Luật Thủ đô phải bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật

Thứ Ba, 05/03/2024, 18:12

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ủng hộ phương án ghi rõ trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội là đô thị đặc biệt. Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ chương này xem liệu có cần thiết phải đưa thành một chương riêng hay không...

Chiều 5/3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội đã chủ trì cuộc làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về 3 nội dung liên quan đến TP Hà Nội, phục vụ cho Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, bộ trưởng một số bộ, ban, ngành trung ương.

Tại cuộc làm việc, Đảng đoàn Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến vào 3 nội dung liên quan đến TP Hà Nội dự kiến báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, bao gồm: Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

img_7144.jpeg -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HV

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, cuộc làm việc nhằm xác định sớm định hướng hoàn thiện các nội dung quan trọng này phục vụ quá trình chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, trước hết là cuộc họp tới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với mục tiêu bảo đảm chất lượng tốt nhất khi trình các nội dung này trước Quốc hội.

Báo cáo hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, UBND TP Hà Nội tiến hành nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trên tinh thần tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội; đã tổ chức hơn 20 cuộc họp bàn các nội dung cụ thể.

Trên cơ sở ý kiến tại các cuộc họp, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương, 57 điều. Dự thảo sau chỉnh lý tăng 1 chương, giảm 2 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Dự thảo mới đã thể chế hóa kịp thời các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị và của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các nội dung liên quan, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cho ý kiến vào dự thảo mới, các đại biểu nhận định, Luật Thủ đô (sửa đổi) không phải trao đặc thù, đặc quyền cho Hà Nội, mà là tạo điều kiện để Hà Nội thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, đặc thù gắn liền với trách nhiệm. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện nay đã đi đúng với tinh thần đó, đáp ứng yêu cầu mà các đại biểu Quốc hội đặt ra khi cho ý kiến.

img_7148.jpeg -0
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: HV

Nhất trí cao với bản dự thảo mới sau tiếp thu, chỉnh lý, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chia sẻ, tạo điều kiện, các cơ quan soạn thảo hoàn thiện các điều khoản theo hướng phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho Hà Nội, nhất là trong việc đầu tư các dự án phát triển hạ tầng và tăng cường các biện pháp xử lý công trình xuống cấp nhằm bảo vệ an toàn, sức khỏe của người dân. TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm tính khả thi cao.

Kết luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, tiếp thu, chỉnh lý, đến nay dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có chất lượng khá tốt.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các nội dung dự thảo, nghiên cứu tối đa ý kiến của các bộ chuyên ngành, đặc biệt tiếp thu các chủ trương, đường lối, định hướng quan trọng của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thể chế hóa trong dự thảo luật; làm sao để luật vừa bảo đảm tính khả thi, vừa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Về điều khoản thi hành, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Hà Nội phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp nghiên cứu phương án đẩy sớm hơn, điều khoản nào không cần hướng dẫn, đề xuất cho thi hành luôn.

Đối với các điều khoản liên quan đến biên chế, tổ chức bộ máy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉnh lý theo hướng cụ thể trong luật để thực hiện. Đối với dự án BT, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm đề xuất cụ thể các hình thức liên quan để bảo đảm tính khả thi. Về mô hình phát triển đô thị TOD, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu, rà soát kỹ hơn, vận dụng đa dạng các loại hình như ý kiến của Bộ Xây dựng bảo đảm tính thực tiễn và hiệu quả cao.

Chủ tịch Quốc hội ủng hộ phương án ghi rõ trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội là đô thị đặc biệt. Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ chương này xem có cần thiết phải đưa thành một chương riêng hay không...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo ngay sau hội nghị này, tập trung cao độ hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trước phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong tháng 3 này, bảo đảm dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội thông qua, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển.

T.Linh
.
.
.