Đưa đội tuyển U.22 tham dự SEA Games

Chủ Nhật, 06/12/2015, 23:12
Đó là quyết định của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) trong cuộc họp vào sáng qua. Tuy nhiên còn phải chờ Hội đồng thể thao Đông Nam Á và Ban tổ chức SEA Games 29, năm 2017 gật đầu thì quyết định này mới chính thức được thông qua.


Như Báo CAND đã đề cập, khoảng hơn một tháng trước, LĐBĐ Malaysia đã đề xuất phương án sử dụng đội tuyển U.21 thay vì đội tuyển U.23 tham dự SEA Games vào năm tới trên đất nước mình.

Ý tưởng này đã được một vài thành viên của Liên đoàn bóng đá Singapore tán thành với lý do: "Đông Nam Á cần phải chú trọng phát triển bóng đá trẻ, và cần có một sân chơi cho các ĐT U.21 để đảm bảo tính liên tục phát triển". Tuy nhiên, theo những người hiểu việc thì đây có thể là một "chiêu" để chủ nhà có thể tăng cường khả năng đoạt huy chương của mình, bởi nếu vẫn là lứa U.23 thì Malaysia khó có cửa cạnh tranh với một lứa cầu thủ trong mơ của Thái Lan.

Bàn lên bàn xuống, cuối cùng Ban thi đấu AFF do Phó Chủ tịch AFF, đồng thời là Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đưa giải pháp mang tính trung hoà: không phải ĐT U.23, cũng chẳng phải ĐT U.21, mà sẽ là ĐT U.22.

Lý do của ông Trần Quốc Tuấn là: năm 2017 cũng là năm Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tổ chức vòng loại U.22 châu Á để chọn một năm sau chọn đội đi Olympic từ Vòng chung kết U.23 châu Á, do đó lứa U.22 tham dự SEA Games sẽ là một màn tập rượt tốt cho bóng đá Đông Nam Á trước khi tham gia sân chơi châu lục.

Ý kiến của ông Tuấn đã nhận được sự đồng tình của các thành viên còn lại, và theo đánh giá của các chuyên gia thì một khi AFF đã gật đầu, việc Hội đồng thể thao Đông Nam Á và Ban tổ chức SEA Games cũng gật đầu chỉ còn là chuyện thời gian.

Ông Trần Quốc Tuấn đóng vai trò quan trọng trong quyết định thay đội dự SEA Games của AFF. Ảnh: H.M

Câu hỏi đặt ra, bên cạnh cái được chung của bóng đá trẻ Đông Nam Á thì quyết định này có giúp bóng đá Việt Nam được thêm điều gì không? Ai cũng biết bóng đá Việt Nam đang có một lứa U.21 Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) với những cái tên như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy... rất chất lượng.

Lứa cầu thủ này từng có nhiều năm tập luyện cùng nhau và năm ngoái cũng đã được thử lửa ở đấu trường V.League. Mặc dù đấy là cuộc thử lửa không như ý về mặt thành tích nhưng nó đã giúp cho các cầu thủ lớn lên, trưởng thành rất nhiều ở phương diện kinh nghiệm thi đấu. Mới đây nhất, U.21 HA.GL cũng đã vô địch giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên sau trận chung kết đánh thắng U.19 Hàn Quốc 2 bàn. Vậy nên theo chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, nếu VFF lấy lứa cầu thủ U.21 HA.GL làm nòng cốt, chọn thêm những cầu thủ xuất sắc khác từ Sông Lam Nghệ An, HN.T&T, PVF... thì ở thời điểm hiện tại chúng ta sẽ có một đội U.21 rất chín, và như thế cũng có nghĩa là năm tới sẽ có một đội U.22 đầy hy vọng.

Rốt cuộc VFF có đồng ý lấy U.21 HA.GL làm nòng cốt hay không? Theo một bộ phận truyền thông thì cuộc họp Ban chấp hành VFF tại TP Hồ Chí Minh vừa qua đã chính thức thông qua ý tưởng này, nhưng thực tế không như vậy. Thực tế là bên cạnh nhưng thành viên trong thường trực VFF ủng hộ ý tưởng này ra mặt, điển hình như Phó Chủ tịch tài chính, đồng thời là cha đẻ của lứa cầu thủ này - ông Đoàn Nguyên Đức, vẫn còn những ý kiến không cùng nhịp. Một vấn đề tế nhị khác là trong khi lứa cầu thủ này trọng kỹ thuật, luôn hướng đến bóng đá tấn công, cống hiến thì HLV trưởng đội tuyển quốc gia và đội tuyển U.23 quốc gia Toshiya Miura lại đi theo trường phái thể lực, sức mạnh, và luôn đặt yếu tố thực dụng lên đầu. Vậy thì VFF sẽ giải quyết vấn đề tế nhị này ra sao?

Rất có thể từ việc ĐT U.22 được chọn thay ĐT U.23 dự SEA Games, bóng đá Việt Nam sẽ có nhiều biến động liên quan đến cái ghế của HLV trưởng ĐT và mối quan hệ giữa những con người đã từng có lúc "cùng hội cùng thuyền" trong ngôi nhà VFF.

Đối thủ cũng không vừa

Hôm qua, nhiều người đón nhận thông tin U.22 có nhiều khả năng tham dự SEA Games giống như một chiến công đặc biệt của những nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam, vì nó sẽ giúp cho lứa Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn... có thể tham dự thêm một kỳ SEA Games nữa.

Tuy nhiên đấy cũng chẳng phải là lợi thế riêng của Việt Nam, vì năm ngoái ở cùng vạch xuất phát U.19, lứa cầu thủ của Công Phượng đã thua lứa cầu thủ của Myanmar ở chung kết giải U.22 Đông Nam Á tại Brunei.

Sau này, khi hai đội gặp lại nhau ở bán kết giải U.19 Đông Nam Á, và mới đây là vòng bảng giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên, lứa cầu thủ Công Phượng đã giành chiến thắng trở lại, nhưng cả hai trận đấu ấy đều lần lượt diễn ra ở sân Mỹ Đình và sân Thống Nhất.

Mà cũng không riêng gì Việt Nam, Myanmar, lứa U.21 thực sự của Thái Lan (chứ không phải những cầu thủ U.21 loại B vừa tham gia giải U.21 quốc tế ở Việt Nam) cũng được đánh giá rất cao ở thời điểm hiện tại.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.