Kiểm soát chặt chẽ giá xăng dầu, giá vàng
Chủ tịch nước lưu ý cần quan tâm các vấn đề xã hội, nhất là về giáo dục, tình trạng xâm hại, bạo hành, đuối nước, bạo lực học đường với trẻ em. Cuối cùng vẫn là vấn đề con người nên cần chính sách phát triển nguồn nhân lực.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Cần chính sách phát triển nguồn nhân lực
Phát biểu thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trước tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nhưng với sự lãnh đạo Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, Chính phủ, chúng ta đã đạt kết quả quan trọng bước đầu. Các chỉ số nền kinh tế 5 tháng của năm 2022 là đáng mừng, dấu hiệu tăng trưởng thu ngân sách, xuất nhập khẩu, nông nghiệp...
Khẩu hiệu luôn được quán triệt là giữ vững kinh tế vĩ mô và là điểm nổi trội trong điều hành. Chiến lược tiêm vaccine của Việt Nam thuộc nhóm đầu, thực hiện quyết liệt, được thế giới ghi nhận. “Thành công tại SEA Games 31 rất vang dội, được tổ chức tốt với thành tích cao, ứng xử văn hoá để lại ấn tượng trong lòng bạn bè” – Chủ tịch nước nhấn mạnh đồng thời chỉ rõ "đó mới chỉ là kết quả bước đầu" nên không được chủ quan, thoả mãn. Hiện người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, do tác động của đại dịch trong thời gian dài, tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích luỹ của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước.
Lưu ý gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn nữa, đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn tiêu đề một bài báo rằng “Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng lưu ý cần quan tâm các vấn đề xã hội, nhất là về giáo dục, tình trạng xâm hại, bạo hành, đuối nước, bạo lực học đường với trẻ em. Cuối cùng vẫn là vấn đề con người nên cần chính sách phát triển nguồn nhân lực.
“Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến 2025, 2030 và 2045 đòi hỏi phải tăng trưởng cao liên tục. Ta mất hai năm tăng trưởng thấp do nguyên nhân khách quan nên cần phải có sự lo lắng, có biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt nếu không rất khó đạt mục tiêu như Nghị quyết đã nêu” – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.
Quốc hội cần lên tiếng để kiểm soát ngay giá xăng dầu
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, trong thời điểm hết sức khó khăn mà lo được vaccine cho gần 100 triệu dân là thành tựu rất đáng ca ngợi.
Sự chỉ đạo, điều hành phù hợp đã giúp nền kinh tế từ tăng trưởng âm đã tăng trưởng dương và 5 tháng đầu năm 2022 ở TP Hồ Chí Minh cho thấy phục hồi rất rõ nét, trên tất cả các lĩnh vực. Chỉ số CPI vẫn được kiểm soát dưới 4% trong liên tiếp 7 năm là thành quả rất lớn, góp phần ổn định kinh tế vi mô. Thu ngân sách tăng 16,8% đã kéo giảm bội chi ngân sách nên nợ công cũng thấp hơn so với đầu năm.
Đại biểu phân tích sâu về nhiều đợt lạm phát mà nước ta phải đối mặt, buộc phải “dùng thuốc liều cao” là thắt chặt chính sách tài khoá, chặt chẽ chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời cho rằng với dấu hiệu hiện nay như giá xăng dầu tăng liên tục thì Chính phủ, Quốc hội cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng dầu.
Theo đại biểu, chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng ta có công cụ kiểm soát, kìm hãm độ tăng giá xăng dầu như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, rồi thuế tiêu thụ đặc biệt không có lý do gì "đánh" trong thời điểm hiện nay khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.
“Việc này Quốc hội phải có ý kiến và kỳ họp này nếu được thì Quốc hội nên đưa vấn đề vào xem xét, có thể dành một buổi tối trong tuần để bàn. Không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ domino tăng giá đến các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân trong khi sau hơn 2 năm dịch bệnh lấy đi hết tiết kiệm của họ và hiện người dân rất khó khăn” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Với thị trường tài chính, hiện các kênh dẫn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Dẫn số liệu chứng minh độ sâu tài chính của Việt Nam lớn (khoảng 250% GDP), trong đó có vốn hoá ở thị trường chứng khoán, đại biểu đề nghị cần “uốn nắn” để minh bạch, công khai, pháp lý rõ ràng giúp nhà đầu tư thấy yên tâm. Cùng với đó có cơ quan giám sát và xử lý sai phạm đến nơi đến chốn để đảm bảo minh bạch.
Có hay không lợi ích nhóm trong độc quyền giá vàng?
Đại biểu Đào Hồng Vận (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, thời gian gần đây, giá vàng tăng đột biến, mặc dù có nguyên nhân khách quan cho xung đột giữa Nga và Ukraine nhưng giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới tới hơn 20 triệu đồng/cây. "Nguyên nhân của tình trạng này là gì? Là do độc quyền thao túng đẩy giá vàng lên cao trong lúc tâm lý người dân lo lắng do dịch bệnh muốn tích trữ, muốn an toàn? Có sự móc nối bắt tay với nhau để đẩy giá vàng lên cao hay không? Chúng ta phải có biện pháp để kiểm soát thị trường vàng, đảm bảo minh bạch, an toàn; cần làm rõ lợi ích nhóm trong việc thao túng giá vàng" - đại biểu kiến nghị.
Đại biểu cũng cho biết, hiện ước tính lượng vàng trong dân còn rất lớn, lên tới khoảng 500 tấn vàng. "Đồng tiền không đưa ra sản xuất, kinh doanh là đồng tiền chết. Chính vì vậy, chúng ta cần có cơ chế, chính sách để người dân yên tâm đồng ý đưa số vàng, tiền lớn đang tích trữ để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Có như vậy kinh tế mới phát triển được" - đại biểu Đào Hồng Vận nhấn mạnh.