HĐND TP Hà Nội khai mạc Kỳ họp chuyên đề, xem xét 4 nhóm nội dung lớn của Thủ đô

Thứ Sáu, 29/03/2024, 09:52

Sáng 29/3, Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã chính thức khai mạc. Mặc dù là kỳ họp chuyên đề nhưng là đây kỳ họp có khối lượng công việc lớn, gồm 17 nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chính quan trọng của Hà Nội.

Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, trong kỳ họp lần này, HĐND TP xem xét, thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để UBND TP hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 - tháng 5/2024 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Đây là nội dung lớn, rất quan trọng, cùng với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được tập trung hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được HĐND TP thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ, sẽ tạo ra khung khổ pháp lý, thể chế quan trọng cho sự phát triển Thủ đô. Đồng thời tạo lập không gian phát triển mới, động lực mới và giá trị mới để xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội", Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nói.

h7.jpeg -0
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai biểu khai mạc kỳ họp.

Nội dung thứ hai tại kỳ họp là HĐND TP sẽ xem xét, quyết định các nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công, chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công và điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2024 của TP. Đây cũng là những nội dung quan trọng để kịp thời giải quyết, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội, tập trung hỗ trợ để thực hiện các dự án trường học, y tế, di tích, hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, xử lý nước thải, các nội dung thuộc chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số… 

Nội dung tiếp theo được HĐND TP xem xét, quyết định là các nội dung quan trọng về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, như: Bổ sung biên chế viên chức giáo dục của TP; quy định mức thu học phí, dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo; chế độ chăm sóc sức khoẻ cán bộ; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; mức hỗ trợ nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hoá ở cơ sở; tổ chức lại quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; các hoạt động nhằm tri ân, tôn vinh các gia đình chính sách, người có công, các cá nhân tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ…

Cũng tại Kỳ họp này, HĐND TP thực hiện các nội dung khác theo thẩm quyền và công tác cán bộ, kiện toàn chức danh Ủy viên UBND TP theo quy định.

Hà Nội giao bổ sung 2.648 biên chế viên chức giáo dục

Tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội ngày 29/3, với đa số đại biểu nhất trí tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết "Về việc điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp TP năm 2024 và giao bổ sung biên chế viên chức giáo dục từ năm học 2023-2024".

HĐND TP Hà Nội khai mạc Kỳ họp chuyên đề, xem xét 4 nhóm nội dung lớn của Thủ đô -0
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh trình bày tờ trình tại kỳ họp.

Theo đó, từ tháng 1/2024 TP Hà Nội điều chỉnh tổng biên chế viên chức hưởng lương ngân sách Nhà nước là 116.185 biên chế, trong đó số biên chế viên chức theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 6/12/2023 của HĐND TP là 113.537 biên chế; bổ sung 2.648 biên chế theo Quyết định số 2362-QĐ/BTCTW ngày 6/12/2023 của Ban Tổ chức Trung ương về biên chế của TP Hà Nội năm 2024.

Nghị quyết cũng giao bổ sung 2.648 biên chế viên chức giáo dục từ năm học 2023- 2024 cho Sở GD&ĐT, UBND quận, huyện, thị xã. Trong đó, giao 447 biên chế viên chức các trường THPT; 1.033 biên chế viên chức các trường THCS; 977 biên chế viên chức các trường tiểu học; 191 biên chế viên chức các trường mầm non.

HĐND TP giao UBND TP tổ chức triển khai giao bổ sung biên chế viên chức giáo dục theo đúng Nghị quyết, đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch. Thực hiện việc quản lý, sử dụng hiệu quả số biên chế giáo viên được giao; chỉ đạo việc tuyển dụng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, vị trí việc làm, cơ cấu môn học theo từng bậc học.

Trước đó, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, trong năm học 2023-2024, căn cứ quy hoạch mạng lưới trường học, đã có 33 trường mầm non, phổ thông công lập được thành lập mới và đưa vào hoạt động tại các quận, huyện, thị xã với quy mô 554 lớp học và 19.350 học sinh. Do đó, cần số biên chế sự nghiệp giáo dục theo định mức do Bộ GD&ĐT quy định là 114.367 người (thực tế thiếu 16.004 người).

Từ thực trạng thiều biên chế so với định mức quy định như trên, năm học 2023-2024, TP đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục. Ngày 6/12/2023, Ban Tổ chức Trung ương đã có Quyết định số 2362 - QĐ/BTCTW về thông báo biên chế của TP Hà Nội năm 2024, theo đó bổ sung 2.648 biên chế (đạt 16,54% so với số viên chức còn thiếu, đạt 29,62% so với số TP đề nghị bổ sung).

T.Linh
.
.
.