Đề nghị chuyển 100.000 tỷ đầu tư công để phòng, chống dịch
Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp căn cơ để xử lý những hạn chế, yếu kém, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, nhất là cải cách thủ tục về đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công...
Chiều 9/11, phát biểu trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều đại biểu đã tập trung đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế, phòng chống dịch trong điều kiện tình hình mới.
Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh), trong làn sóng dịch lần thứ 4, TP Hồ Chí Minh là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có hơn 430.000 người nhiễm (chiếm 47 % cả nước) và hơn 16.600 người chết (chiếm 75 % cả nước). Khi thực hiện phương châm "ai ở đâu thì ở đấy", về cơ bản hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố chỉ duy trì mức tối thiểu. Bình quân giai đoạn đó chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 0,7%) nghĩa là 99% doanh nghiệp không hoạt động và 99% người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng.
Theo đại biểu, mặc dù thành phố năm nay dự kiến tăng trưởng âm 5% song các tiền đề vật chất, tinh thần quan trọng nhất của nền kinh tế thành phố, nơi đóng góp 23% GDP, 27% thu ngân sách vẫn còn nguyên vẹn.Thiết bị công nghệ, máy móc của 288.000 doanh nghiệp vẫn còn nguyên, các lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật và hơn 90% lao động vẫn còn nguyên. Hệ thống đường giao thông, cung cấp điện, nước, các hợp đồng kinh tế, quan hệ kinh tế cơ bản còn nguyên, quan hệ với các địa phương Trung ương tốt hơn, ý chí vươn lên mạnh mẽ hơn.
“Vậy, doanh nghiệp còn thiếu gì để khôi phục lúc này?” – đại biểu đặt câu hỏi và đề nghị nên dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp. “Hiện nay, chúng ta đã chi hơn 100.000 tỷ đồng, dự kiến còn 100.000 tỷ đồng. Số tiền này có thể có sẵn đó là số tiền trong đầu tư công mà chúng ta chưa dùng hết do điều kiện không cho phép để thực hiện" - đại biểu phân tích và đề nghị Quốc hội cho phép chuyển 100.000 tỷ đầu tư công không chi hết năm nay sang để hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng, chống dịch. Điều này, sẽ giúp các doanh nghiệp "tăng tốc" trong thời gian tới.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cơ bản thống nhất với 5 quan điểm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, 5 cân đối lớn cần đạt được và 12 nhóm dịch vụ, giải pháp như kế hoạch đã đề ra, đồng thời đề nghị Chính phủ cần quan tâm, xúc tiến triển khai hệ thống quản lý rủi ro quốc gia để tăng cường, nâng cao năng lực công tác dự báo và ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Cần tập trung quan tâm nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn vấn đề phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng tính chủ động, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm của địa phương. Đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xử lý trách nhiệm cá nhân nhưng cũng tạo ra cơ chế, điều kiện để cán bộ tham mưu, đề xuất; lãnh đạo dám quyết định và chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, cần có giải pháp căn cơ để xử lý những hạn chế, yếu kém, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, nhất là cải cách thủ tục về đầu tư, việc giải ngân vốn đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý vấn đề các dự án thua lỗ lớn, các dự án chậm triển khai kéo dài do vướng mắc về thủ tục.
Theo đại biểu, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để kiến tạo mô hình mới, thích ứng với chiến lược sống chung với COVID, ưu tiên thực hiện cơ cấu đối với nội hàm từng lĩnh vực kinh tế, từng ngành kinh tế để nâng cao khả năng đề kháng vượt qua khó khăn và khôi phục phát triển cho từng lĩnh vực nhất là ngành du lịch, dịch vụ. Khẩn trương xây dựng chính sách mở cửa cho thị trường du lịch quốc tế để nhanh chóng thí điểm phục hồi hoạt động du lịch và giao thương quốc tế ở những trung tâm du lịch đủ điều kiện về phòng, chống dịch. Cũng theo đại biểu, cần đẩy mạnh và phát huy liên kết vùng gắn với thể chế điều phối vùng để sự liên kết có hiệu lực, hiệu quả, thống nhất và thực chất hơn, phát huy được yếu tố bổ trợ lẫn nhau giữa các địa phương liên kết. Đây là vấn đề còn khá yếu, nhất là trong thực hiện phòng, chống dịch và duy trì hoạt động nền kinh tế trong thời gian vừa qua.