Bộ GTVT lý giải vì sao giá xăng giảm mà giá cước chưa giảm

Thứ Tư, 03/08/2022, 19:29

Bộ GTVT kỳ vọng thời gian tới khi giá xăng dầu giảm ổn định thì giá vận tải cũng sẽ giảm theo giá xăng dầu.

Chiều 3/8, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao giá xăng dầu đã giảm khá sâu nhưng giá các mặt hàng dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là giá cước vận tải, vẫn ở mức cao, có biện pháp gì để kéo giảm giá các mặt hàng theo giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT)  Nguyễn Xuân Sang cho biết, yếu tố cấu thành giá cước vận tải là giá nhiên liệu. Giá nhiên liệu tăng làm cho giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí là điều dễ hiểu.

Trong thời gian vừa qua, khi giá nhiên liệu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông tăng. "Ví dụ, về đường bộ, theo thống kê của chúng tôi có đến 80-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10-15%, vận tải hàng hóa tăng từ 7-10% nhằm bù đắp cho chi phí về xăng dầu. Còn đối với vận tải hành khách công cộng ở đô thị do có trợ giá nên giá không tăng" - Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, đồng thời cho rằng vận tải hành khách bằng đường sắt đang trong chương trình cạnh tranh nên giá không tăng, chỉ có giá vận tải hàng hóa bằng đường sắt tăng từ 3-5%. Đường thủy nội địa tăng khoảng 10%. Riêng về hàng hải do trước đây giá tăng cao, hiện nay giá giảm 20-25% so với thời điểm cao nhất. Và thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu tăng, hàng hải là ngành có tỉ lệ cấu thành giá từ xăng dầu lớn, nhưng các hãng tàu cũng không có thông báo tăng giá. Như vậy chỉ có một số loại cước vận tải trong đó có đường bộ, đường thủy tăng.

Bộ Giao thông vận tải lý giải vì sao giá xăng giảm mà giá cước chưa giảm -0
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang trả lời câu hỏi của phóng viên.

"Phải nói là khi giá xăng dầu tăng thì giá vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Thời gian đầu giá xăng dầu giảm nhưng giảm không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm. Trong thời gian qua, trước tình hình như vậy, Bộ GTVT đã có một loạt chỉ đạo các đơn vị để khẩn trương triển khai các công việc như rà soát để kê khai giảm giá" - Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh. Ông cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện 679 về việc tăng cường các biện pháp quản lý điều hành giá, Bộ GTVT đã tiếp tục có văn bản chỉ đạo các cơ quan rà soát khẩn trương, triển khai thực hiện các nhiệm vụ Bộ đã giao từ trước và đặc biệt triển khai nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong Công điện. Bộ cũng đã yêu cầu các tổng cục, cục phối hợp chặt chẽ với các Sở GTVT địa phương để làm việc với các đơn vị. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục cũng đã triển khai tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn các Sở GTVT để triển khai các quy định về kê khai niêm yết và Công điện 679 của Thủ tướng Chính phủ. "Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới khi giá xăng dầu giảm ổn định thì giá vận tải cũng sẽ giảm theo giá xăng dầu" - Thứ trưởng Bộ GTVT bày tỏ. 

Trả lời câu hỏi về thực hiện  Nghị quyết 63 của Quốc hội về yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nghiên cứu thiết kế môn Lịch sử bậc THPT gồm phần bắt buộc và lựa chọn sao cho hợp lý, khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất, Thứ trưởng Bộ GD &ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã tổ chức xây dựng chương trình môn Lịch sử theo đúng tinh thần Nghị quyết. Trong đó, có các phần  bắt buộc và tự chọn. Nhằm bảo đảm hợp lý phù hợp, Ban Phát triển chương trình tiến hành nghiên cứu xây dựng cẩn thận cụ thể, xin ý kiến các nhà khoa học giáo viên ở 63 tỉnh, thành phố, có ý kiến góp ý chương trình. 

Bộ Giao thông vận tải lý giải vì sao giá xăng giảm mà giá cước chưa giảm -0
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trả lời câu hỏi của phóng viên.

Trước đó, vào tháng 5/2022, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Ban Phát triển chương trình phổ thông nghiên cứu xây dựng, báo cáo các phương án triển khai thực hiện, Bộ tiến hành làm chặt chẽ nghiêm túc, hội đồng thẩm định có văn bản đề xuất trình Bộ trưởng ký ban hành.

Ngày 3/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Thông tư 13 về một số nội dung chương trình môn lịch sử phổ thông, ban hành hôm nay. Trước đó, ngay sau khi có Nghị quyết 63, Bộ đã báo cáo Chính phủ cho phép Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư theo quy trình thủ tục rút gọn, Bộ Tư pháp đồng ý. Thông tư này có hiệu lực ngay sau khi ký (3/8) và trong tháng 9 sẽ tổ chức tập huấn cho các giáo viên sử cả nước để triển khai. 

Thu Thuỷ
.
.
.