Xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải vẫn… đứng yên

Thứ Tư, 27/07/2022, 06:27

Sau 2 phiên liên tiếp giảm giá xăng, dầu, giá cước vận tải vẫn chưa có dấu hiệu gỉảm.

Là một người thường xuyên di chuyển bằng xe taxi, anh Thái Sơn (Ngọc Hồi, Hà Nội) cho biết, hiện anh đi taxi G7 với giá cước mở cửa là 20.000đ cho 1,3km đầu tiên; km tiếp theo đến km 20 là giá 15.000đ/km; giá km 21 trở đi hãng tính 12.500đ/km. Nếu khách đi hai chiều, mỗi chiều lớn hơn 25km, thì chiều về sẽ được giảm giá 80%.

Mang câu chuyện giảm giá xăng nói với tài xế, anh chỉ nhận được câu trả lời chung chung là “chờ công ty giảm chứ lái xe không biết”. Cùng với taxi truyền thống, các app gọi xe như Grab, Be, Gojek vẫn chưa có động thái giảm giá cước sau những lần tăng giá gần nhất vào tháng 5. Đặt vấn đề giá xăng giảm, giá cước sao chưa giảm, các app vẫn "đang trong quá trình theo dõi và thông báo giảm giá sau". Câu chuyện giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm mạnh vẫn còn khá nhiều tranh cãi, bởi người dân thì muốn giảm ngay, còn doanh nghiệp thì chờ… nghe ngóng thêm.

t4aaa.jpg -0
Taxi truyền thống chưa có dấu hiệu giảm giá cước sau nhiều lần xăng dầu điều chỉnh giảm giá.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, giá cước taxi hiện nay tại Hà Nội đang đặt ở mức cân đối với giá xăng dầu thời điểm 27.000 đồng/lít. Khi giá xăng tăng lên trên 30.000 đồng/lít và đạt đỉnh 32.870 đồng/lít vào ngày 21/6 vừa qua, một số doanh nghiệp taxi đã đề xuất tăng giá cước, sau một thời gian hoàn thành các thủ tục, đến khi chuẩn bị thực hiện thì giá xăng lại hạ, do đó vẫn chưa kịp điều chỉnh và tiếp tục sử dụng mức giá cũ như hiện nay.

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội thông tin thêm: Các doanh nghiệp vận tải taxi hiện nay muốn điều chỉnh giá cước phải thực hiện theo lộ trình, mỗi lần điều chỉnh giá cước mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục, trung bình cần từ nửa tháng đến cả tháng mới có thể triển khai do phải trải qua các công đoạn như đề xuất mức giá cước mới, chờ thủ tục đồng ý từ 5-7 ngày, sau đó, liên hệ với các cơ quan đăng kiểm để tổ chức kiểm định đồng hồ tính tiền và chi phí cho việc kiểm định này không hề nhỏ với mức phí 100.000 đồng/đồng hồ.

Theo ông Hùng, dù giá cước tăng/giảm 100 đồng hay 1.000 đồng cũng cần phải thực hiện kiểm định lại đồng hồ và dán tem niêm phong để đảm bảo minh bạch, khách quan. Việc giá xăng, dầu vừa qua giảm 2 kỳ liên tiếp là những tín hiệu đáng mừng cho hoạt động vận tải. Tuy nhiên, hiện nay giá xăng, dầu sẽ biến động theo chu kỳ 10 ngày điều chỉnh giá một lần.

Theo kinh nghiệm trong suốt thời gian qua, giá xăng dầu khi giảm thì rất thấp nhưng khi tăng lại rất cao, trong khi lộ trình thay đổi giá cước vận tải thủ tục rườm rà, chi phí cao, cần nhiều nhân công mà doanh thu không có nên trước khi quyết định đề xuất tăng/giảm giá cước, các doanh nghiệp sẽ phải lên kế hoạch rõ ràng. Giá xăng dầu giảm nhưng các chi phí trên vẫn chưa giảm cũng chính là những khó khăn của các doanh nghiệp vận tải.

Là đơn vị vận tải khách đường dài, ông Lê Đình Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn - Hải Vân, doanh nghiệp chuyên chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai cũng cho hay, giá cước vận tải của doanh nghiệp hiện nay vẫn giữ nguyên ở thời điểm điều chỉnh giá vào tháng 3 vừa qua dù giá xăng, dầu đã giảm 2 lần liên tiếp do mức giảm còn thấp.

Bởi thời điểm doanh nghiệp điều chỉnh giá cước làm hồ sơ đề nghị tăng giá dịch vụ vận tải, giá xăng, dầu chỉ khoảng hơn 26.000 đồng/lít, tương đương với mức giá hiện nay sau 2 lần giảm liên tiếp.

Theo ông Dũng, hiện nay, doanh nghiệp cũng chưa nhận được ý kiến của khách hàng về việc phải giảm giá cước theo giá xăng dầu, và hi vọng, với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cùng với các biện pháp bình ổn giá xăng, dầu, giá nhiên liệu sẽ tiếp tục giảm và sắp tới doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá cước cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Ông Lê Đình Dũng cũng bày tỏ sự lạc quan trước việc giá xăng dầu giảm hai phiên liên tiếp cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang giúp hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp đạt được những tín hiệu tích cực về sự phục hồi, phát triển sau những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra.

Cho đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn canh cánh nỗi lo "vui chưa lâu, nỗi buồn lại tới" khi giá xăng vừa giảm lại bức tốc tăng ngay sau đó. Thực tế cho thấy giá xăng dầu đang là "biến số" gây tác động đến lạm phát trên toàn cầu. Với người dân, doanh nghiệp trong nước, điều đáng quan tâm là sự ổn định về giá xăng dầu như thế nào sau đợt giảm vừa qua mới là quan trọng.

Đặng Nhật
.
.
.