Trung tướng Tô Ân Xô thông tin các vụ việc nóng:

Bắt giữ khoảng 200 đối tượng trong vụ 4 tiếp viên hàng không; cụt 2 tay vẫn có bằng lái xe

Thứ Bảy, 03/06/2023, 18:07

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, có những bệnh nhân nam có chứng nhận viêm các bộ phận của nữ giới, tức là ký khống; có người cụt cả 2 tay nhưng vẫn được cấp bằng lái xe vì có giấy chứng nhận đảm bảo sức khoẻ; hoặc các đối tượng chạy tội thì lấy giấy chứng nhận có vấn đề về tâm thần...

Chiều 3/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn đã chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5. Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương...

Truy xét, lật lại các vụ vận chuyển ma túy qua đường hàng không

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình tội phạm ma tuý, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Bộ Công an luôn xác định, tội phạm ma tuý là tội phạm của các loại tội phạm, từ tội phạm ma tuý sẽ dẫn đến các loại tội phạm như trộm cắp, cướp giật, giết người cướp tài sản... Nên công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý được chỉ đạo rất quyết liệt, sát sao, đạt được rất nhiều thành tích.

Trung tướng Tô Ân Xô thông tin thêm vụ 4 tiếp viên hàng không, làm khống giấy khám sức khoẻ -0
Trung tướng Tô Ân Xô trả lời tại họp báo.

"Trong gần 6 tháng qua, lực lượng Công an toàn quốc đã phát hiện, khởi tố trên 13.000 vụ án liên quan đến ma tuý, trên 20.000 đối tượng, thu giữ 14.225kg heroin; 4.023kg ma tuý tổng hợp; hơn 982.000 viên ma tuý tổng hợp và 217kg cần sa", Trung tướng Tô Ân Xô thông tin.

Qua công tác đấu tranh thấy nổi lên tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý trên nhiều tuyến, địa bàn trọng điểm, có sự liên kết chặt chẽ với các loại tội phạm khác; các đối tượng người nước ngoài câu kết, móc nối với một số đối tượng trong nước vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý. Tình trạng người nước ngoài lợi dụng tuyến hàng không vận chuyển trái phép chất ma tuý tại một số sân bay của Việt Nam.

"Một số đối tượng nhập cảnh, quá cảnh để đưa ma tuý vào Việt Nam tiêu thụ, đưa sang nước thứ ba, điển hình như vụ 4 tiếp viên hàng không, sau khi phát hiện, Bộ Công an đã truy xét, lật lại các manh mối, bắt giữ khoảng 200 đối tượng liên quan và việc này sẽ còn tiếp tục" - Người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tình trạng tổ chức sử dụng ma tuý tại các vũ trường, quán bar, nhà cao tầng tại một số địa phương diễn biến rất phức tạp do lợi nhuận và một số tụ điểm vui chơi, giải trí tại một số địa phương chủ cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và các dịch vụ nhạy cảm đã làm ngơ, cho sử dụng ma tuý ngay tại cơ sở... Theo Trung tướng Tô Ân Xô, qua đấu tranh, hiện nay chúng ta đã chặn được nguồn cung về ma tuý, nhưng quan trọng nhất phải giảm được nguồn cầu, tức giảm số người sử dụng, nghiện hút ma tuý.

Trung tướng Tô Ân Xô thông tin thêm vụ 4 tiếp viên hàng không, làm khống giấy khám sức khoẻ -0
Toàn cảnh họp báo.

Tính đến 15/3/2023, tổng số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma tuý là 233.906 người; trong đó 184.427 người nghiện và 49.479 người sử dụng. Giảm 8.043 người so với thời điểm 15/12/2022.

Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, mục tiêu hiện nay là giảm nguồn cầu, làm sao tuyên truyền đến các khu dân cư, thôn xóm không có ma tuý, người dân phải đấu tranh với tội phạm ma tuý, giúp người nghiện cai nghiện ma tuý, để người dân khi nghe tới ma tuý phải ghẻ lạnh, bài trừ ma tuý... Cùng với đó, tuyên truyền tốt Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả phòng chống tội phạm ma tuý; Luật Phòng, chống ma tuý và Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về phòng chống ma tuý trong hội nghị vừa qua...

"Lực lượng Công an sẽ tiếp tục tiến hành các chuyên án bắt, chặn các nguồn cung, đánh vào tổ chức, đường dây, kẻ cầm đầu chứ không đánh lẻ tẻ các đối tượng vận chuyển; hợp tác với các quốc gia có chung đường biên giới để cùng đánh, chặn ma tuý từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát", Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh thêm.

Báo động nạn cấp khống, bán giấy chứng nhận khám sức khoẻ

Về những hành vi vi phạm pháp luật trong việc cấp khống, bán các giấy chứng nhận khám sức khoẻ, Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định đây là tình trạng đã xảy ra rất lâu, tại nhiều địa phương. Lực lượng Công an và các lực lượng chức năng khác đã tiến hành, nhưng chưa ngăn chặn triệt để do nhu cầu giấy khám sức khoẻ, giấy chứng nhận sức khoẻ nói chung rất cao, để lái xe, đi học tập, lao động, xin việc, bảo hiểm... thậm chí việc chạy tội cũng cần giấy chứng nhận y tế.

"Từ đó xảy ra các tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật, có những bệnh nhân nam mà có chứng nhận viêm các bộ phận của nữ giới chẳng hạn, tức là ký khống; có người cụt cả 2 tay nhưng vẫn được cấp bằng lái xe vì có giấy chứng nhận đảm bảo sức khoẻ; hoặc các đối tượng chạy tội thì lấy giấy chứng nhận có vấn đề về tâm thần...", Trung tướng Tô Ân Xô dẫn chứng.

Trung tướng Tô Ân Xô thông tin thêm vụ 4 tiếp viên hàng không, làm khống giấy khám sức khoẻ -0
Lực lượng Công an khám xét trong một vụ giấy tờ giả tại Biên Hoà.

Mới đây nhất, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 18 đối tượng và sẽ khởi tố trong thời gian ngắn tới. Các đối tượng cấp đối với những người nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH). Bước đầu qua khám xét, lực lượng Công an thu giữ trên 130.000 giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH; 400.000 giấy khám sức khoẻ ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám bệnh.

"Có 2 đối tượng chủ mưu, cầm đầu cùng đồng bọn móc nối, câu kết với các đối tượng tại các phòng khám bệnh trên địa bàn TP Biên Hoà để thực hiện các hành vi viết, viết thêm, giả chữ ký người khám bệnh, khám sức khoẻ để lập các hồ sơ rút tiền được BHXH, tức người lao động nghỉ việc với lý do không chính đáng nhưng vẫn được BHXH chi trả tiền lương đầy đủ với lý do có bệnh; lập hồ sơ rút tiền bảo hiểm đối với công nhân nhưng thực tế công nhân không bị bệnh và không đi khám bệnh nhưng các phòng khám này vẫn được hưởng tiền khám chữa bệnh từ nguồn bảo hiểm y tế, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước", Người phát ngôn Bộ Công an thông tin.

Hiện, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục mở rộng điều ra, làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội, đối tượng liên quan để xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, lực lượng Công an đang chú ý đến việc cấp giấy bảo hiểm y tế và cấp bằng lái xe, trong thời gian tới sẽ thấy được kết quả của lực lượng Công an trong lĩnh vực này.

Trước đó, CAND Online đã thông tin, ngày 2/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định tạm giữ 18 đối tượng liên quan trong chuyên án mua bán giấy tờ tại phòng khám đa khoa để trục lợi bảo hiểm.

Trong những đối tượng bị tạm giữ, có 3 bác sĩ là Trưởng phòng khám đa khoa Long Bình Tân, Tân Long và Hiền Phước; 1 bác sĩ là Phó phòng khám đa khoa Tam Đức và 1 bác sĩ chuyên khoa tại phòng khám đa khoa Mỹ Đức. 13 đối tượng còn lại là dược sĩ, nhân viên y tế và đối tượng chuyên môi giới để làm giả các loại giấy tờ tại các phòng khám đa khoa trên địa bàn TP Biên Hòa.

Bước đầu, Công an Biên Hòa đã phát hiện hơn 130.000 giấy chứng nhận nghỉ bệnh để hưởng BHXH và hơn 400 tờ giấy khám sức khỏe với nội dung ghi khống kết quả, để bán cho công nhân quyết toán tiền BHXH, BHYT. Các đối tượng còn lập hồ sơ rút tiền BHYT đối với công nhân dù trên thực tế công nhân không bị bệnh và cũng không đi khám nhưng các phòng khám vẫn được hưởng tiền khám, chữa bệnh từ nguồn BHYT.

Việc làm này đã gây thất thoát ngân sách, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây là xác nhận khống cho công nhân bị bệnh để hưởng BHXH với số tiền ước tính lên tới cả trăm tỷ đồng. Trước đó, ngày 30/5, qua khám xét 6 phòng khám trên địa bàn, Công an Biên Hòa đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình khám chữa bệnh. Trong đó các phòng khám đã xác nhận nhiều loại giấy tờ rồi bán cho công nhân để trục lợi tiền bảo hiểm.

Quỳnh Vinh
.
.
.