Dẫn vụ Việt Á, Nhật Cường, AIC... đại biểu đề nghị sửa luật
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Quang đề nghị, cần nghiên cứu, quy định chặt chẽ hơn về quy mô, tính chất việc chỉ định thầu, nếu không sẽ tuỳ tiện, nhà đầu tư, nhà thầu sẽ ép các tiêu chí để được chỉ định thầu, không đúng tính chất, gây thất thoát cho Nhà nước...
Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Quy định chặt chẽ để tránh tiêu cực, tuỳ tiện
Nêu thực tiễn công tác tư pháp, xử lý các tội vi phạm quy định về đấu thầu cũng như nghiên cứu các vụ án, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Công Long (Đồng Nai) thấy rằng, luật Đấu thầu hiện hành là cơ sở pháp lý rất quan trọng để xử lý trong trường hợp có vi phạm. Nhiều lĩnh vực quy định mang tính chất 50-50, tạo sự mập mờ. Tuy nhiên, Luật Đấu thầu rất rõ, nên tất cả vụ án lớn về đấu thầu không có vụ nào có tính chất oan sai.
"Trong vi phạm về đấu thầu, phổ biến nhất là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp bất hợp pháp vào quá trình đấu thầu. Rồi hành vi thông thầu, các bên tham gia đấu thầu dùng "quân xanh", "quân đỏ", thoả thuận, chuẩn bị hồ sơ để một bên thắng thầu", đại biểu nói. Theo ông, dường như có sự liên quan quan trọng, sự móc nối giữa hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của những người có trách nhiệm, cơ quan quản lý với các chủ đầu tư, mà rõ nhất như vụ Nhật Cường (Hà Nội).
Qua đây có thể nói, luật có tính pháp lý rõ ràng, cụ thể, còn vi phạm là do tổ chức thực hiện, nên nếu nói vi phạm nhiều phải sửa luật thì không đúng, nên cân nhắc lại phạm vi sửa đổi. Chẳng hạn, dự thảo luật tăng trường hợp chỉ định thầu, mở rộng thẩm quyền của các cơ quan trong việc chỉ định thầu thì không hợp lý, đề nghị cân nhắc chỗ này. Chính phủ trình ra rất nhiều công trình quan trọng quốc gia được chỉ định thầu, trong khi cái nhỏ lại bắt đấu thầu...
"Cần nghiên cứu, quy định chặt chẽ hơn về quy mô, tính chất việc chỉ định thầu, nếu không sẽ tuỳ tiện, nhà đầu tư, nhà thầu sẽ ép các tiêu chí để được chỉ định thầu, không đúng tính chất, gây thất thoát cho Nhà nước" - ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang (Đồng Nai) cảnh báo. Đại biểu cũng đánh giá dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) khắc phục nhiều bất cập về chỉ định thầu và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, tuy nhiên điểm đ, khoản 2, Điều 27 về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt vừa qua vướng rất nhiều, chẳng hạn các vụ án như Việt Á, Nhật Cường...
Đề cập thực tiễn xét xử các vụ án, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, một số quy định phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện mà nếu không sửa chặt chẽ hơn sẽ dẫn tới tình trạng "cài cắm", tạo cạnh tranh không bình đẳng, tiêu cực. Chẳng hạn, một số đơn vị dù không có năng lực nghiệp vụ, một số lợi dụng quan hệ, dẫn đến tình trạng thông thầu rất dễ, cực kỳ dễ. "Như vụ AIC chuẩn bị xét xử, "quân xanh" hầu như là quân do AIC chỉ định thầu, nếu đứng ra đấu thầu thì AIC sẽ cho mua sắm trang thiết bị, từ đó tất cả "quân xanh" đều làm theo", đại biểu lấy ví dụ và đề nghị cần căn cứ vào thực tiễn để đưa ra giải pháp hiệu quả.
Theo ĐBQH Nguyễn Phú Cường (Đồng Nai), Luật Đấu thầu có sơ hở nhưng do dưới luật có nghị định, thông tư, và do người vận hành. Đấu thầu qua mạng chẳng qua là xử lý một số vấn đề để giảm bớt gặp gỡ giữa người này người kia, nhưng chấm thầu cũng là con người. Cơ quan ra "đầu bài" muốn nhà thầu nào trúng thì họ ưu ái cho những cái nhà thầu đó có được để họ sẽ trúng...
Quản lý lòng vòng, "không chỉ phía Nam mà Hà Nội cũng phải đổ xăng theo quota"
Dẫn sai phạm liên quan vụ Việt Á, đại biểu Nguyễn Phú Cường cho rằng, dù định giá bằng phương pháp nào thì quan trọng nhất vẫn là con người. "Ví dụ giá 5 đồng nhưng thông báo lên 100 đồng, cơ quan thẩm định bắt tay thẩm định 90 đồng, trình Nhà nước mua về, lấy chênh lệch 80 đồng bỏ túi. Chắc chắn cái đó phải xử lý hình sự", đại biểu nhấn mạnh khâu thẩm định giá vô cùng quan trọng, cần nghiên cứu kỹ, đề xuất cụ thể.
Trong khi đó, ĐBQH Đỗ Huy Khánh (Bắc Giang) cho rằng, việc thực hiện Luật Giá nhiều bất cập, trong đó có vấn đề quỹ bình ổn giá. Dư luận quan tâm có cần thiết sử dụng quỹ bình ổn giá không. Thiếu minh bạch và bị dị nghị nhiều nhất là Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
"Hiện các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang giữ Quỹ bình ổn giá. Khi xăng dầu tăng cao, chúng ta phải xả quỹ để ổn định thị trường trong nước, doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ, không xả được, khó khăn. Song cuối năm, để tăng giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp đó, họ kêu lãi lớn, dẫn tới cổ phiếu nhiều doanh nghiệp, công ty rất cao. Do đó, cần xem xét lại", đại biểu phân tích.
Cùng với đó, theo ông, Quỹ bình ổn giá xăng dầu do người dân đóng góp, vai trò của Nhà nước rất mờ nhạt. Khi cần bình ổn thì xả ra, doanh nghiệp rất lợi trong sử dụng quỹ này vì báo cáo tài chính của quỹ sử dụng như thế nào hàng năm không có. Tính minh bạch của Quỹ bình ổn giá không có, cần làm rõ cần thiết phải có hay không quỹ này, hay để thị trường điều tiết. Nếu vẫn có cần công khai, minh bạch định kỳ cho người dân giám sát.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đề cập thực trạng thời gian qua khó kiểm chứng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bối cảnh hiện tại là cần thiết, nhưng tương lai gần nên cân nhắc sự tồn tại của quỹ này vì phi thị trường. "Về thực tiễn, thời gian vừa rồi khi kiểm chứng các vấn đề xăng dầu phát sinh, cho thấy một điều, dù tồn tại quỹ này nhưng tác động không hề lớn, vì một khi nguồn cung không đảm bảo, quỹ cũng không giải quyết được, chúng ta vẫn phải đương đầu với những khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu nguồn cung", đại biểu lưu ý thêm.
Khẳng định xăng dầu là loại hàng hoá đặc biệt nên cần có chế định đặc biệt để quản lý, tuy nhiên ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu quan điểm không nhất thiết phải tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu. "Quỹ này thu của người tiêu dùng nhưng giao doanh nghiệp quản lý chứ không phải Nhà nước. Thực tế, có những thời điểm quỹ không phát huy được, nhiều thời điểm bị âm quỹ", đại biểu thẳng thắn.
ĐBQH Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) băn khoăn, quỹ bình ổn giá để doanh nghiệp quản lý thì ai sẽ kiểm tra, thanh tra việc này, có đảm bảo minh bạch hay không? "Chúng ta kiểm soát về giá nhưng hàng hoá không có, Bộ Công thương nói xăng dầu không thiếu nhưng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem xét mở tín dụng cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước báo không thiếu tiền, hơn 44.000 tỷ sẵn sàng cho vay nhưng Bộ Công thương cho rằng doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn. Bộ Tài chính thì nói Bộ Công thương chưa đưa cơ cấu giá... Quản lý chỗ này cứ lòng vòng, chúng ta rất loay hoay và giờ không chỉ phía Nam mà Hà Nội cũng phai đổ xăng theo quota", đại biểu nêu thực tế và nhấn mạnh, nếu không xử lý việc này thì Luật Giá cũng chưa giải quyết được căn bản.