Dư luận quốc tế hoan nghênh Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Ngày 11/10 (giờ địa phương), Việt Nam đã lần thứ 2 trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025, tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77, diễn ra ở New York, Mỹ.
Kết quả này phản ánh những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người suốt thời gian qua, đồng thời khẳng định sự công nhận vị thế của "đất nước hình chữ S". Trong khoảnh khắc xúc động và tự hào này, bạn bè quốc tế đã gửi lời chúc mừng và bày tỏ hy vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục mang đến những đóng góp thiết thực trong công cuộc thúc đẩy tất cả các quyền con người trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại.
Ngay sau khi Việt Nam trúng cử, trở thành 1 trong 14 thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Banglades, ông Shahriar Alam đã gửi lời chúc mừng tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn TTXVN, ông Shahriar Alam cho rằng kết quả này thể hiện khát vọng của người Việt. Ông Shahriar Alam nhận định, Việt Nam và Bangladesh có những điểm tương đồng về văn hóa và đều từng trải qua chiến tranh để giành lại nền độc lập. Vì vậy, với tư cách cùng là quốc gia trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền dịp này, ông nhấn mạnh hai nước cần coi hòa bình là giá trị trung tâm của các quyết định, khẳng định Bangladesh sẽ tiếp tục thắt chặt hợp tác với Việt Nam để đóng góp nhiều hơn cho Hội đồng Nhân quyền LHQ thời gian tới.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) Veeramalla Anjaiah khẳng định đây là sự công nhận cam kết của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Theo chuyên gia Veeramalla Anjaiah, dựa trên thực tế rằng người dân Việt Nam được hưởng nhiều quyền tự do và quyền con người, không chỉ 9 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đều bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam.
Được biết, ngoài việc là nước duy nhất trong ASEAN được các thành viên nhất trí đề nghị ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Ông Gérard Daviot, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) đã đánh giá cao sự kiện này.
"Đối với tôi, việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ là rất chính đáng bởi Việt Nam đã vạch ra mục tiêu cho cả chặng đường và hiện thực hóa điều đó thành công. Bản thân tôi tự coi mình như một công dân toàn cầu và tôi đánh giá rất cao con đường mà Việt Nam đã đi qua với việc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhiều lần được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và giờ đây tiếp tục là thành viên Hội đồng Nhân quyền của LHQ".
Về phía Hiệp hội Hữu nghị Canada - Việt Nam, ông Philip Fernandez và ông Steve Rutchinski khẳng định, dưới sự lãnh đạo đã kinh qua thử thách của Đảng Cộng sản Việt Nam, người dân có quyền lợi kinh tế, chính trị, xã hội bình đẳng.
Ông Fernandez đánh giá, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã có những tiến bộ đáng kể trong việc đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ. Cụ thể, vào cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam là 2,75% trên tổng dân số gần 100 triệu người.
Lý giải một trong những lý do về việc Việt Nam được tín nhiệm, ông Steve Rutchinski cho rằng Việt Nam đã tích cực tham gia những sứ mệnh nhân đạo trong thành phần phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ và hai lần được bầu vào Hội đồng Bảo an.
"Cộng đồng quốc tế cần tiếng nói chính đáng của Việt Nam. Các thành viên của Hội hữu nghị Việt Nam-Canada cảm ơn Việt Nam vì những đóng góp cho sự nghiệp hòa bình chung", ông Steve Rutchinski bày tỏ.
Trước đó, khi bắt đầu tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền, tờ Washington Times hôm 21/9 đã có bài viết ủng hộ Việt Nam, nhấn mạnh rằng kể từ khi chính thức trở thành thành viên LHQ vào tháng 9/1977, đất nước đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động của LHQ trong xây dựng hòa bình, phát triển và bảo đảm quyền con người. Bài viết khẳng định, việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền sẽ góp phần làm sâu sắc thêm sự tham gia của Việt Nam vào hệ thống quốc tế.
Cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ được thực hiện với hình thức bỏ phiếu kín. Việc xem xét lựa chọn của Đại hội đồng dựa trên những đóng góp của các quốc gia ứng cử trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, những cam kết tự nguyện của quốc gia đó trong lĩnh vực này. Trên thực tế, tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền thường diễn ra quyết liệt vì đây là một cơ quan quan trọng của LHQ, chịu trách nhiệm chính trong thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên toàn cầu.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần khẳng định rằng chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật có liên quan. Đặc biệt, những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người thời gian vừa qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Mới đây nhất, tháng 3/2022 Việt Nam đã công bố báo cáo giữa kỳ, tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã tiếp nhận theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người, gọi tắt là UPR chu kỳ III, thể hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên, minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về đảm bảo quyền con người nói chung.
Người Phát ngôn nhấn mạnh: "Việt Nam luôn tích cực thể hiện tinh thần hợp tác với các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ, đồng thời thường xuyên duy trì cơ chế đối thoại nhân quyền song phương với một số nước, sẵn sàng cung cấp, trao đổi các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau".