Chuỗi domino của các chính phủ ở châu Phi

Thứ Hai, 13/11/2023, 07:45

Ở châu Phi, các chính phủ đang sụp đổ như quân domino. Kể từ năm 2020, quân đội đã tổ chức thành công các cuộc đảo chính ở 7 quốc gia trên lục địa, trong đó có 2 lần ở Mali và Burkina Faso. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mô tả các sự kiện này là một “đại dịch đảo chính” - ông đã nói điều này từ trước cả thời điểm diễn ra 2 cuộc đảo chính gần đây nhất.

“Tâm chấn” của các cuộc đảo chính ở châu Phi trong 3 năm qua là ở vùng Sahel Tây Phi - khu vực rộng lớn nằm giữa sa mạc Sahara ở phía Bắc và các quốc gia ven biển ở phía Nam, nơi quân nổi dậy thánh chiến đã lan rộng. 6 trong số 9 cuộc đảo chính đã kể ở trên đã diễn ra ở các quốc gia này. Các lãnh đạo quân sự ở Mali, Burkina Faso và Niger đã tổ chức đảo chính vì họ tin rằng các chính phủ dân sự không có câu trả lời cho cuộc khủng hoảng an ninh. Nhưng làn sóng đảo chính cũng đã lan sang các nước ngoài Sahel.

1.jpg -0
Các cuộc thăm dò của Afrobarometer cho thấy người dân châu Phi muốn có được dân chủ thông qua hình thức chính phủ

Nguyên nhân của các cuộc đảo chính

Các cuộc đảo chính ở các quốc gia có nguyên nhân khác nhau. Ở các quốc gia thuộc khu vực Sahel, cuộc khủng hoảng an ninh dẫn đến quân đội và chính phủ dân sự tan rã. Ở Sudan, quân đội muốn ngăn chặn quá trình dân chủ hóa gây nguy hiểm cho vị thế quyền lực của họ. Ở Guinea và Gabon, quân đội đã loại bỏ các tổng thống không được lòng dân, những người vẫn giữ quyền lực bằng các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý đáng ngờ.

Có 2 cách giải thích quan trọng về tần suất của các cuộc đảo chính.

Thứ nhất, những người lãnh đạo cuộc đảo chính tin rằng họ có thể loại bỏ các chính phủ mà không bị trừng phạt. Đảo chính dẫn tới nhiều đảo chính hơn. Danh sách các quốc gia mà quân đội đã tiến hành đảo chính thành công càng dài thì những kẻ bắt chước tiềm năng càng tin rằng họ cũng có thể thành công. Việc những người tiến hành đảo chính thành công một phần là do áp lực quốc tế không đủ thuyết phục họ từ bỏ quyền lực càng nhanh càng tốt. Lãnh đạo cuộc đảo chính của Mali là Assimi Goita đã lãnh đạo đất nước trong hơn 2 năm. Sau cuộc đảo chính ở Niger, nước ngoài phản ứng mạnh mẽ hơn. Tổ chức khu vực là Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đe dọa triển khai một cuộc tấn công quân sự, Tuy nhiên, khó có khả năng ECOWAS sẽ thực sự làm như vậy. Những lời đe dọa trống rỗng khiến cho áp lực từ bên ngoài ngày càng tỏ ra không hiệu quả.

Thứ hai, những người tiến hành đảo chính ở hầu hết mọi quốc gia được hưởng lợi từ sự kiện là phần lớn dân chúng tức giận với giới tinh hoa chính trị mà họ cho là chuyên quyền và bất tài. Giận dữ với giới thượng lưu, phe âm mưu thực hiện đảo chính được tiếp thêm động lực từ thực tế là ở hầu hết các nước này, họ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng. Điều này xuất phát từ thực tế là người dân ở nhiều nước châu Phi đã có chính quyền dân sự thông qua các cuộc bầu cử dân chủ và năm một lần, nhưng các chính phủ lại quan tâm nhiều đến quyền lợi của họ và môi trường hơn là xây dựng đất nước. Hầu hết các chính phủ sụp đổ đều bị coi là tham nhũng hoặc duy trì nền dân chủ giả tạo. Điều này thậm chí còn áp dụng  cho Niger, nơi chính phủ của nước này thường được phương Tây coi là hình mẫu cho khu vực. Nhiều người châu Phi đổ lỗi cho các đối tác phương Tây vì đã hỗ trợ các chính phủ này, bởi vì họ phục vụ lợi ích của họ hơn là người dân ở đây. Đây là lý do quan trọng giải thích tại sao những kẻ âm mưu đảo chính bảo đảm được sự ủng hộ của họ bằng cách khuấy động tình cảm chống phương Tây và đặc biệt là chống Pháp.

Làn sóng đảo chính

Làn sóng đảo chính hiện nay ở châu Phi không phải là điều bất thường như người ta tưởng. Hầu hết các nước châu Phi giành được độc lập vào khoảng những năm 1960. Trong những thập kỷ sau đó, đã có rất nhiều cuộc đảo chính diễn ra ở châu lục này. Cho đến năm 2000, trung bình có 4 cuộc đảo chính mỗi năm. Riêng Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, đã trải qua 5 cuộc đảo chính và bị quân đội cai trị gần như liên tục từ năm 1966 đến 1999.

Các cuộc đảo chính sau độc lập xảy ra rất nhiều vì chính phủ ở hầu hết các nước đó đều thất bại. Nhiều người châu Phi đặt hy vọng rằng đất nước của họ, sau khi thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, cuối cùng sẽ tạo ra sự thịnh vượng. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra hoặc chỉ diễn ra rất chậm, một phần vì nhiều chính phủ non trẻ tỏ ra bất tài hoặc tham nhũng. Các cuộc đảo chính cũng được hưởng lợi từ thực tế là các thể chế nhà nước còn yếu kém và có rất ít cơ chế ngăn chặn sự can thiệp của quân đội.

Làn sóng đảo chính hiện nay ở châu Phi đang đáng lo ngại và có thể trở nên tồi tệ hơn. Người ta có thể cho rằng người châu Phi đã có đủ dân chủ, dựa trên những cảnh cổ vũ sau cuộc đảo chính và các cuộc thăm dò cho thấy sự khoan dung đối với sự can thiệp quân sự. Trên thực tế, các cuộc thăm dò (được thực hiện bởi Afrobarometer) luôn cho thấy rằng đại đa số người châu Phi muốn có được dân chủ thông qua một hình thức chính phủ. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cũng cho thấy đa số (ngày càng tăng) không hài lòng với cách vận hành nền dân chủ hiện tại. Do đó, người ta có thể hiểu việc ủng hộ các cuộc đảo chính có nghĩa là hầu hết người dân châu Phi đã chán ngấy các nền dân chủ giả tạo.

Rất có thể làn sóng đảo chính hiện nay là một chu kỳ lịch sử và sẽ kết thúc. Câu hỏi lớn là liệu các chính quyền dân sự có thể làm tốt hơn khi có cơ hội tiếp theo hay không? Phải làm sao để các chính sách của họ mang lại lợi ích cho cả nước chứ không chỉ những người xung quanh hay đồng minh. Phương Tây, rồi sẽ có một vai trò khiêm tốn hơn, buộc phải tôn trọng mong muốn tự quyết và dư luận ở các nước châu Phi. Chính sách trước đây về việc chấp nhận các cuộc bầu cử giả mạo khi họ nắm giữ các tổng thống được bầu ra từ những cuộc bầu cử như thế, đã tỏ ra thiện cận. Trong trung hạn, nó thúc đẩy sự bất ổn, và sau đó là đảo chính.

Ngọc Lan

.
.