Bám sát thực tiễn để Luật Đất đai bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp

Thứ Tư, 12/06/2024, 07:15

Sáng 11/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia và kết nối trực tuyến với 63 địa phương về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (dự thảo Nghị định).

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự tham gia tích cực, trực tiếp, thực chất của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia… trong việc xây dựng, góp ý, hoàn thiện các văn bản dưới luật, đặc biệt là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, để có hiệu lực sớm hơn 5 tháng (đề xuất từ 1/8/2024) so với quy định trong luật.

“Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn nhằm giải quyết khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân và phát triển kinh tế-xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bám sát thực tiễn để Luật Đất đai bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp -0
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội, chuyên gia và kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố - Ảnh VGP/Nguyễn Hoàng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột với các luật khác trong hệ thống pháp luật. Đó là nội dung liên quan đến nhiều luật khác nhau như quy định về lấn biển; tính đồng bộ, thống nhất đối với phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai; xác định dự án phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu có phần diện tích lấn biển; việc áp dụng điều khoản trưng dụng đất trong tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai hoặc tình huống bất khả kháng…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để chỉnh lý Nghị định về mặt kỹ thuật soạn thảo văn bản; bảo đảm Nghị định bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, dự thảo Nghị định có 10 Chương, 114 điều và 1 phụ lục.

Dự thảo Nghị định đã tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến góp ý của thành viên Chính phủ, chỉnh lý quy định về: xác định loại đất đối với trường hợp không có giấy tờ hoặc đất xác định trên giấy tờ đã cấp khác với phân loại đất hoặc hiện trạng sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; nguồn thu tài chính của Văn phòng, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; định hướng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; bổ sung trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với trường hợp đất thu hồi, chuyển giao cho địa phương để thực hiện dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân…

Dự thảo Nghị định cũng chỉnh lý theo hướng, đối với phần diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp không phải nộp tiền thuê đất; chỉnh lý sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo hướng, dẫn chiếu diện tích đất xây dựng công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp trên đất lúa, đất lâm nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa.

Một số vấn đề được quan tâm, cho ý kiến góp ý như quy định về định hướng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; vấn đề thu hồi đất; tiền sử dụng đất hằng năm khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế; việc quản lý, sử dụng hồ sơ địa giới, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp; công trình lấn biển; quản lý, khai thác quỹ đất ngắn hạn; góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai để thực hiện dự án đầu tư; loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp; sử dụng đất kết hợp đa mục đích...

Phát biểu trực tuyến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nêu thực tế, tại địa phương, có dự án mang tính chất là công trình kè biển, bảo vệ bờ biển, nhưng ở góc độ khác, có thể coi là công trình lấn biển. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị làm rõ nội hàm về công trình bảo vệ bờ biển nhưng lại có tính chất lấn biển; xác định rõ tiêu chí công trình có mục tiêu lấn biển hay kè bảo vệ bờ biển.

Theo quy định về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trong dự thảo Nghị định, cơ quan thẩm định chuẩn bị để trình HĐND cấp huyện thông qua. Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, một số quận của thành phố tổ chức thực hiện theo chính quyền đô thị, không có HĐND cấp huyện nên Nghị định cần rà soát và có quy định cụ thể.

Đáng chú ý, một số ý kiến đánh giá dự thảo Nghị định đã thể chế hóa được các điều, khoản trong Luật Đất đai liên quan đến việc phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện trong quản lý và sử dụng đất đai; đồng thời, đẩy mạnh cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Các luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực kéo giảm giá chung cư

Theo Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing, thị trường chung cư sơ cấp, trung cấp và cao cấp Hà Nội hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới, sau khi giá bán căn hộ chung cư đã tăng tương ứng 11%, 17%, 19% trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm 2023 và đi ngang trong tháng 4 - 5/2024.

Một số chủ đầu tư lớn từ đầu năm đến nay cung ứng nguồn cung tập trung ở khu Đông và Tây Hà Nội, chủ yếu là các sản phẩm của các dự án đã mở bán trong năm 2023, do nhiều phân khu tại các đại đô thị lớn giữ nguyên mức giá.

Ngày 27/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh BĐS số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật như đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tại Công điện số 53/CĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ngày 26/5/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề nghị Chủ tịch UBND, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để triển khai ngay sau khi các luật được Quốc hội đồng ý cho phép có hiệu lực sớm (dự kiến từ ngày 1/8/2024).

Đón nhận thông tin này, các chuyên gia BĐS cho rằng, nếu thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các quy định trong các bộ luật mới, giá BĐS nói chung, giá chung cư nói riêng sẽ giảm. Thực tế, giá BĐS tăng do chi phí đầu vào như: Giá đất, giá thành xây dựng, chi phí vốn... đều tăng. Bên cạnh đó, ách tắc pháp lý dẫn tới thời gian thực hiện các dự án kéo dài, đội chi phí đầu tư so với dự kiến ban đầu, khiến giá nhà đất tăng liên tục các năm qua.

Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp để thị trường BĐS phát triển minh bạch là tổ chức thực hiện tốt các luật mới. Hy vọng, những luật mới này sẽ nhanh chóng được đưa vào cuộc sống, được thực thi quyết liệt, hiệu quả. (Vân Sơn)

Diệp Trương
.
.
.