"Đường băng" V.League đã trơn tru

Thứ Ba, 22/12/2015, 08:23
Những cuộc họp hành liên miên vừa qua của Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF) mang đến nhiều tin vui trước thềm mùa giải 2016.

Đầu tiên là việc quyền lợi các cầu thủ đã được đảm bảo thông qua việc VPF đã chính thức làm việc xong xuôi với một hãng bảo hiểm, từ đó giúp những trường hợp chấn thương sân cỏ tìm được "lối ra". Cái hay nằm ở chỗ VPF không phải trả phí cho thương vụ bao hiểm qui mô này, mà chỉ phải trả bằng "2 năm quảng cáo thương hiệu" cho đơn vị bảo hiểm.

Ngay cả những điểm phi lý phát sinh sau vụ Quế Ngọc Hải đá gãy chân Anh Khoa, dẫn tới việc phải đền bù mọi chi phí chữa trị cho Anh Khoa cũng đã được "bịt" lại bằng những điều khoản mới. Ở đây, cần nhắc lại việc, Ban Kỷ luật VFF không sai khi xử Ngọc Hải phải đền mọi chi phí chữa bệnh cho Anh Khoa, vì đấy là điều đã được quy định bằng luật lệ, nhưng ai cũng thấy đấy là một thứ luật lệ khó coi.

Cũng cần phải nhấn mạnh đến bức ảnh mà giới truyền thông thi nhau mổ xẻ mấy ngày vừa qua, liên quan đến việc Ngọc Hải mang hơn 800 triệu đến nhà Anh Khoa, người nhà Anh Khoa lập tức đếm tiền rồi lập tức mang đi trả cho CLB SHB Đà Nẵng - đơn vị đã đứng ra ứng tiền chữa trị cho... nhẹ gánh. Phải nói, bức hình cùng những dích dắc phía sau nó là một vết đen đáng quen của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Tân TGĐ Cao Văn Chóng (phải) đã thể hiện những ấn tượng đầu tiên. Ảnh: H.M

Thế nhưng, từ mùa giải mới, trong những trường hợp tương tự như của Quế Ngọc Hải, người phạm lỗi chỉ phải trả một mức chi phí không quá 15 tháng lương theo hợp đồng lao động đã ký với CLB chủ quản, và không quá 50 triệu đồng với những người vi phạm đang là cầu thủ đào tạo, tập nghề. Với những quy định mới mẻ, cụ thể, chặt chẽ này, hy vọng những lùm xùm sau mỗi pha va chạm trên sân cỏ sẽ không còn khiến cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc phải mệt mỏi theo sát nữa.

Bên chuyện quyền lợi cầu thủ cũng phải nói đến việc  những khoản thu của VPF dự kiến cũng không ngừng tăng lên. Nếu tổng nguồn thu trong năm 2015 vào khoảng 101, 498 tỷ đồng thì dự kiến năm 2016 sẽ là 122,646 tỷ đồng. Điều này cũng có nghĩa, phần lợi tức và VPF chia cho các CLB, từ V.League đến giải hạng Nhất sẽ tăng cao hơn trước. Một tín hiệu phấn khởi nữa là nhà tài trợ Toyota sẽ gia hạn hợp đồng với một mức giá trị cao hơn, và theo người đứng đầu VPF, ông Võ Quốc Thắng, thì ở những mùa giải tới có thể còn cao hơn nữa, nếu V.League cải thiện được chất lượng của mình. Lại phải nhắc chuyện cũ: Trước thềm mùa giải 2015, khi Eximbank rút lui thì VPF đã phải chạy đôn chạy đáo lo tài trợ, và đã có những thời điểm ngay cả những người trong cuộc cũng phải nghĩ đến những phương án xấu nhất.

Như vậy, nếu nhìn vào cái "đường băng" của mùa giải 2015 thì "đường băng" của mùa giải 2016 có vẻ sạch sẽ, trơn tru, thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên vẫn cần thận trọng thấy rằng, một "đường băng" thuận lợi không đồng nghĩa với việc cả một mùa giải chắc chắn sẽ diễn ra thuận lợi. Phải làm gì để khi V.League rơi vào đoạn kết - nơi mà sự sinh, tử của các đội bóng trở thành mối quan tâm hàng đầu thì người hâm mộ không còn phải chán nản với những trận thắng - thua "khét lẹt"? Phải làm gì để tất cả các đội bóng đều có thể đi tới nơi về tới chốn trong sự tâm phục khẩu phục, thay vì có đội sau khi xuống hạng cứ ấm ức thốt lên: "Tôi bị người nọ, người kia đánh hội đồng"?

Đấy chắc chắn sẽ là những câu hỏi không dễ trả lời cho ông tân Tổng Giám đốc Cao Văn Chóng!

Chống cá độ từ những con số thống kê

Một trong những nét mới của VPF năm nay là họ đã hợp tác với một công ty chuyên thống kê, phân tích số liệu để đưa ra những cảnh báo về những trận đấu có "nguy cơ bất thường". Đây là điều mà AFC, AFF và một số nền bóng đá trong khu vực Đông Nam Á đã thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng cá cược bóng đá ở Việt Nam có muôn hình vạn trạng, thế nên nếu chỉ căn cứ vào những con số theo kiểu "tỷ lệ trận đấu", "tỷ lệ phạt góc"... của các hãng cá cược quốc tế để đưa ra những dự báo thì cũng chỉ hạn chế được một phần nào đó, chứ không phải là tất cả.              

Ngọc Anh 

Diệp Xưa
.
.
.