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, trong đó lực lượng Công an là một trong những lực lượng tuyến đầu, đã có nhiều lượt cán bộ, chiến sỹ vừa tăng cường phòng, chống dịch, vừa bảo đảm phòng, chống tội phạm, nhiều đồng chí đã nhiễm bệnh, thậm chí một số đồng chí đã anh dũng hy sinh. Đây là những cống hiến có ý nghĩa, đáng ghi nhận và chúng tôi rất trân trọng điều này", Phó Chủ nhiệm UBTP nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều dự án luật nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, trong đó có cả lĩnh vực tư pháp và an ninh, trật tự; đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có lực lượng Công an làm nòng cốt triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành về cơ bản 2 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân.

Các biện pháp phòng ngừa xã hội được triển khai đồng bộ, là một trong những nguyên nhân quan trọng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Kết quả là, tổng số vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội giảm 3,05% về số vụ và giảm 14,98% số người chết; giảm 8,61% số người bị thương. Một số loại tội phạm giảm và giảm sâu: mua bán người giảm 45%; cướp tài sản giảm 12,1%; trộm cắp tài sản giảm 7,1%; giết người giảm 6,02%... Tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí (giảm 16,05% số vụ, giảm 8,42% số người chết, giảm 20,84% số người bị thương)...

Lực lượng Công an vừa tăng cường phòng, chống dịch, vừa bảo đảm phòng, chống tội phạm -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu khai mạc phiên họp.

Công tác quản lý nhà nước về đấu thầu nhiều sơ hở

Theo bà Mai Thị Phương Hoa, mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: hiếp dâm tăng 7,38%, trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 14,59%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 9,6%; gây rối trật tự công cộng tăng 24,77%... Tội phạm chống người thi hành công vụ tuy có giảm 9,38% nhưng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phòng, chống dịch và lực lượng Công an. Nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn nữa về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và có giải pháp đấu tranh hiệu quả thời gian tới.

Vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn ra ở nhiều nơi, phổ biến là các hành vi không tuân thủ quy định về phòng, chống dịch, làm lây lan dịch bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có trường hợp chống đối cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một số đối tượng còn lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi. Lực lượng Công an đã triệt phá 1 đường dây tổ chức tiêm vaccine "dịch vụ" với giá từ 2-4 triệu đồng/người. Công an TP Hà Nội bắt giữ 1 vụ đối tượng nhận tiền để cấp thẻ "luồng xanh" vào thành phố...

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập, tạo điều kiện cho các đối tượng thông thầu để trục lợi, gây thất thoát tài sản nhà nước, có vụ việc gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Như vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Tim Hà Nội; vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Quảng Ninh; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty thoát nước Hà Nội trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C gây thiệt hại 41 tỷ đồng; vụ án xảy ra tại Công ty xuất nhập khẩu Bình Dương, các đối tượng đã hạch toán, định giá thấp khu đất, không qua đấu thầu, gây thất thoát 2.000 tỷ đồng...

Tại phiên họp, các đại biểu cũng sẽ nghe ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát năm 2021 và Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát năm 2021; Báo cáo của Chánh án TAND tối cao về công tác của ngành Tòa án năm 2021 và Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án năm 2021; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2021; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Tiếp đó, các đại biểu sẽ thảo luận về các báo cáo trên. Báo CAND sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về phiên họp.

Quỳnh Vinh
.
.
.