Hành vi thông thầu, gian lận diễn biến phức tạp

Thứ Hai, 07/11/2022, 09:18

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh điều này và đề nghị sửa Luật Đấu thầu để khắc phục một số bất cập, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành.

Sáng 7/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, bãi bỏ 12 điều

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Đấu thầu năm 2013 cùng với các Luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện luật này bởi phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Mở rộng nhiều trường hợp áp dụng chỉ định thầu là chưa phù hợp -0
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự thảo luật.

Một số quy định của luật phát sinh vướng mắc, bất cập: quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư mặc dù đã được đơn giản hóa nhưng trong một số trường hợp vẫn chưa thật sự tạo thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, nhất là trường hợp thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách... Các quy định về hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt còn thiếu cụ thể, chưa đáp ứng yêu cầu lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu có điều kiện mua sắm đặc thù hoặc mua sắm phục vụ phòng chống dịch bệnh, xây dựng công trình, dự án quy mô lớn...

"Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu còn một số mặt hạn chế, hành vi "thông thầu", "gian lận"… vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi; năng lực, kinh nghiệm của một số người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu chưa đáp ứng yêu cầu" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Cùng với đó, quy định về các hành vi bị cấm chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các vi phạm xảy ra trong thực tế; cơ chế giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu chưa bảo đảm tính khách quan, hiệu quả...

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 2 điều, bãi bỏ 12 điều.

Việc cản trở quá trình đấu thầu thường xảy ra đa dạng, phức tạp

Qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) tán thành về sự cần thiết sửa đổi luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu. Đồng thời, đề nghị việc sửa đổi luật cần bổ sung các quy định mới nhằm quản lý chặt chẽ hơn vốn nhà nước, giảm thiểu các hành vi gian lận trong đấu thầu, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Mở rộng nhiều trường hợp áp dụng chỉ định thầu là chưa phù hợp -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.

Đối với việc đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật với "dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng", UBTCNS đề nghị cần rà soát kỹ, tránh khoảng trống pháp lý trong việc quản lý vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp khác không thuộc Doanh nghiệp Nhà nước theo Luật số 69/2014/QH13 để bảo đảm tăng cường quản lý vốn của Nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước và bảo đảm được quyền tự chủ và quyền quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.

"UBTCNS đề nghị quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, có thể dẫn chiếu tới quy định Bộ Luật hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn, làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu; quy định rõ hành vi cản trở trong đấu thầu, vì trên thực tế việc cản trở quá trình đấu thầu thường xảy ra đa dạng, phức tạp, tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả, hiệu quả của công tác đấu thầu" - Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Phú Cường nêu.

Đối với chỉ định thầu (Điều 21), dự thảo luật quy định 10 trường hợp chỉ định thầu, trong đó bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu "nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế".

Mở rộng nhiều trường hợp áp dụng chỉ định thầu là chưa phù hợp -0
Toàn cảnh hội trường.

Do vậy, UBTCNS đề nghị cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù: Dự án cấp bách; đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ.

"Đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu", Chủ nhiệm UBTCNS nhấn mạnh.

Quỳnh Vinh
.
.
.