Khẩn trương xử lý tồn tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm và thị trường chứng khoán

Thứ Năm, 13/07/2023, 16:31

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Tài chính tổ chức ngày 17/3.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán; đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 70,3 nghìn tỷ đồng (miễn giảm 28,3 nghìn tỷ đồng, gia hạn 42 nghìn tỷ đồng).

Tổng chi NSNN ước đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển tăng so với cùng kỳ năm 2022 cả về số vốn (65,2 nghìn tỷ đồng) và tỷ lệ giải ngân (đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ đạt  27,75%). Cân đối ngân sách các cấp được đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện phát hành 179,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,23 năm, lãi suất bình quân 3,7%/năm, góp phần đảm bảo cân đối NSNN cho trả nợ gốc và định hướng lãi suất thị trường.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ về tài khóa -0
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo

Cũng tính đến hết tháng 6, Bộ Tài chính đã thực hiện 31,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán; kiểm tra trên 343,2 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý 8,1 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính trên 43 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 11,2 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 8,4 nghìn tỷ đồng); giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác 31,9 nghìn tỷ đồng… Trong nửa cuối năm còn lại, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như đại diện lãnh đạo các địa phương đã bày tỏ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ dù bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ về tài khóa -0
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái điểm lại bối cảnh tình hình thế giới, trong nước và cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, các bộ ngành trong đó có ngành tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Theo Phó Thủ tướng, trong các tháng tới, dự báo tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các ảnh hưởng từ môi trường quốc tế, áp lực kiểm soát lạm phát gia tăng, rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường..., ảnh hưởng lớn tới việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm, trong đó có mục tiêu ngành Tài chính. Để hoàn thành và hoàn thành mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 (6,5%), kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cần sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của các Bộ, ngành và địa phương, trong đó có nỗ lực của ngành Tài chính.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ về tài khóa -0
Toàn cảnh hội nghị

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần tiếp tục cập nhật phương án, kịch bản điều hành, có bước đi cụ thể trong thời gian còn lại của năm.Tập trung xử lý hiệu quả những nhiệm vụ cấp bách; dành thêm thời gian tham gia ý kiến góp ý với các chính sách đối với bộ ngành... để tham mưu kịp thời cho Chính phủ xử lý các vấn đề đặt ra. Các Bộ, ngành và địa phương cũng phải đề cao quyết tâm, cùng góp sức, cùng phối hợp chặt chẽ ngành Tài chính, thực hiện nhất quán phương châm điều hành của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu, chi ngân sách nhà nước; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia gắn với sử dụng vốn có hiệu quả. Sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023.

Tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa đã ban hành, nhất là chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế... Bộ Tài chính cần quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ, bội chi theo dự toán Quốc hội quyết định. "Cố gắng thu phải cân đối được chi", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp tục kiểm soát nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, các nghĩa vụ trả nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, nợ chính quyền địa phương, đảm bảo uy tín quốc gia, an ninh tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp với tiến độ thu, chi và giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả nhất. Triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp, giải pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả, thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu do nhà nước định giá; chú trọng công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, góp phần tạo đồng thuận xã hội đối với công tác điều hành giá, ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xử lý thực chất, hiệu quả những tồn tại, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm và thị trường chứng khoán. Khẩn trương vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7/2023.

Tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là về quản lý, kiểm tra chuyên ngành để giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và người dân. Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, nhất là trong quản lý hóa đơn điện tử, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.

Hà An
.
.
.