Kiến nghị biện pháp phòng ngừa trục lợi bảo hiểm

Thứ Hai, 25/10/2021, 17:31

Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính phải chủ trì, cùng với Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, Bộ Công an, Viện KSND Tối cao… - những cơ quan có bề dày kinh nghiệm trong xử lý tranh chấp đánh giá, định nghĩa cho được các hành vi gian lận, trục lợi về bảo hiểm quy định trong Luật.

Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đa số các ý kiến đại biểu đều đồng ý với việc cần sửa đổi dự án Luật này vì sau 20 năm thực thi đã có nhiều bất cập, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để minh bạch thị trường bảo hiểm hơn.

“Trám” kẽ hở phòng trục lợi bảo hiểm

Nhất trí với quan điểm cần sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, cần phải sửa toàn diện, đánh giá hết tác động của Luật đối với kinh tế xã hội thì hiệu quả sẽ rất cao vì thị trường bảo hiểm thu hút vốn nhàn rỗi trên cơ sở chia sẻ rủi ro, đóng góp cho thị trường tài chính có thêm nguồn lực để đầu tư. “Nếu mục đích đó được triển khai bằng những quy định cụ thể trong Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì phát huy được tác dụng, ngược lại, sửa đổi hướng tới quy định bảo đảm lợi ích thiên lệch cho từng bên thì ý nghĩa giảm sút rất nhiều” – đại biểu nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, vai trò của kinh doanh bảo hiểm là tích cực nhưng nếu như hành lang pháp lý quy định không cụ thể có thể dẫn đến tiêu cực. “Tôi thấy vắng bóng 1 vấn đề rất quan trọng mà xã hội rất bức xúc với nhiều vụ việc cụ thể. Đó là gian lận và trục lợi trong thực thi các hợp đồng bảo hiểm. Việc trục lợi bảo hiểm có cả hai bên chứ không chỉ bên mua hoặc bên bán bảo hiểm” – đại biểu cho biết.

Kiến nghị biện pháp phòng ngừa trục lợi bảo hiểm -0
Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu tại tổ 

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng dẫn chứng những vụ tranh chấp, thậm chí trở thành các vụ án xuất phát từ bản chất của hợp đồng không được giải thích một cách tường minh dẫn đến cách hiểu mỗi bên mỗi khác. Đây chính là kẽ hở khiến cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể gian lận, hoặc ngược lại, người mua bảo hiểm có thể gian lận. “Tôi lấy ví dụ, có 1 vụ án, người mua bảo hiểm chết vì trụy tim nhưng khi xem xét các bản phim chụp thì doanh nghiệp bảo hiểm khẳng định đấy là bệnh mãn tính, từ chối nghĩa vụ chi trả. Hoặc có vụ thì người mua bảo hiểm tự sát thương mình để nhận khoản tiền bồi thường bảo hiểm. Đấy là kẽ hở trong quy định của Luật dẫn đến việc trục lợi” – đại biểu dẫn chứng, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính phải chủ trì, cùng với Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, Bộ Công an, Viện KSND Tối cao…- những cơ quan có bề dày kinh nghiệm trong xử lý tranh chấp đánh giá, định nghĩa cho được cách hành vi gian lận, trục lợi về bảo hiểm quy định trong Luật này. Luật Kinh doanh bảo hiểm phải là Luật nội dung để khi các hành vi cấu thành vi phạm nào thì xử theo vi phạm đó, từ hành chính, dân sự đến hình sự.

Cần phù hợp xu hướng điện tử, số hóa

Góp ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chất lượng dự án luật và công tác thẩm tra; đồng thời cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số nội dung cần tiếp tục rà soát để nâng cao hơn nữa chất lượng dự án luật. Trong đó, hợp đồng bảo hiểm phải phù hợp điều kiện tới đây là kinh doanh trong môi trường số, điện tử, số hóa. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm, quản trị doanh nghiệp Bảo hiểm phải đánh giá kỹ để làm sao nâng chuẩn lên, không chấp nhận công ty bảo hiểm kinh doanh dưới chuẩn từ vốn đến quản trị.  

Kiến nghị biện pháp phòng ngừa trục lợi bảo hiểm -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại tổ

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng cần xem xét lại một cách thận trọng về điều khoản quy định các doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp thông tin bên mua bảo hiểm và các thông tin khác có liên quan để xây dựng hệ thống dữ liệu. "Thông tin có thể liên quan đến bí mật cá nhân, đời tư của người mua bảo hiểm nên phải có giới hạn trong vấn đề này. Cơ quan nào được phép yêu cầu cung cấp thông tin như vậy và điều này cần có quy định cụ thể trong luật", đại biểu nêu vấn đề.  

Cũng góp ý về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho biết thị trường tài chính bảo hiểm ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh. Tuy nhiên dự thảo phần lớn mới chỉ tập trung vào các quy định liên quan đến bán bảo hiểm. Trong khi đó chưa giải thích người mua tham gia thị trường này sẽ được gì. Vấn đề này rất quan trọng, giúp người dân có ý thức hơn về quyền lợi khi quyết định tham gia hay không. "Người mua quan trọng không kém so với người bán. Người mua phải thấy có lợi thì họ mới tham gia", đại biểu Hùng nhấn mạnh và cho rằng cần những thuyết trình rõ hơn, cụ thể hơn về vấn đề này.

Đề nghị bên thứ 3 có trách nhiệm giải thích hợp đồng

Về hợp đồng bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục rà soát theo hướng bình đẳng cả người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng. Trước hết phải hoàn thiện chủ thể pháp lý, phải phù hợp luật gốc là Luật Dân sự, phù hợp đặc thù kinh doanh bảo hiểm và kể cả xử lý tranh chấp trong lĩnh vực này.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, cần phải có quy định minh bạch trong trách nhiệm giải thích hợp đồng.  “Trên thực tế, người kinh doanh bảo hiểm nắm được các thủ thuật, biết được sự tiếp thị của các đại lý có thể tác động vào tâm lý để thu hút người mua bảo hiểm.

Tôi nói ví dụ như bảo hiểm nhân thọ, có tranh luận rất khác nhau về kinh doanh đa cấp đối với bảo hiểm nhân thọ, thành lập các mạng lưới tiếp thị, biến tướng sự thật trong chế độ bảo hiểm làm thay đổi nghĩa vụ trong hợp đồng” – đại biểu Lê Thanh Vân cho biết và đề nghị phải có quy định trách nhiệm giải thích hợp đồng. Quy định này phải thuộc bên thứ 3 chứ không phải bên bán hoặc bên mua bảo hiểm.

Phương Thuỷ
.
.
.