Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận: Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân
Chiều 7/9, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trì họp báo thông tin về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam. Đồng chủ trì buổi họp báo còn có ông Nguyễn Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ngành, đơn vị liên quan đã giải đáp nhiều ý kiến thắc mắc của các cơ quan truyền thông, báo chí… Cạnh đó, Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở ngành liên quan cũng mong các cơ quan truyền thông, báo chí chia sẻ, đồng thuận và tuyên truyền về dự án…
Hồ Ka Pét là dự án quan trọng cấp Quốc gia, cấp quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội (Nghị quyết 93/2019/QH14), cấp quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, chủ quản đầu tư là UBND tỉnh Bình Thuận, đơn vị quản lý điều hành dự án là Ban Quản ý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều thông tin trái chiều xoay quanh việc khai thác, chuyển đổi hơn 600 ha đất rừng để làm hồ chứa nước Ka Pét.
Trong buổi họp báo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An chia sẻ dự án hồ chứa nước Ka Pét có từ năm 1995, được Bộ Nộng nghiệp và Phát triển nộng thôn (NN&PTNT) khảo sát, quy hoạch ở vị trí này. Năm 2013, Bình Thuận vẫn giữ hồ Ka Pét khi phê duyệt quy hoạch thủy lợi thời kỳ 2010-2020, tầm nhìn đến 2030. Năm năm sau, Bộ NN&PTNT tiếp tục đưa hồ Ka Pét vào quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến 2030, định hướng 2050.
Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có hồ Ka Pét.
Như vậy hồ Ka Pét được tỉnh và Trung ương có quy hoạch từ rất sớm. Dự án đã được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu năm 2019. Tháng 6 vừa qua, Quốc hội phê duyệt điều chỉnh tại Nghị quyết 101, chấp thuận tăng vốn dự án thêm hơn 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Tại buổi họp báo, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An khẳng định tầm quan trọng của dự án trong việc cung cấp, điều tiết nước cho nhiều vùng khô hạn tại Bình Thuận.
Hồ chứa nước Ka Pét có vai trò quan trọng trong việc cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô với khoảng 2,63 triệu m²/năm cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II và tạo nguồn nước thô để phục vụ sinh hoạt của 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam, TP Phan Thiết. Đồng thời hồ Ka Pét còn có vai trò phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương.
Ông Dương Văn An nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của dự án: “Nước là tài nguyên. Rừng cũng là tài nguyên. Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng là cho dân. Dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ nước cho dân. Nước tăng độ ẩm cho hệ sinh thái, tăng lượng nước ngầm, điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô”. Bí thư tỉnh Bình Thuận còn khẳng định, dự án được đánh giá, khảo sát, nghiên cứu về tác động môi trường rất kỹ và cẩn thận.
Bí thư Dương Văn An cũng chia sẻ thêm tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương khô hạn với lượng mưa hàng năm thấp nhất cả nước. Tình trạng khô hạn dẫn đến nhiều vùng đất bị hoang hóa, sản xuất nông nghiệp khó khăn, hiệu quả thấp; không chỉ thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cũng thiếu, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân… Nhu cầu đầu tư hệ thống hồ chứa nước để giữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân cần được ưu tiên. Hồ Ka Pét là một trong những dự án thủy lợi được người dân trong tỉnh mong đợi từ nhiều năm qua v.v…
Liên quan thông tin về khu rừng hơn 600 ha, tại buổi họp báo nhiều ý kiến thắc mắc về diện tích các loại rừng sẽ khai thác và việc trồng rừng thay thế, cũng như vị trí xây dựng hồ Ka Pét… Giải đáp những thắc mắc trên, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật hồ chứa nước Ka Pét cho biết, vị trí xây dựng hồ Ka Pét là “bụng nước”. Sau khi nghiên cứu, cơ quan chức năng chọn phương án xây hồ Ka Pét tại vị trí hiện tại và được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Đại diện đơn vị thiết kế tư vấn hồ Ka Pét khẳng định, qua phân tích, vị trí hồ Ka Pét hiện tại thuận cả về kinh tế và kỹ thuật. Vị trí hiện tại là tối ưu. Tuy dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng đây là việc bất khả kháng vì lợi ích chung cho người dân.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, so với 360.000 ha rừng tự nhiên toàn tỉnh, 600ha rừng dành để làm dự án chỉ chiếm 0,15%. không ảnh hưởng đến tổng thể rừng tự nhiên toàn tỉnh. Riêng rừng đặc dụng để làm dự án so với tổng diện tích hơn 24.000 ha rừng đặc chủng cũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Ông cũng cho biết, Sở NN&PTNT sẽ có trách nhiệm giám sát chặt chẽ quá trình khai thác, triển khai dự án… nếu khai thác xâm hại qua bên ngoài sẽ xử lý ngay.
Về phía địa phương, bà Hoàng Thị Kha, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, nơi có đông bà con dân cư bị ảnh hưởng của dự án cho biết, bà con đồng thuận việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét.
Kết thúc buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận mong muốn các cơ quan báo chí chia sẻ, đồng thuận về dự án và khẳng định, các ban ngành có liên quan sẽ tiếp tục cung cấp thông tin và sẵn sàng đưa đến thực địa dự án khi các đơn vị truyền thông có nhu cầu.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hồ thủy lợi Ka Pét có sức chứa 51,2 triệu m3 nước. Tổng mức kinh phí đầu tư là 874 tỉ đồng. Quy mô dự án gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là gần 698 ha, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp gần 680ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm: rừng đặc dụng là 137,95 ha; rừng phòng hộ là 0,51 ha; rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.
Theo thiết kế dự án, mục tiêu khi làm hồ Ka Pét là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.
Dự kiến đến quý II/2024 sẽ khởi công dự án dự án.