Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Nhiều đoạn, tuyến vào "tầm ngắm" của Kiểm toán Nhà nước
Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới có báo cáo kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về kết quả kiểm toán nhà nước năm 2021, trong đó, có không ít dự án liên quan đến lĩnh vực giao thông.
Tiến hành kiểm toán hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết; đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (đợt 2); đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Tổng KTNN đã phát hiện nhiều sai sót, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sớm xử lý.
Sai sót trong thẩm định công tác thiết kế, dự toán
Cụ thể, đơn vị kiểm toán yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án (BQLDA) 7 phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình thực hiện dự án nhằm đảm bảo tiến độ dự án, phát huy hiệu quả đầu tư; rút kinh nghiệm trong việc giao kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 (lần đầu) vượt số đăng ký 1.200 tỷ đồng. Rà soát tiến độ, tình hình thực hiện của các dự án do Bộ quản lý và cân đối các nguồn vốn để giao kế hoạch vốn phù hợp với nhu cầu của từng dự án, tránh trường hợp có dự án thiếu vốn, có dự án thừa vốn trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.
Cùng đó, KTNN yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA 6 thực hiện nghiêm túc, kịp thời kiến nghị của KTNN. Chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng rút kinh nghiệm đối với những sai sót, tồn tại trong việc thẩm định công tác thiết kế, dự toán. Phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án phục vụ thi công công trình đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
Với đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, KTNN kiến nghị nghiên cứu tình hình năng lực của các nhà thầu trong ngành xây dựng để có cơ sở khoa học phân chia gói thầu hợp lý, đảm bảo có nhiều nhà thầu tham gia dự thầu đạt được đánh giá hồ sơ kỹ thuật của gói thầu; xem xét việc phê duyệt hồ sơ mời thầu và việc quyết định hợp đồng có giá trị nhà thầu phụ (trừ nhà thầu phụ đặc biệt) chiếm không quá 30% giá trị gói thầu.
Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long có giải pháp chỉ đạo dứt điểm đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục nền đường, hệ thống thoát nước và móng đường chậm so với tiến độ đề ra, trong đó đặc biệt quan tâm đoạn tuyến do nhà thầu phụ là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 tự ý chấm dứt thi công; chuẩn bị đầy đủ khối lượng cấp phối đá dăm theo tiến độ, khẩn trương hoàn thành thiết kế tỷ phối bê tông nhựa rỗng và chuẩn bị đủ đá dăm các loại thi công hạng mục bê tông nhựa rỗng để có thể tiến hành thi công lớp bê tông nhựa rỗng theo tiến độ đã được duyệt.
Đặt biệt, rà soát bãi đổ thải đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý và vật liệu đổ thải phù hợp quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ để có cơ sở thực hiện đổ thải, nghiệm thu thanh toán; đồng thời xem xét kiểm tra công tác điều hành quản lý dự án đối với hạng mục đổ thải, tránh trường hợp tập kết vật liệu thải hai bên tuyến và đổ thải không phù hợp quy định.
Phối hợp với các đơn vị giải phóng mặt bằng các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các đoạn tuyến còn lại, sớm giải ngân vốn đầu tư làm tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách. KTNN còn yêu cầu Bộ GTVT đôn đốc Ban QLDA Thăng Long và các đơn vị có liên quan kịp thời nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành để thu hồi tạm ứng tại các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát.
Chỉ thị nóng về kiểm soát chất lượng công trình
Theo các chuyên gia giao thông, một trong những yếu tố tiên quyết để các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông kịp hoàn thành vào cuối năm 2022 là phải thay thế nhanh các nhà thầu yếu kém. Đến thời điểm này, tín hiệu báo động đỏ thực sự đã được phát ra đối với đại diện chủ đầu tư và 4 liên danh nhà thầu thi công Dự án Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, một trong 8 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Dự án Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết được khởi công tháng 9/2020, theo kế hoạch phải hoàn thành vào ngày 30/12/2022, nhưng đến tháng 3/2022, khối lượng thi công mới đạt 28,96% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5% so với tiến độ chung toàn Dự án và chậm 9,97% kế hoạch được Bộ GTVT đề ra cho dự án thành phần này. Nếu như Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án yếu nhất trong số 8 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công, thì Dự án Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt lại đáng quan ngại nhất trong số 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT vào đầu tháng 3/2022, Ban Quản lý dự án 6 cho biết, tại Dự án Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt mới có 5/7 nhà thầu triển khai 25/66 mũi thi công. Các hạng mục là đường găng của Dự án như hầm Thần Vũ chỉ có vỏn vẹn 2 mũi thi công đường công vụ vào cửa hầm. Cầu Hưng Đức chỉ có 1 mũi thi công cọc khoan nhồi.
Một số mũi thi công đến nay vẫn dừng thi công (kể từ Tết Nguyên đán), như cầu vượt Quốc lộ 8A, nền đường đoạn Km458+ 300 - Km459+827. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, việc bị chậm tiến độ nghiêm trọng cho thấy sự yếu kém trong công tác quản lý, điều hành của doanh nghiệp dự án.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ và siết chặt kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của Bộ GTVT. Chỉ thị cũng thừa nhận, vẫn còn một số chủ đầu tư, Ban QLDA, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm, chưa sâu sát trong quá trình thực hiện dự án theo quy định pháp luật và nhiệm vụ được Bộ GTVT phân cấp, ủy quyền. Một số dự án chậm tiến độ chưa được khắc phục dứt điểm. Việc sửa chữa khắc phục các khiếm khuyết, các hư hỏng cục bộ trong giai đoạn bảo hành chưa được thực hiện kịp thời.
Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự đảm bảo chuyên nghiệp hơn, nâng cao năng lực điều hành, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng. Các chủ đầu tư, Ban QLDA quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa các bộ phận, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư và nhiệm vụ được Bộ GTVT phân cấp, ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật. "Người đứng đầu chủ đầu tư, Ban QLDA chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT về việc thực hiện nhiệm vụ được giao", Bộ GTVT khẳng định…