Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông khi sửa Luật Thủ đô
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
Sáng 26/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu đã cho ý kiến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Quy định mới về không gian ngầm đô thị
Báo cáo những vấn đề lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 54 điều; giảm 5 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 điều, bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều (bổ sung Điều 14 về phân cấp, ủy quyền; Điều 36 về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã báo cáo 7 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến.
Trong đó, về quy định không gian ngầm đô thị, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật quy định không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng; người sử dụng đất thuộc địa bàn Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định. Do đây là nội dung mới, chưa có tiền lệ nên việc giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng sẽ tạo sự linh hoạt, chủ động khi ban hành, bảo đảm phù hợp với đặc điểm địa chất và tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm của từng khu vực.
Dự thảo luật cũng đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để TP Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền, trong đó cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định,… phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.
Về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD sẽ do HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư nếu chỉ sử dụng ngân sách thành phố, không giới hạn về tổng mức đầu tư. Một số ý kiến cũng đề xuất quy định theo hướng trường hợp có sử dụng kết hợp cả vốn đầu tư công của trung ương thì Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể xây dựng đường sắt đô thị theo định hướng TOD của Hà Nội theo phân kỳ đầu tư; trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, HĐND TP Hà Nội sẽ quyết định chủ trương đầu tư các dự án TOD cho từng tuyến đường sắt cụ thể.
“Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc cho phép TP Hà Nội thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trong một số lĩnh vực và thanh toán cho nhà đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước hoặc bằng quỹ đất để kịp thời huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội trong khi nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng kịp. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng xác định cụ thể các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng vốn ngân sách Nhà nước hoặc bằng quỹ đất” – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nêu.
Cần có bước đi thận trọng
Góp ý vào dự thảo luật, quan điểm của nhiều đại biểu là cần cẩn trọng trong việc thử nghiệm đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cấp phép có thời hạn. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là quy định đầu tiên ở cấp độ luật điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, nhằm phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ. Dự thảo đã mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TP Hồ Chí Minh trong Nghị quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Theo dự thảo, cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực nên đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt; kiến nghị nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND TP quyết định. “Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là: tài chính, ngân hàng (Fintech); giáo dục (Edtech); Y tế (Medtech)” – đại biểu nói.
Cũng góp ý về cơ chế thử nghiệm tại Điều 25, đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội dẫn số liệu tham khảo hiện thế giới có 73 nước có quy định thử nghiệm có kiểm soát tập trung thử nghiệm công nghệ số vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội. “Điều 25 dự thảo quy định về định nghĩa có chế thử nghiệm có kiểm soát; quy định về phạm vi thử nghiệm, quyền hạn quyết định, giới hạn không gian, thời gian, đối tượng ... thủ tục có tính chất bao quát như luật chuyên ngành. Quy định như vậy chỉ áp dụng cho Thủ đô hay có thể trở thành “mẫu” cho luật chuyên ngành về sau vì định nghĩa chung, thủ tục chung … không phản ánh đặc thù hay ưu tiên quyền hạn cho Thủ đô” – đại biểu nêu vấn đề.
Đại biểu Trần Văn Khải nhìn nhận, như vậy Luật Thủ đô (sửa đổi) dễ xung đột pháp luật chuyên ngành, bởi quy định trước luật chuyên ngành khi chưa có nghiên cứu đầy đủ vì thực tiễn chưa thực hiện, trong khi chưa có nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề này và có những giải trình rõ ràng. “Hiện nay, Chính phủ cũng mới dự thảo mức Nghị định áp dụng cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng và chỉ quy định khái niệm về cơ chế, phạm vi, đối tượng... trong lĩnh vực này và đang lấy ý kiến mà chưa có định nghĩa về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Như vậy dễ có xung đột khi Chính phủ xây dựng Nghị định thực hiện trong lĩnh vực cụ thể lại vướng khái niệm chung quy định trong Luật Thủ đô, không bảo đảm tính thống nhất trong kỹ thuật lập pháp” – đại biểu nêu quan điểm.
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh gợi ý có thể xây dựng danh mục thử nghiệm trong các lĩnh vực gắn trực tiếp với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và xu hướng chung, như lĩnh vực tài chính, chuyển đổi số, AI…
Cần bổ sung cơ chế chính sách để Hà Nội bứt phá
Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề của Thủ đô Hà Nội hiện nay là ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông đang gây khó khăn cho người dân Thủ đô và người dân cả nước đến học tập công tác. Vậy sửa luật lần này có giải quyết được vấn đề này hay không?
Theo Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị thì tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng 16-26%, cho cây xanh 10m2/người vào 2030. Vậy tỷ lệ này hiện nay của Hà Nội là bao nhiêu, khi sửa luật này thì hướng các chỉ tiêu thế nào?
Đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế giải quyết các vấn đề này vào Điều 28 về bảo vệ môi tường, Điều 30 về phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nhất là các cơ chế cho quận nội thành.
Vị đại biểu này cũng nêu vấn đề làm thế nào để Hà Nội là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước? Hà Nội là nơi tập trung của nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu, nhiều cơ quan đầu não của Trung ương cùng với đó có nhiều GS, TS đầu ngành. “Vấn đề là đề tài thì nhiều, áp dụng thì ít, hồ sơ thanh toán dày hơn hồ sơ nghiên cứu” – đại biểu nêu quan điểm.
Cũng theo đại biểu Đinh Ngọc Minh, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia trên địa bàn Thủ đô thiếu cơ chế linh hoạt để hoạt động đổi mới sáng tạo, như chế độ sử dụng tài sản công khi được các tổ chức cho tặng, cơ chế thử nghiệm giải pháp công nghệ mới, cơ chế mua sắm thiết bị đặc thù... Đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế chính sách để Hà Nội bứt phá nghiên cứu và trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là mô hình chuẩn có thể nhân rộng trong tương lai.