Hạ tầng giao thông Hà Nội yếu kém cả quy hoạch lẫn triển khai gây ùn tắc, thiếu nơi đỗ xe trầm trọng

Thứ Tư, 06/12/2023, 10:37

Tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đều cho rằng, giao thông là vấn đề nóng của Hà Nội. Đáng chú ý, dân số cơ học tăng nhanh, phương tiện gia tăng nhưng năng lực đầu tư công cho hệ thống hạ tầng chỉ khoảng 0,5% đã dẫn đến ùn tắc và thiếu bãi đỗ xe, đặc biệt trầm trọng ở trung tâm nội thành.

Theo ông Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội, hiện nay, các tuyến giao thông lớn, nhiều tuyến đường vành đai chưa hoàn thành. Tuyến đường sắt đô thị mới làm có 1 tuyến, còn đường BRT cũng mới làm 1/11 tuyến, vì thế áp lực lên hệ thống giao thông rất lớn. Nhiều điểm, ô đất được quy hoạch bãi đỗ xe nhưng chậm triển khai khiến người dân đỗ xe tràn dưới lòng đường, vỉa hè. Từ đó, ông Huân đề nghị cần phải rà soát lại việc thực hiện các nghị quyết liên quan mà HĐND TP đã ban hành.

Đại biểu Phạm Hải Hoa (Chủ tịch Hội Nông dân TP) đề nghị UBND TP rà soát có hướng tuyến xe buýt phù hợp tối đa nhu cầu của người dân nông thôn. Thực tế hiện nay có tuyến nhiều khách, có tuyến không kết nối được. "Việc xây dựng nhà chờ, điểm chờ xe buýt cũng phải đảm bảo thẩm mĩ, phù hợp văn hóa từng vùng, gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương", đại biểu nói.

Phó Chủ tịch Hà Nội lý giải nguyên nhân ùn tắc giao thông -0
Áp lực lên hệ thống giao thông ở Thủ đô ngày càng lớn.

Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn thừa nhận, năng lực phát triển hạ tầng kỹ thuật và giao thông của Thủ đô đang ở mức thấp. Hiện TP có khoảng 8,5 triệu dân cư trú và 1,5 triệu dân đi lại tự do. Trong khi đó, tốc độ gia tăng phương tiện tại Hà Nội là khoảng 4-5%/năm, cá biệt ô tô tăng 10%. Vì thế, khả năng đáp ứng diện tích chiếm đất phục vụ giao thông theo quy hoạch yêu cầu là 25-26%, nhưng hiện mới chỉ đạt được gần 13%.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho rằng, ngoài việc nghiên cứu các nguồn lực thực tế, cần tập trung xem xét khả năng đầu tư công, thiết lập cơ chế đầu tư mới. Trong đó, đường sắt đô thị được xác định là "xương sống" của vận tải hành khách công cộng và là mô hình vận tải khối lượng lớn, tốc độ cao.

Nhìn vào thời gian thực hiện các tuyến đường sắt đô thị vừa qua, nếu làm lần lượt, Hà Nội phải mất 100 năm mới xong 10 tuyến theo quy hoạch. Vừa qua, TP thành công khi triển khai xong tuyến Cát Linh - Hà Đông chỉ dài khoảng 13km nhưng vận tải hiệu quả. Trong khi đó, theo các quy hoạch, Hà Nội có 418km đường sắt đô thị với 10 tuyến.

Sắp tới, việc điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch Thủ đô sẽ nâng lên dự kiến 14 tuyến với tổng chiều dài 500km nối cả các tỉnh trong vùng Thủ đô và 5 trục phát triển.

Ông Tuấn cho rằng, tính cả tuyến Cát Linh - Hà Đông đang vận hành và tuyến Nhổn - ga Hà Nội giai đoạn 1 dài 8,5km đoạn trên cao dự kiến khai thác vào giữa năm 2024, vận tải hành khách công cộng chỉ đáp ứng khoảng 6% nhu cầu. "Nhưng hai tuyến này nhìn nhận lại cả một quá trình đầu tư thì phải cỡ 10-15 năm. Giả thiết có 10 tuyến và làm theo phương pháp từng tuyến một thì chúng ta phải mất khoảng 100 năm may ra mới có một số tuyến này, quá bất cập", ông Tuấn lo ngại.

Phó Chủ tịch Hà Nội lý giải nguyên nhân ùn tắc giao thông -0
Bộ Chính trị đặt nhiệm vụ đường sắt đô thị của Hà Nội đạt 50% khối lượng vào năm 2035 và 100% vào năm 2045.

Dẫn Kết luận số 49 của Bộ Chính trị đặt nhiệm vụ đường sắt đô thị của Hà Nội đạt 50% khối lượng vào năm 2035 và 100% vào năm 2045, ông Tuấn cho biết, thời gian thực hiện chỉ còn hơn 10 năm và gần 25 năm nữa, tương đương thời gian hình thành một số đoạn tuyến vừa qua. HĐND TP Hà Nội cần thiết lập một đề án tổng thể để đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đồng loạt. Quy mô dự kiến là khoảng 40 tỷ USD, tức gần 1 triệu tỷ đồng, tương tự TP Hồ Chí Minh.

Do đó, ông Tuấn đề xuất thời gian tới, TP cần thiết lập bằng được đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, dùng các nguồn lực và đi tìm các cơ chế cả trong Luật Thủ đô, cả trong Luật Đầu tư công của trung ương, địa phương. Cần nghiên cứu đồng bộ chương trình phát triển đô thị. HĐND và UBND ngoài việc nghiên cứu các nguồn lực thực tế, cần tập trung xem xét khả năng đầu tư công, thiết lập cơ chế đầu tư mới: “Vành đai 4 - vùng Thủ đô là một khuôn mẫu trong việc phối hợp ngân sách Trung ương và địa phương, phối hợp giữa Thủ đô và các tỉnh, TP trong khu vực. Nội dung này đã được Quốc hội ban hành các nghị quyết đặc biệt, đặc thù, cũng là những khuôn mẫu để TP vận hành các cơ chế”.

Chi Linh
.
.
.