Hiệu quả từ thực tiễn khi thực hiện Đề án 06
Đề án 06 của Chính phủ được triển khai với mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số, tức mọi thủ tục hành chính, giao dịch tài chính được cải cách, đơn giản hóa và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân. Hiện, người dân tỉnh Thái Bình đã bắt đầu được thụ hưởng những lợi ích từ đề án này đem lại.
Đề án 06 xác định rõ đối tượng phục vụ là người dân và doanh nghiệp. Các tổ chức, cá nhân được hưởng những tiện ích tốt nhất thông qua các dịch vụ hành chính công, an sinh xã hội và tiếp cận các dịch vụ thương mại thông qua định danh điện tử. Việc triển khai thực hiện Đề án 06 có vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng hết sức to lớn. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính Nhà nước theo hướng hiện đại, góp phần phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.
Một trong những mục tiêu của Đề án 06 là giúp giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính của công dân, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước trong công tác lưu trữ, bảo quản hồ sơ. Tỉnh Thái Bình đã tích cực triển khai hàng loạt giải pháp để chuẩn hóa, số hóa, tái sử dụng dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Hiện nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 25/25 dịch vụ công thiết yếu; trong đó, nhu cầu của người dân tập trung vào nhóm 11 dịch vụ công của lực lượng CAND, 4 dịch vụ công của ngành Tư pháp và 2 dịch vụ công của ngành Điện lực. Một số thủ tục có tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến đạt 100% như: thông báo lưu trú; làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện; đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để khám, chữa bệnh, cập nhật thông tin tiêm chủng, cấp hộ chiếu vaccine và triển khai cấp giấy khám sức khỏe điện tử được đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 294/294 cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện tra cứu CCCD gắn chíp; 40 cơ sở sử dụng thiết bị đọc thẻ CCCD gắn chíp để thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế và có gần 497 nghìn người sử dụng thẻ CCCD đi khám, chữa bệnh, trong đó tra cứu thành công đạt tỷ lệ hơn 67%.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cơ sở y tế khi thực hiện khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh hoàn thành việc cung cấp thiết bị đọc thẻ chíp đối với 294/294 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh trong quý I/2023. Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa, Thái Bình là một trong những cơ sở y tế đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Bình triển khai việc sử dụng CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp với thẻ bảo hiểm y tế… trong quy trình khám, chữa bệnh. Theo ghi nhận, hiện nay, trung bình đã có trên 50% lượng bệnh nhân đến khám tại đây sử dụng phương thức này. Bệnh viện cũng đã trang bị 7 máy quét nhằm giảm tải thời gian chờ đợi của bệnh nhân.
Như trường hợp của ông Phạm Ngọc Hoàn (trú tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), một bệnh nhân đang làm thủ tục đăng ký khám tại bệnh viện, chỉ mất vài phút, ông đã hoàn tất thủ tục đăng kí chỉ với duy nhất tấm thẻ CCCD. “Tôi cảm thấy rất tiện lợi, đặc biệt đối với những người già, về hưu như chúng tôi. Đến khám bệnh, chỉ cần 1 cái thẻ này (thẻ CCCD gắn chíp). Vì tất cả mọi thứ đã được tích hợp trong thẻ CCCD cho nên không phải chuẩn bị nhiều giấy tờ như mọi khi nữa”, ông Hoàn chia sẻ.
Theo Th.s Bs Nhâm Sỹ Đức, Giám đốc chuyên môn Bệnh viên Đa khoa Lâm Hoa: “Khi người bệnh đưa thẻ CCCD ra, nhân viên chúng tôi sẽ quét mã thẻ đó để lên các thông tin của thẻ bảo hiểm y tế. Các thông tin của thẻ còn hạn hay không, cũng như các tỷ lệ về mức độ hưởng bảo hiểm... đều được thể hiện trên màn hình máy vi tính. Đương nhiên, bệnh viện sẽ không phải tra đối giữa bảo hiểm y tế có trùng với thẻ CCCD hay không. Đây là bước mà tôi thấy thuận lợi hơn và rút ngắn hơn cho người bệnh”.
Còn tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình, trên cơ sở thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, đến nay đã hoàn tất việc triển khai số hóa và bóc tách dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính thuộc các ngành, lĩnh vực trọng điểm… Nhiều thủ tục giờ đây chỉ cần đăng kí hồ sơ trực tuyến, giảm tối đa thời gian tiếp nhận, chờ đợi. Điều này đã nhận được sự hài lòng từ phía người dân và doanh nghiệp khi đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần của tỉnh là 1.561 thủ tục, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt trên 64%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt gần 62%; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đạt 51,6%. Song song với đó, hạ tầng về đường truyền, máy tính, máy in, nguồn nhân lực triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ được thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện và 11 thủ tục thuộc lĩnh vực của lực lượng Công an cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Tỉnh Thái Bình đã kết nối hệ thống của tỉnh với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong đó, việc nhanh chóng hoàn thiện dữ liệu dân cư đã được lực lượng Công an tỉnh Thái Bình thực hiện đồng bộ, đảm bảo nguồn dữ liệu luôn trong trạng thái “đúng - đủ - sạch - sống”. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, then chốt trong triển khai Đề án 06.
Ông Đỗ Hồng Nam, Cục trưởng Cục Thuế Thái Bình cho biết: “Với doanh nghiệp và người dân có giao dịch về lĩnh vực thuế, chúng tôi đồng bộ thông tin và thực hiện khai thác dữ diệu qua môi trường mạng điện tử mà không cần phải hỏi bất cứ thủ tục hành chính hoặc hồ sơ nào khác kèm theo. Ngoài ra, ở đây cũng giảm được phiền hà và đảm bảo minh bạch dữ liệu, chính xác và phục vụ tốt hơn trong công tác quản lý thuế và quản lý nhà nước về người nộp thuế”…