Đồng Nai cố gắng kiểm soát dịch, mở lại sản xuất, kinh doanh từng bước và an toàn
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Đồng Nai vào chiều ngày 20/9...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, gần 2 tháng rưỡi thực hiện giãn cách toàn tỉnh là một khoảng thời gian dài, kéo theo rất nhiều khó khăn cho cả người dân, chính quyền và doanh nghiệp. Hiện Đồng Nai mới tiêm vaccine được 77%. Do đang thiếu vaccine nên khi Đồng Nai mở cửa hoạt động trở lại dễ thất bại do dịch bệnh lây lan, còn không mở thì nguồn lực cạn kiệt.
Với hơn 2,2 triệu dân trên 18 tuổi, Đồng Nai cần khoảng 4,5 triệu liều vaccine để tiêm 2 mũi cho người dân, nhưng đến nay mới được phân bổ gần 1,8 triệu liều. Trong những ngày gần đây Đồng Nai vẫn ghi nhận số ca nhiễm mỗi ngày gần 1.000 ca, trong khi số xuất viện chỉ đạt khoảng 300 ca dẫn đến tình trạng quá tải tại các khu cách ly điều trị. Ngày 20/9, Đồng Nai đã cho mở lại các “vùng xanh”.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quyết định giãn cách để kiểm soát dịch là biện pháp không mong muốn. Trong thời gian giãn cách các địa phương ngoài đảm bảo an sinh, tiếp cận y tế, điều trị sớm còn phải tranh thủ thời gian “ai ở đâu ở đấy” xét nghiệm nhanh để phân vùng nguy cơ. Phó Thủ tướng đồng tình quan điểm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về việc giao quyền chủ động, phát huy trách nhiệm, sáng tạo trong phòng, chống dịch cho doanh nghiệp, người dân khi mở cửa.
Phó Thủ tướng lưu ý, việc này không đồng nghĩa chính quyền buông lỏng quản lý mà chỉ giao cho doanh nghiệp, người dân chủ động lên phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo phòng, chống dịch an toàn. Khi xây dựng xong phương án, chắc chắn doanh nghiệp sẽ có đề nghị chính quyền trợ giúp nhiều vấn đề.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị Đồng Nai tuân thủ các quy định chung, đặc biệt trong vấn đề xét nghiệm tìm F0, phân loại, điều trị chăm sóc phù hợp, hiệu quả; cần phát huy sáng tạo của y tế địa phương, xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và tiết kiệm nhân lực, vật lực, cố gắng kiểm soát để mở lại sản xuất, kinh doanh từng bước và an toàn.