Lo ngại về căn bệnh “sợ trách nhiệm” đang lây lan
Các đại biểu cho rằng, qua đại dịch cho thấy sự chăm lo của Đảng, Nhà nước với sức khoẻ của nhân dân; qua đại dịch cũng thấy rõ hơn lòng tham của một số người, kể cả người có chức quyền, lợi dụng mất mát, đau thương để cấu kết làm trái quy định, bị pháp luật nghiêm trị.
Ngày 29/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp. Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là xử lý các vấn đề “hậu” chống dịch như thanh toán trợ cấp cho nhân viên y tế; vay nợ vật tư, sinh phẩm; xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị được cho, tặng để chống dịch…
Xem xét có lý, có tình, công bằng đối với sai phạm trong chống dịch
Đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) nêu thực tế, đại dịch COVID-19 đi qua, bên cạnh những thắng lợi, còn để lại cho chúng ta nhiều điều để bàn, để suy nghĩ và quan trọng hơn là để thay đổi. Ngay từ đầu chúng ta xác định chống dịch như chống giặc tinh thần, khẩn trương huy động mọi nguồn lực bằng mọi biện pháp chấp nhận hy sinh để chiến thắng...
Ngoài ra, đại biểu lo ngại căn bệnh “sợ trách nhiệm”, thu mình lại, thụ động, ngại đưa ra quyết định đang lây lan từ ngành y sang những ngành nghề khác. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm và phải xem xét nhiều chiều. Bên cạnh đó là việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích mọi người tự tin làm việc.
Cũng nói về bài học trong công tác chống dịch, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh những đóng góp to lớn của nhân dân trong cuộc chiến tranh chống đại dịch COVID-19 suốt mấy năm qua. Đại biểu cũng nhắc tới những sai phạm nghiêm trọng trong phòng, chống dịch COVID-19 và cảm thán: "Có những cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt của công ty Việt Á trong tổ chức cơ sở sản xuất kit test thật đau đớn, thật đáng lên án và sự trả giá là quá đắt, quá lớn”. Theo đại biểu, những kẻ “tham ô, tham nhũng, xà xẻo trong hoạt động chống COVID-19 thì phải xử lý thật nghiêm khắc”. Nhưng cũng cần “xem xét thật có lý, có tình, công bằng" với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch, phục vụ lợi ích cộng đồng.
Vay nợ vật tư, sinh phẩm chưa biết xử lý thế nào
Nói về vi phạm trong công tác phòng, chống dịch, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh, qua đại dịch cho thấy sự chăm lo của Đảng, Nhà nước với sức khoẻ của nhân dân. Qua đau thương mới thấy tình yêu thương con người. Song, qua đại dịch cũng thấy rõ hơn lòng tham của một số người, kể cả người có chức quyền, lợi dụng mất mát, đau thương để cấu kết làm trái quy định, bị pháp luật nghiêm trị.
Đại biểu kể lại tâm sự của một bác sĩ trải lòng khi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đi giám sát chuyên đề này và cho rằng đây cũng là tâm tư của nhiều y bác sĩ khác.
“Quá trình phòng, chống dịch, đội ngũ y bác sĩ của đơn vị cố gắng hết sức, động viên nhau làm mọi cách, mọi biện pháp để có thuốc, ô xy, sinh phẩm cứu bệnh nhân vì sinh mạng con người là quý nhất. Thời điểm đó, xã hội xem họ là những anh hùng áo trắng, tuy nhiên, khi hết dịch, qua vụ án Việt Á và vụ án liên quan, việc chiếm nhiều thời gian, tâm trí, công sức của bác sĩ, nhà quản lý y tế là viết báo cáo giải trình cho các cơ quan chức năng” – đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói, đồng thời cho rằng Trung ương ban hành kịp thời hướng dẫn xử lý, phân hoá đối tượng trong xử lý vi phạm là rất hợp tình, hợp lý.
Đại biểu cũng nêu nỗi lo khác của cơ sở y tế là làm sao trả nợ vật tư y tế đã mượn của doanh nghiệp để chữa trị cho bệnh nhân trong giai đoạn dịch bệnh. Doanh nghiệp liên tục đòi nhưng không có cơ sở hoàn trả.
Cùng ý kiến về khó khăn trong việc hoàn trả vật tư y tế, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho biết, nhiều địa phương cho vay và nợ vật tư sinh phẩm y tế đến nay chưa có hướng giải quyết. Trong quá trình thực hiện, do nhiều nguyên nhân khác nhau và tại một số thời điểm, các mặt hàng y tế khan hiếm, giá cả thường xuyên dao động nên đã xảy ra tình trạng thiếu vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch. Để đảm bảo vật tư, sinh phẩm phòng, chống dịch, một số địa phương đã phải tổ chức vay mượn của các đơn vị tuyến trên, đơn vị bạn và một số nhà cung cấp trước đó.
“Đến nay, dù tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn một số địa phương đang nợ vật tư, sinh phẩm trong phòng, chống dịch COVID-19 và chưa có phương án tháo gỡ vướng mắc. Để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan sớm tham mưu, nhanh chóng có phương án xử lý vướng mắc cho nhiều địa phương” – đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị.