Giáo dục các nước ASEAN sẽ "tái thiết lại" để tăng cường khả năng thích ứng

Thứ Năm, 13/10/2022, 10:59

"Chúng ta rất vui mừng được thấy trường học ở hầu hết các nước trên thế giới đã mở cửa trở lại. Nhưng việc mở lại trường học là chưa đủ. Phải chăng câu hỏi về mục tiêu đặt ra cho chúng ta là cần tái thiết lại nền giáo dục với những chuẩn mực mới để tăng cường khả năng thích ứng trước những thay đổi cùng những thách thức khó lường trong tương lai", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12.

Sáng 13/10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại buổi lễ.

Cùng dự lễ khai mạc có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Giáo dục, đại diện phụ trách Giáo dục của các nước thành viên trong ASEAN; đại diện Ban Thư ký ASEAN; Ban Thư ký Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) và Giám đốc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN).

asean 2.jpg -0
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần tái thiết lại nền giáo dục với những chuẩn mực mới để tăng cường khả năng thích ứng.

Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Việt Nam coi giáo dục là quốc sách. Phát triển giáo dục được xác định là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Hàng năm, ngân sách dành cho giáo dục của Việt Nam chiếm 20% ngân sách quốc gia. Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tái cấu trúc mạnh mẽ ngành giáo dục. Trong những năm vừa qua, chất lượng giáo dục của Việt Nam có chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao thông qua kết quả đánh giá học sinh quốc tế như PISA, PASEC và SEA-PLM.

Trong hai năm qua, giáo dục đã phải chịu tác động lớn bởi đại dịch COVID-19, phải đóng cửa trường học; những khó khăn khi thực hiện dạy và học hoàn toàn trực tuyến và qua truyền hình; những vấn đề về sức khỏe và an toàn của học sinh phát sinh khi không được đến trường, nhưng chúng ta đã vượt qua những “cú sốc” chưa từng có tiền lệ đối với giáo dục, để giảm thiểu tối đa tác động bất lợi của đại dịch.

"Trong bối cảnh đó, Việt Nam vinh dự là Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 và 2023. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam lựa chọn chủ đề của nhiệm kỳ này: "Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

asean 3.jpg -0
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12.

Tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ở các nước ASEAN, trong hai năm qua, hoạt động học tập của ít nhất 180 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa, có đến 35 triệu học sinh không được đến trường đã tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần và hoạt động học tập của học sinh. Hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không cùng nhau hành động, hành động mạnh mẽ hơn và hành động ngay từ lúc này. 

"Chúng ta rất vui mừng được thấy trường học ở hầu hết các nước trên thế giới đã mở cửa trở lại. Nhưng việc mở lại trường học là chưa đủ. Phải chăng câu hỏi về mục tiêu đặt ra cho chúng ta là cần tái thiết lại nền giáo dục với những chuẩn mực mới để tăng cường khả năng thích ứng trước những thay đổi cùng những thách thức khó lường trong tương lai", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

asean 1.jpg -0
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN và các vị đại biểu khách quý.

Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, cùng với những ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam được vinh dự làm Chủ tịch hợp tác giáo dục 2022-2023 của ASEAN, những người đứng đầu ngành Giáo dục các nước ASEAN sẽ cùng nhau xây dựng và thực thi chính sách giáo dục đúng đắn, hiệu quả, trước mắt là để khôi phục và duy trì tính liên tục của hoạt động học tập. Và sau đó, về trung và dài hạn, từng quốc gia cả cộng đồng ASEAN sẵn sàng ứng phó với những thách thức tương lai có thể ảnh huởng nghiêm trọng, có thể làm gián đoạn học tập bằng cách xây dựng hệ thống giáo dục linh hoạt và tự cường hơn.

"Chính phủ Việt Nam sẽ ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ Bộ GD & ĐT Việt Nam chủ trì cùng các bộ ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện các hành động được thống nhất tại hội nghị này phù hợp với tinh thần của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN đến năm 2025, góp phần để Việt Nam và ASEAN hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc", Phó Thủ tướng bày tỏ.

Bộ GD & ĐT Việt Nam đã đưa ra một số ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch kênh giáo dục 2022-2023 như sau: Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học;  Tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; Bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học; Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Những ưu tiên này phù hợp với 5 nội dung mà Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã kêu gọi các nước cam kết về giáo dục và 5 chủ đề thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh giáo dục được tổ chức tại New York vào các ngày 17, 18 và 19/9 vừa qua.

Thu Phương
.
.
.