Giá vàng "xô đổ" mọi kỷ lục nhưng cần thận trọng

Thứ Hai, 07/03/2022, 09:10

Do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá vàng đang tăng phi mã, "xô đổ" mọi kỷ lục từ trước tới nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Vậy kim loại quý sẽ tăng đến bao giờ, có nên "ôm" vàng lúc này là câu hỏi mà nhiều người quan tâm.

Giá vàng SJC chào đón tuần đầu tiên của tháng 3 với mức tăng "khủng khiếp"- áp sát 70 triệu đồng mỗi lượng - cao nhất mọi thời đại. Kim loại quý đã có một tuần tăng với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều tháng qua trên cả thị trường trong nước và thế giới.

Theo đó, hôm thứ Hai 28/2, hợp đồng vàng tháng 4/2022 (hợp đồng vàng giao dịch tích cực nhất) mở phiên ở mức 1.920 USD/ouce và đóng cửa tại 1.900 USD/ouce, sau khi nhúng xuống mức thấp 1.893 USD/ouce. Vào thứ Ba, giá vàng đã tăng hơn 40 USD và đẩy nhanh xu hướng tăng đã được xác định bắt đầu vào tuần đầu tiên của tháng 1. Đến phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng đã lên mốc giá vàng thế giới đứng ở mức 1.970 USD/ounce, tăng tới 71 USD/ounce so với chốt phiên tuần trước. Tính chung cả tuần, giá kim loại quý này đã tăng tới 4,2%, mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 7/2020.

Phản ứng cùng chiều, giá vàng SJC trong nước cũng đã có một tuần tăng giá kỷ lục, thêm 3,2 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng gần 5% trong tuần qua. Chốt phiên giao dịch tuần, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 68-69,32 triệu đồng/lượng. Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 68-69,5 triệu đồng/lượng. Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 68-69,3 triệu đồng/lượng. Mức giá này, nếu so với phiên giao dịch cuối cùng năm 2021, giá vàng miếng SJC trong nước ở mức 60 - 61 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), thì chỉ sau 2 tháng, mỗi lượng vàng SJC đã tăng thêm 8 triệu đồng mỗi lượng.

Nếu "ôm" vàng thời điểm đầu năm đến nay chốt lời, trừ đi chênh lệch giữa giá mua vào bán ra, nhà đầu tư lãi khoảng 6,5 triệu đồng/lượng, tương đương lợi nhuận 12% trong 2 tháng, tức vào khoảng hơn 70%/năm. Mức lợi nhuận này nếu đem so với lãi suất ngân hàng cá biệt đang ở mức cao nhất là 7% thì cũng gấp 10 lần, còn nếu so với mức lãi suất bình quân ở 3,5-4% thì cũng cao gần gấp 20 lần - một mức lợi nhuận "cực khủng". Cùng chiều với giá vàng, lượng giao dịch trên thị trường cũng được ghi nhận tăng cao, trong đó số lượng người mua vào chiếm ưu thế hơn lượng bán ra.

Giá vàng
Kim loại quý hưởng lợi từ chiến tranh và mối lo lạm phát.

Sở dĩ có được lợi thế từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong khi hầu hết các tài sản khác đều bị mất giá, do vàng vừa là một hàng rào tuyệt vời chống lại áp lực lạm phát, vừa phản ứng nhanh chóng với sự bất ổn địa chính trị và lạm phát gia tăng. Hiện tại, hai tình huống này xảy ra đồng thời nên đã làm tăng ảnh hưởng của vàng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Giới chuyên gia nhận định, giá vàng đang rất "nóng" do ảnh hưởng chủ yếu bởi thông tin căng thẳng Nga - Ukraine. Do vậy, việc tăng hay giảm giá vàng thời gian tới phụ thuộc lớn vào diễn biến và hành động của hai nước. Song về xu hướng chung, các chuyên gia cho rằng, trong môi trường có quá nhiều rủi ro và biến động như thế này, giá vàng thế giới bứt phá lên mức 2.000 USD/ounce là điều chắc chắn; và việc giá vàng thế giới đã tăng 10% so với mức đóng cửa năm 2021 sẽ là tiền đề cho giá vàng có thể vượt mức 2.000 USD/ounce.

Còn trong ngắn hạn, kết quả khảo sát diễn biến giá vàng thế giới tuần mới của Kitco News cũng cho thấy, tất cả các nhà phân tích Phố Wall tham gia khảo sát đều cho rằng giá vàng sẽ tăng. Phần lớn các nhà đầu tư bán lẻ cũng kỳ vọng thị trường vàng sẽ bứt phá trong tuần sau.

Cụ thể, tỷ lệ chuyên gia nhận định giá vàng đi lên tuần tới tăng mạnh từ 40% lên 100%; không có chuyên gia nào dự đoán giá vàng giảm hoặc giữ quan điểm trung lập. Hiện tại, mọi người gần như đều khẳng định rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine - Nga sẽ không đi đến kết quả tích cực một cách nhanh chóng và mức lạm phát hiện tại sẽ tiếp tục xoắn ốc lên mức cao hơn. Nếu giả định đó là đúng, vàng sẽ dễ dàng chạm mức đỉnh kỉ lục 2.088 USD/ouce và thậm chí tăng cao hơn nữa.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, sự tăng trưởng nóng của thị trường vàng chỉ là cục bộ, và nếu cục diện cuộc khủng khoảng đảo chiều, hoặc chỉ đơn giản là bớt nóng, giá vàng có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào nên nhà đầu tư cần cẩn trọng. Với những gì diễn ra trên thế giới, việc vàng tăng giá chỉ có ý nghĩa vào thời điểm này.

Thị trường không hề quan trọng các nguyên tắc cơ bản hay chỉ báo kỹ thuật nên sẽ mang lại cả cơ hội cũng như rủi ro cao cho các nhà đầu tư. Chưa kể, với thị trường vàng trong nước, hiện tại, giá SJC đang cao hơn giá vàng thế giới tới 15 triệu đồng mỗi lượng nên đây là một mức rủi ro cực cao. Khi vàng đảo chiều, các doanh nghiệp kinh doanh sẽ dùng các biện pháp phòng hộ để bảo toàn lợi nhuận, đẩy rủi ro về phía khách hàng.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giá vàng tăng mạnh không dựa trên nền tảng của sự phát triển kinh tế nên chỉ mang tính nhất thời, không bền vững. "Khi xảy ra xung đột địa chính trị, chứng khoán và giá vàng sẽ biến động mạnh. Tuy nhiên, căng thẳng nào rồi cũng sẽ hạ nhiệt, điều này sẽ kéo theo đà giảm của vàng. Vì vậy, tôi cho rằng, giá vàng hôm nay tăng chỉ có tính cục bộ, nên mua vào hay bán ra đều phải rất cẩn trọng", ông Thịnh cảnh báo.

Hà An
.
.
.