Giữ chân người lao động phải bằng sự ưu việt và lợi ích của Bảo hiểm xã hội

Thứ Hai, 27/05/2024, 12:50

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 147 điều và có 15 điểm mới (tăng 1 chương và tăng 11 điều so với dự thảo cũ).

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, sáng 27/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 147 điều và có 15 điểm mới (tăng 1 chương và tăng 11 điều so với dự thảo cũ).

Trình Quốc hội 2 phương án về rút BHXH 1 lần

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, ngoài việc kế thừa quy định tại Điều 60 của Luật BHXH hiện hành đối với các trường hợp giải quyết hưởng BHXH 1 lần như: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, lao nặng, AIDS, thì dự thảo luật còn quy định điều kiện hưởng BHXH 1 lần theo 2 phương án:

Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:

Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH chứ không phải giữ số tiền ít ỏi của họ -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH 1 lần.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng BHXH 1 lần.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thêm về vấn đề này cũng như các phương án cụ thể để tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua” - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Dùng mức tham chiếu thay lương cơ sở để đóng BHXH 1/7

Liên quan tiền lương đóng BHXH sau khi mức lương cơ sở đã bị bãi bỏ khi tiến hành cải cách tiền lương từ 1/7, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, nội dung này chưa được dự liệu đầy đủ khi Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp 6 cuối năm 2023.

Theo đó, mức tham chiếu tính BHXH được tính bằng 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2024 thay thế cho mức lương cơ sở để thực hiện BHXH. Tuy nhiên, ngày 25/5, Chính phủ đã có báo cáo số 286 gửi Quốc hội đề xuất các nội dung liên quan trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do tác động của chính sách tiền lương mới.

Giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH chứ không phải giữ số tiền ít ỏi của họ -0
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình.

Về việc sử dụng mức tham chiếu thay thế cho mức lương cơ sở, Chính phủ cho biết, để đảm bảo tương quan, với dự kiến phương án cải cách tiền lương mà Ban Chỉ đạo đã thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền, đề nghị thể hiện khái niệm "mức tham chiếu" tại dự thảo luật. Cụ thể, Chính phủ đề xuất mức tham chiếu là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH trong luật này.

Mức tham chiếu được tính bằng mức lương cơ sở, khi bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu được Chính phủ điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và quỹ BHXH.

Về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại khoản 1 điều 89 Luật BHXH năm 2014, Chính phủ đề nghị giữ như nội dung đã trình tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.

Theo đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng theo bảng lương do Nhà nước quy định; phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Kiến nghị Ngân hàng chính sách xã hội phải cho vay đối với những đối tượng không rút BHXH 1 lần

Phát biểu tại phiên họp, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất đó là quy định người lao động được rút BHXH 1 lần. Nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (đoàn Đồng Nai) ủng hộ phương án quy định người lao động được chia làm hai nhóm. Theo đại biểu, mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, so sánh giữa hai phương án thì phương án 1 có ưu điểm đảm bảo kế thừa quy định của Luật BHXH hiện hành, không tạo ra sự xáo trộn trong xã hội, tránh được những phản ứng tập thể.

Giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH chứ không phải giữ số tiền ít ỏi của họ -0
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (đoàn Đồng Nai) phát biểu tại phiên họp.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ đảm bảo có những chính sách về tín dụng, ưu đãi dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp… để phát triển thị trường lao động cũng như giảm thiểu thấp nhất tình trạng rút BHXH một lần, để người lao động có thể được hưởng chế độ hưu trí.

Cũng là đại biểu thuộc đoàn Đồng Nai, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng tán thành với cách quy định theo phương án 1, đồng thời đề nghị bổ sung quy định Ngân hàng chính sách xã hội phải cho vay đối với những đối tượng không rút BHXH 1 lần, để khi nghỉ việc người lao động được vay tiền trang trải cuộc sống. Để thuận lợi và phát huy dân chủ, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị tổ chức lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH chứ không phải giữ số tiền ít ỏi của họ -0
Đại biểu Rơ Châm H’Phik (đoàn Gia Lai) phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Rơ Châm H’Phik (đoàn Gia Lai) cũng đề xuất lựa chọn phương án 1. Theo đó, phương án này quy định việc hưởng BHXH 1 lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1 đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH có nhu cầu thì được nhận BHXH 1 lần. Nhóm 2 đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực không được nhận BHXH một lần, chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu, ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 luật hiện hành...

Đại biểu cho rằng, phương án này sẽ khắc phục được tình trạng hưởng BHXH 1 lần trong thời gian qua, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp người lao động thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già. Quy định này không ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động tham gia BHXH nên dễ nhận được sự đồng thuận của người lao động.

Cần tích hợp cả 2 phương án để đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Có ý kiến khác với các đại biểu trên, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) phát biểu tranh luận cho rằng, về vấn đề rút BHXH 1 lần, hai phương án Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai phương án này là thời điểm tham gia đóng BHXH của người lao động là trước hoặc sau khi luật có hiệu lực. Nếu đóng bảo hiểm trước 1/7/2025 thì được hưởng BHXH rút 1 lần, sau ngày này thì không được hưởng. 

Đại biểu nhấn mạnh, nhu cầu rút BHXH 1 lần là nhu cầu cấp thiết, hợp pháp và hợp lý của người lao động, không phụ thuộc vào thời điểm đóng BHXH trước hay sau khi luật này có hiệu lực. Do đó, để phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa những hạn chế của hai phương án, đại biểu đề xuất tích hợp hai phương án trên, từ đó giải quyết được vấn đề trước mắt theo yêu cầu của người lao động. Về lâu dài sẽ giải quyết được vấn đề đảm bảo an sinh xã hội.

Giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH chứ không phải giữ số tiền ít ỏi của họ -0
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) phát biểu tại phiên họp.

Cũng cho rằng, phương án nào cũng chưa thật sự hợp lý, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc tích hợp áp dụng 2 phương án đã nêu. Đại biểu phân tích, cả hai phương án này vẫn chưa phải là phương án tối ưu, vì thực tế trong bối cảnh điều kiện của nước ta hiện nay nhiều người rất cần một khoản chi phí để trang trải vượt qua những khó khăn trước mắt. Vì vậy, không thể hạn chế việc rút BHXH 1 lần đối với những người tham gia BHXH sau khi luật này có hiệu lực như phương án 1 và chắc chắn sẽ gây phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người dân cảm giác như bị đẩy vào thế khó; đôi khi dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống bảo hiểm. 

Theo đại biểu, nếu chỉ áp dụng phương án 2, nhiều người đang tham gia bảo hiểm cũng sẽ cảm thấy quyền lợi bị hạn chế, bị mất công bằng và cũng có tâm lý so sánh và ồ ạt rút BHXH trước khi luật có hiệu lực. Đại biểu nhấn mạnh, đây là nội dung lớn, rất cần có lộ trình vừa để người dân làm quen, tiếp cận và có thời gian để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống của người dân.

Cùng quan điểm cho rằng, cả hai phương án về điều kiện hưởng BHXH 1 lần đều vẫn còn hạn chế, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP Hồ Chí Minh) phân tích, không nên chọn phương án 2 vì chúng ta giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH chứ không phải bằng cách giữ 50% số tiền ít ỏi của người lao động. Tuy nhiên, phương án 1 thì cũng vẫn còn có những băn khoăn, bởi vì những người đóng BHXH sau ngày luật này có hiệu lực sẽ không còn được lựa chọn hưởng BHXH 1 lần. Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất chính sách để có thể hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần, đó là giao cho BHXH phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội cho người lao động vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp; mức vay tối đa bằng số tiền người lao động được hưởng nếu rút BHXH 1 lần.

Phương Thuỷ
.
.
.