Serbia thành lập chính phủ mới dưới sức ép của phương Tây
Quá trình thành lập chính phủ mới ở Serbia, dự kiến sẽ lần đầu tiên bao gồm một số lượng lớn các chính trị gia thân phương Tây, đã gần hoàn tất. Điều này đặt ra câu hỏi liệu Belgrade có chịu nhượng bộ trước sức ép của phương Tây khi buộc phải tuân thủ các lệnh trừng phạt chống lại Nga hay không.
Ngày 26/10, Quốc hội Serbia đã thông qua danh sách chính phủ mới vừa được Tổng thống Aleksandar Vucic công bố mới đây. 157 trong tổng số 250 nghị sĩ quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ danh sách chính phủ mới gồm 28 bộ trưởng, phần lớn thuộc đảng Tiến bộ Serbia (SNS) cầm quyền và đảng Xã hội chủ nghĩa Serbia (SPS). Chính phủ mới do bà Ana Brnabic (theo đường lối thân châu Âu) đứng đầu. Bà Brnabic từng giữ chức thủ tướng trong 2 nhiệm kỳ trước. Các ưu tiên của chính phủ này là đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng và Serbia trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Phát biểu tại quốc hội, Thủ tướng Brnabic cho biết chính phủ mới có kế hoạch đầu tư 12 tỷ euro vào các dự án năng lượng, trong đó có đường ống dẫn dầu mỏ và khí đốt, tăng công suất sản xuất điện.
Theo bà Brnabic, EU là “điểm đến chiến lược” của Serbia. Do vậy, nếu muốn gia nhập EU, Serbia phải hài hòa chính sách đối ngoại với khối này.
Cho đến nay, Serbia là quốc gia duy nhất ở châu Âu không ban hành bất kỳ hạn chế nào đối với Nga kể từ năm 2014. Quyết định này không hề dễ dàng đối với chính quyền Serbia. Người Serb trong lịch sử là một trong những dân tộc thân Nga nhất. Đầu tháng 10/2022, phản ứng lại động thái EU áp đặt gói trừng phạt thứ 8 nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, Chính phủ Serbia bày tỏ sự tức giận và gọi đây là “gói trừng phạt đầu tiên của EU” chống lại chính Serbia.
Tuy nhiên, một số yếu tố đang làm phức tạp tình hình.
Serbia bắt đầu đàm phán gia nhập EU từ năm 2012, kể từ đó nước này phụ thuộc vào EU, kể cả về kinh tế. Các cuộc đàm phán để Serbia trở thành thành viên chính thức đã diễn ra trong 10 năm qua, đòi hỏi Serbia hoàn toàn tuân thủ đường lối chính sách đối ngoại của EU là tuân thủ luận điệu chống Nga và ban hành các lệnh trừng phạt Moscow. Thứ hai, về vấn đề Kosovo, Belgrade phải hoàn toàn công nhận sự độc lập của vùng lãnh thổ này để gia nhập EU. Thứ ba, Chính phủ Serbia phải tuyên truyền các giá trị gia đình phi truyền thống, vốn bị đa số tuyệt đối trong xã hội Serbia phản đối. Đời sống người dân Serbia vốn vẫn mang nặng tính tôn giáo và gắn bó với các giá trị truyền thống.
Vì vậy, Serbia không có lựa chọn nào mặc dù biết rằng không có điều kiện nào trong 3 điều kiện trên được chấp nhận.
Những tháng gần đây, áp lực tăng lên theo cấp số nhân. Nghị viện châu Âu yêu cầu Belgrade quyết định về chính sách của mình đối với Nga. Cơ quan lập pháp EU bóng gió rằng các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU và các khoản tài trợ kinh tế của EU sẽ chấm dứt nếu chính quyền Serbia một lần nữa từ bỏ việc áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow. Điều tương tự cũng áp dụng cho việc công nhận nền độc lập của Kosovo. Các nước EU với sự hỗ trợ của Mỹ tìm mọi cách để áp đặt Kosovo gắn bó với các tổ chức quốc tế khác nhau.
Tổng thống Serbia đã nhiều lần tuyên bố rằng dưới thời tổng thống của ông, Belgrade sẽ không bao giờ ra sắc lệnh trừng phạt đối với Nga và ông không muốn phá hủy mối quan hệ kinh tế hữu hảo truyền thống giữa hai nước. Nhưng, một diễn ngôn khác gần đây ngày càng trở nên nổi bật hơn trong giới cầm quyền Serbia. Một sự thay đổi bắt buộc của giới tinh hoa chính trị Serbia đang diễn ra trong nước dưới áp lực của phương Tây.
Cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Năng lượng Zorana Mihajlovic một lần nữa lưu ý rằng Serbia nên sánh vai với châu Âu, điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình theo các tiêu chuẩn của EU, từ bỏ dầu khí của Nga và nhìn nhận Nga theo quan điểm của phương Tây.
Hơn nữa, Rada Basta, gần đây được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế và nổi tiếng với những tuyên bố thân phương Tây, thường xuyên tuyên bố rằng đã đến lúc chấm dứt “sự sùng bái Nga” ở Serbia, vì điều đó ngăn cản Belgrade tiến lên “con đường châu Âu”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, bằng cách này, Belgrade đã chuẩn bị cho khả năng không thể tránh khỏi của việc áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga bằng cách liên tục gia tăng sức ép và sử dụng các biện pháp chính trị. Đó là lý do tại sao giới quan sát có thể dự báo sự gia tăng căng thẳng hơn nữa ở Balkans trong tương lai gần, ngay cả khi Tổng thống Vucic tiếp tục khẳng định: “Serbia sẽ cầm cự cho đến cùng và sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt cho đến khi những lời chỉ trích không còn nữa”.
Câu hỏi đặt ra là Serbia có thể cầm cự được bao lâu nữa mà không phải nhượng bộ trước sức ép của phương Tây? Nước này đã kháng cự trong 8 năm, điều này làm dấy lên sự kính trọng và kinh ngạc.
Belgrade buộc phải hy sinh, bao gồm bỏ phiếu cho các nghị quyết lên án hoạt động đặc biệt của Nga ở Ukraine, các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga của các khu vực Kherson và Zaporozhye cũng như ở Cộng hòa nhân dân Luhansk và Donetsk.
Nhưng, có một số lý do giải thích cho điều này. Thứ nhất, Serbia không thể lên tiếng công khai chống lại nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trong khi đối mặt với vấn đề Kosovo lâu nay. Một lý do khác là do nguồn lực và năng lực trong nước hạn chế để đối phó với áp lực của phương Tây. Sau đây là kịch bản hợp lý nhất cho Serbia hiện nay: Áp lực của phương Tây sẽ tiếp tục và chỉ gia tăng để đạt đến ngưỡng quan trọng.
EU sẽ viện dẫn khả năng không thể tiếp tục đàm phán cho phép Serbia gia nhập và cấp viện trợ kinh tế nếu chính sách đối ngoại của nước này khác với cách tiếp cận chung của EU, đe dọa cô lập quốc tế và các lệnh trừng phạt thứ cấp với Serbia. Rất có thể người Serb sẽ được nhanh chóng chấp thuận trở thành thành viên EU nếu họ nhượng bộ. Tuy nhiên, đó chắc chắn sẽ chỉ là một lời hứa suông. Khả năng đối phó với sức ép của phương Tây của Serbia ngày càng giảm sút và càng ngày càng khó làm được điều đó. Đó là lý do tại sao từ nay đến cuối năm hoặc trong năm 2023, Belgrade có thể chính thức tham gia lệnh trừng phạt Nga.