Hà Nội ứng dụng mạnh mẽ Đề án 06 trong cải cách hành chính và chăm sóc sức khỏe nhân dân
Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Chuyển đổi số, cải cách hành chính qua VNeID
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Bộ Công an, thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, tính đến nay, Bộ Công an đã đẩy mạnh phát triển nhiều tiện ích tích hợp trên ứng dụng VNeID để phục vụ nhu cầu của công dân, góp phần cải thiện, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết thủ tục hành chính cũng như công tác quản lý Nhà nước. Ứng dụng VNeID đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy, giúp các bộ, ngành, địa phương phát triển chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính phục vụ ngày càng hiệu quả hơn người dân, doanh nghiệp.
Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, UBND thành phố đã ban hành văn bản triển khai thực hiện, đồng thời nghiên cứu, chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an TP Hà Nội, Sở Thông tin truyền thông và các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện hiệu quả.
Đặc biệt, một trong số đó chính là việc triển khai thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID trên địa bàn TP Hà Nội. Mặt khác, để khuyến khích người dân Thủ đô sử dụng phiếu lý lịch tư pháp bản điện tử trong giải quyết các thủ tục hành chính, UBND thành phố báo cáo đề xuất, trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua VNeID trên địa bàn TP Hà Nội với mức hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp và hỗ trợ tối đa 10 phiếu lý lịch tư pháp (bản giấy) cho người dân khi có đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Tiếp đó, ngày 10/12/2024 vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua quy định kéo dài thời gian thực hiện hỗ trợ đến hết ngày 30/6/2025. Cả người dân và thành phố đều được hưởng lợi to lớn từ những chính sách, sự thay đổi, cải cách này.
Thực hiện việc chuyển đổi, sử dụng tài khoản VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính, UBND thành phố đã ban hành văn bản chuyển đổi, sử dụng tài khoản VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính và rà soát, làm sạch dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố giao Sở Thông tin và truyền thông chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Văn phòng UBND thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ hướng dẫn của Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rà soát trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố, các hệ thống có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính về số lượng tài khoản chưa được làm sạch (chưa có đầy đủ thông tin về số định danh cá nhân).
UBND TP Hà Nội cũng chủ động xây dựng lộ trình, phương án hoặc kế hoạch thực hiện việc chuyển đổi, làm sạch tài khoản công dân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố và các hệ thống có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính sang VNeID trước ngày 1/7/2024 theo quy định của Chính phủ.
UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, các cơ quan, báo chí, truyền thông của thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung về Đề án 06, các tiện ích của ứng dụng VNeID… đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo tổ chuyển đổi số cộng đồng ở các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt VNeID, kích hoạt định danh điện tử mức 2, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, tra cứu, theo dõi Sổ sức khỏe điện tử của bản thân trên VNeID.
TP Hà Nội cũng ứng dụng mạnh mẽ VNeID trong chi trả an sinh xã hội, tích hợp giấy phép lái xe và giấy đăng ký xe cho lực lượng Cảnh sát giao thông thay vì phải mang theo bản cứng. Hiện nhiều ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán ngân hàng trên VNeID, cập nhật sinh trắc học, thông tin liên quan từ VNeID…, mang đến sự thuận tiện tối đa cho công dân trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số…
Nhiều kết quả vì nhân dân phục vụ
Đại tá Vũ Văn Tấn cũng khẳng định, Hà Nội là một trong số nhiều địa phương trên cả nước đi đầu trong việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội theo các lĩnh vực. Cụ thể, trên lĩnh vực ngân hàng, UBND TP Hà Nội đã triển khai giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay phục vụ an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, chỉ đạo các đơn vị phối hợp, rà soát, xác minh, làm sạch thông tin đối tượng vay vốn ngân hàng nhằm góp phần chuyển đổi số ngành ngân hàng, tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đã giao Công an TP chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã tham mưu UBND cùng cấp phối hợp các ngân hàng trên địa bàn rà soát, lập danh sách các trường hợp công dân thường trú trên địa bàn có vay vốn ngân hàng và công dân đã vay vốn ngân hàng nhưng hiện nay đã đi khỏi nơi đăng ký thường trú. Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan theo hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản hướng dẫn việc ban hành quy trình vay, mức lãi suất vay theo quy định; chỉ đạo các đơn vị có liên quan thuộc 6 tổ chức tài chính, ngân hàng trên địa bàn thành phố (BIDV, Vietcombank, Vietinbank, PVcombank, VIB, Mcredit) triển khai đánh giá khả tín khách hàng cũng như cho người dân vay tín chấp từ VNeID.
Việc phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các sản phẩm phục vụ người dân đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách này gây mất niềm tin trong nhân dân cũng như thực hiện công tác quản lý, huy động và sử dụng nguồn vốn, thực hiện việc cho vay đúng đối tượng, điều kiện theo quy định của pháp luật…
Đặc biệt, trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, VNeID được ứng dụng trong lĩnh vực y tế, UBND TP Hà Nội đã triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp; “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19; liên thông dữ liệu kết quả khám sức khỏe lái xe; liên thông dữ liệu giấy báo tử, giấy chứng sinh; khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học (Kiosk tự phục vụ) và triển khai Sổ sức khỏe điện tử. Đến nay, thành phố đã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh từ năm 2021 của 850 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập lên hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử TP Hà Nội; khởi tạo được trên 10 triệu đối tượng từ hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và phần mềm quản lý khám chữa bệnh, tiêm chủng quốc gia và 579 Trạm Y tế trên địa bàn thành phố cập nhật thông tin.
Ngành y tế Hà Nội đã khởi tạo được gần 10,6 triệu đối tượng người dân sinh sống trên địa bàn thành phố. Hơn 21 triệu lượt khám chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh lên hệ thống Hồ sơ sức khỏe của thành phố. Khoảng 7,8 triệu người dân có 21/73 thông tin theo quy định của UBND TP Hà Nội. Cùng với đó, hơn 3 triệu người dân được tạo lập với 46/46 trường thông tin theo quyết định của Bộ Y tế và 66/73 thông tin theo quyết định số 110 của UBND TP Hà Nội. Đã chuẩn hóa được hơn 8,2 triệu người dân trên tổng số 10,5 triệu người dân được khởi tạo (hơn 7,8 triệu người dân thành phố có Hồ sơ sức khỏe điện tử, đạt tỷ lệ 95%); chuẩn hoá, cập nhật được hơn 4,6 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế. Chuẩn hóa cập nhật được hơn 6,5 triệu người có CCCD/Số định danh cá nhân…
Ngày 6/11/2024, Hà Nội triển khai thí điểm thực hiện Sổ sức khoẻ điện tử trên địa bàn thành phố phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID. Các cơ sở khám chữa bệnh đã chủ động nâng cấp phần mềm, cơ sở hạ tầng để đáp ứng liên thông dữ liệu lên cổng tiếp nhận dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, tích hợp giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID nhằm phục vụ người dân, cơ sở y tế tra cứu thông tin và sử dụng khi đi khám chữa, bệnh tại các cơ sở y tế.
Đến nay, tổng số hồ sơ đúng đã được các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố liên thông là 5.850.501 hồ sơ. Số lượng người dân Thủ đô có Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID gần 1,8 triệu người, qua đó góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.