Nhận diện sai phạm để đấu tranh hiệu quả

Thứ Ba, 17/01/2023, 11:08

Năm 2022, lực lượng Công an đã phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97% so với năm 2021. Các lực lượng trong CAND đã làm tốt công tác nắm tình hình, hoạt động của các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tài chính, tiền tệ, ngân hàng; triển khai công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong các cơ quan nhà nước; phát hiện, điều tra các vụ án, vụ việc...

Qua đó đã báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kiến nghị các ngành khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

7-1.jpg -0
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo Đảng đoàn Quốc hội về tiến độ các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội năm 2022.

“Điểm mặt” những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn

Hàng loạt vụ án lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp như vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ của hơn 6.000 nhà đầu tư; vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; vụ Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings; vụ án Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần ASA đã được Cơ quan công an làm sáng tỏ, góp phần làm lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Liên quan đến vụ Công ty Việt Á, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 26 bị can; công an 21 địa phương khởi tố 24 vụ/63 bị can. Trong vụ án này, các đối tượng chuyển tiền lòng vòng qua người nhà, qua hiệu vàng để che giấu, Cơ quan điều tra đã thu thập làm rõ các mối quan hệ, giao dịch và dòng tiền, nguồn tiền bất minh để đấu tranh truy xét, làm rõ việc các đối tượng chuyển tiền “lại quả” để đấu tranh. Khi Cơ quan điều tra vào xác minh, các đối tượng tìm mọi cách hợp thức hồ sơ, bàn bạc thống nhất khai báo và sau khi bị bắt, các bị can khai báo nhỏ giọt, đổ lỗi cho người khác, nhất là không thừa nhận có việc ăn chia, thông thầu, nhưng với chiến thuật truy xét bài bản, đấu tranh, đấu lý kết hợp với giáo dục, động viên bị can khai báo để hưởng khoan hồng của pháp luật, các bị can đã từng bước khai nhận hành vi phạm tội.

Đặc biệt, lợi dụng nhu cầu sử dụng kit test COVID-19 tăng cao, các đối tượng đã “hợp thức” việc sản xuất, mua bán, nâng khống giá bán kit test bằng thủ đoạn đăng ký đề tài khoa học, được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép lưu hành sản phẩm và xác định giá khống đó, gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều tra. Dù các đối tượng tinh vi, xảo quyệt như vậy, nhưng với quyết tâm “không bỏ lọt tội phạm”, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã làm rõ, khởi tố 3 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng là Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và Phạm Xuân Thăng.

Trong lĩnh vực đấu thầu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC; Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố 5 đối tượng chia nhỏ gói thầu, lập chứng từ mua bán thiết bị giáo dục gây thiệt hại 15 tỷ đồng; Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lương Sơn; Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thiệt hại ước tính gần 25 tỷ đồng; Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố 5 bị can về tội “Vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản” trong đấu giá quyền sử dụng đất, gây thiệt hại gần 20 tỷ đồng...

Lĩnh vực ngân hàng, Công an tỉnh Vĩnh Long khởi tố Tổng Giám đốc Công ty Trường Huy về hành vi lập 14 công ty vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt 155 tỷ đồng. Công an TP Hà Nội khởi tố cán bộ ngân hàng nâng khống trị giá tài sản đảm bảo gây thiệt hại 29 tỷ đồng. Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố cán bộ ngân hàng chi nhánh Quảng Ninh lập khống 9 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt gần 33 tỷ đồng...

Kết quả phát hiện, điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng trong thời gian qua của lực lượng Công an đã thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng; qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

7-2.jpg -0
Cơ quan Cảnh sát Điều tra thi hành lệnh khám xét tại trụ sở CDC Thừa Thiên - Huế trong vụ “đại án” Việt Á.

Cần có cơ chế để không thể, không dám, không muốn tham nhũng

Phát biểu về công tác phòng, chống tham nhũng và đấu tranh với tội phạm tham nhũng, các đại biểu Quốc hội và dư luận nhân dân đều đánh giá cao công tác này. Đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) khẳng định, mấy năm gần đây chúng ta rất phấn khởi về kết quả của việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đã làm sáng tỏ nhiều vụ án lớn, xét xử kịp thời; đưa ra những đối tượng phạm tội ở vị trí có chức vụ cao. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng đánh giá cao những nỗ lực chống tham nhũng, tiêu cực, chống tội phạm, góp phần ổn định xã hội của các cơ quan nói trên. “Chúng tôi thấy được sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, nghiêm minh của các cơ quan pháp luật từ khâu điều tra, xét xử, thi hành án trong các vụ tham nhũng lớn thời gian qua, nhất là vụ Việt Á, một vụ án rung động xã hội” - đại biểu cho biết.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) khẳng định, các lực lượng tư pháp cùng với CAND đã ngày càng phát huy vai trò và đảm bảo tốt tình hình an ninh, trật tự, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. “Với vai trò là người dân và người làm kinh tế, tôi cũng xin bày tỏ lòng cảm ơn lực lượng CAND và các lực lượng tòa án, tư pháp khác đã giữ vững trật tự để người dân yên tâm sản xuất, phấn đấu để đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra” - đại biểu nhấn mạnh, đồng thời cho biết, muốn phòng chống tham nhũng tốt cần phải xây dựng một bộ quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền và cả khối doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

“Việc phòng là quan trọng, chúng ta làm tốt thì đó là bảo vệ cán bộ” - đại biểu khẳng định và đề nghị phải tăng lương đủ hấp dẫn cho cán bộ, công chức để thu hút được cán bộ, công chức đam mê, cống hiến và phải có trách nhiệm với công vụ của mình. “Phải kiên trì nâng cao nhận thức bởi vì, công cuộc chống tham nhũng không phải là một bộ phận này hay một bộ phận kia, nhóm cộng đồng này, nhóm dân cư kia mà phải là toàn xã hội, toàn lực lượng” - đại biểu kiến nghị.

Cũng “hiến kế” chống tham nhũng, đại biểu Trần Công Phàn cho rằng, từ các vụ đấu tranh chống tham nhũng, các cơ quan tư pháp tiếp tục kiến nghị và chỉ ra được nguyên nhân dẫn đến tham nhũng để làm sao chúng ta phòng ngừa với tinh thần là không thể, không dám, không muốn tham nhũng. “Chúng ta thấy 2 đại án vừa xảy ra gần đây nhất thì lại xảy ra đúng lúc xã hội khó khăn như vậy. Tôi đề nghị chúng ta phải chú ý đến khâu phòng. Chống chúng ta đang làm tốt rồi, đang cố gắng làm tốt hơn trước, nhưng phòng để cho không tham nhũng” - đại biểu nêu quan điểm.

Một số đại biểu khác thì kiến nghị lấp kín “khoảng trống” trong đấu thầu; trong thực thi các thủ tục hành chính để phòng ngừa “tham nhũng vặt”.

Được biết, để có được kết quả cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo thực hiện phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để không phải xử lý nhiều cán bộ, đảng viên”. Theo đó, lực lượng Công an đã chủ động nhận diện các hành vi sai phạm, tội phạm ở những lĩnh vực nhạy cảm để có giải pháp đấu tranh phù hợp, lựa chọn khâu đột phá trong từng lĩnh vực. Đây cũng là mục tiêu rất nhân văn của công tác điều tra. Đặc biệt, qua công tác điều tra các vụ án trên, Bộ Công an đã làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm, đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương để kiểm tra dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm về mặt Đảng đối với tổ chức đảng, cá nhân sai phạm với phương châm “ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn” -  theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “xử lý một vài người để cứu muôn người”...

Tiếp xúc cử tri, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã thông tin về tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự 9 tháng đầu năm 2022; nhấn mạnh, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục được tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn. Lực lượng Công an đã chủ động dự báo và triển khai toàn diện các biện pháp phòng, chống tội phạm trong và sau dịch COVID-19, qua đó kéo giảm 9,75% số vụ phạm tội về trật tự xã hội; tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều cơ bản được khẩn trương điều tra làm rõ, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phương Thủy
.
.
.