Dùng ĐT U.21 tại SEA Games 27: Loạn chiêu mất rồi?

Chủ Nhật, 08/11/2015, 09:23
Các trang báo Đông Nam Á đồng loạt đưa ra những bình luận rất khác nhau xung quanh ý tưởng này, trong đó những ý kiến đồng cảm, ủng hộ có lẽ chiếm phần đông đảo.

Cha đẻ của ý tưởng này là Tổng Thư ký AFF (Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á), ông Azzuddin Ahmad. Theo ông này thì thứ nhất, việc trẻ hoá môn bóng đá SEA Games sẽ giúp bóng đá trẻ khu vực được quan tâm đầu tư một cách xứng đáng. Và thứ hai, trong hệ thống các giải trẻ Đông Nam Á, đã có các giải đấu ở các lứa U.16, U.19, nhưng lại chưa có U.21, nên việc đưa ĐT U.21 đá SEA Games cũng là một cách để hoàn thiện hệ thống thi đấu của bóng đá trẻ khu vực. Quan điểm này lập tức nhận được sự ủng hộ của LĐBĐ Singapore và Việt Nam, bởi nói như Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh thì việc trẻ hoá là rất cần thiết để bóng đá khu vực có thể hướng đến những mục tiêu xa, tầm châu lục trong tương lai.

Cần trở lại lịch sử để thấy rằng trước đây, môn bóng đá SEA Games luôn dành cho các ĐTQG Đông Nam Á. Phải đến SEA Games 21 năm 2001 tại Malaysia thì ĐT U.23 mới được sử dụng thay thế ĐTQG. Khi ấy người Malaysia cũng là tác giả của ý tưởng thay thế này và nhiều tờ báo Việt Nam đồng loạt nhận định đó là một ý tưởng có thể kéo lùi sự phát triển của bóng đá khu vực. Theo những tờ báo này thì các ĐTQG trong khu vực vốn có rất ít các trận đấu và giải đấu để cọ xát với nhau, và vì thực tiễn này mà năm 1996, Liên đoàn bóng đá khu vực mới phải khai sinh ra Tiger Cup (tiền thân của AFF Suzuki Cup bây giờ) để giúp các ĐT có thêm cơ hội cọ xát. Câu hỏi đặt ra, chỉ 5 năm sau khi Tiger Cup ra đời, các ĐTQG lại mất đi cơ hội tham dự SEA Games thì cái mục đích giúp các ĐT được cọ xát thường xuyên, liên tục với nhau liệu có được thực thi một cách đúng nghĩa hay không? Và thứ hai, quan trọng hơn, người ta tin rằng chủ nhà Malaysia lúc ấy không có cửa cạnh tranh huy chương ở cấp độ ĐTQG, nên muốn dùng một ĐT trẻ để khắc phục hạn chế này.

Tuy nhiên, những tranh cãi, nghi vấn kiểu này rồi cũng nhanh chóng chấm dứt. Sau một SEA Games 21 mà ĐT U.23 Việt Nam của ông thầy người Brazil Silva Dido thất bại thảm hại ngay sau vòng đấu bảng thì nhiệm vụ số 1 của bóng đá Việt Nam khi ấy là phải làm sao lên kế hoạch xây dựng lại ĐT U.23 để có thể đạt thành tích tốt ở kỳ SEA Games tiếp theo trên sân nhà. Kết quả là SEA Games 22 tại Việt Nam, U.23 Việt Nam thi đấu xuất sắc, vào đến trận chung kết, và đây cũng chính là lúc mà chuyện ĐTQG hay ĐT U.23 QG tham dự SEA Games tuyệt nhiên, tuyệt đối không còn là một đề tài tranh cãi nữa.

TTK VFF Lê Hoài Anh tán đồng quan điểm dùng ĐT U.21 dự SEA Games. Ảnh: H.M.

Bây giờ lại nổ ra chuyện đưa U.21 dự SEA Games. Thật lạ với cái lập luận "cần hoàn thiện các hệ thống bóng đá trẻ khu vực" của tác giả ý tưởng này, bởi chúng ta chưa quên năm ngoái vừa có giải U.22 Đông Nam Á - giải đấu mà nhiều đội bóng khu vực sử dụng đội U.19, và cũng là giải đấu mà U.19 Việt Nam vào đến trận chung kết. Cũng thật lạ với niềm tin rằng chỉ với việc đưa ĐT U.21 dự SEA Games, bóng đá trẻ Đông Nam Á sẽ phát triển, rồi các ĐT Đông Nam Á sẽ có cơ hội cạnh tranh, thi thố tốt hơn ở các sân chơi châu lục. Bằng chứng là kể từ năm 2001 đến nay, năm đầu tiên ĐT U.23 dự SEA Games thay ĐTQG, chất lượng bóng đá khu vực không những không đi lên, mà còn có chiều đi xuống.

Cứ mãi cái vòng cải tiến, cải lùi quanh quẩn thế này, có lẽ bóng đá Đông Nam Á sẽ còn... loạn chiêu!

Không còn sao số

Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, bóng đá Đông Nam Á chứng kiến sự xuất hiện của cả một chùm sao ở các ĐTQG như Natipong, Kiatisak ở Thái Lan, Indra Putra ở Malaysia, Fandi Amad ở Singapore, Bima Sakti ở Indonesia và những Hồng Sơn, Huỳnh Đức... ở Việt Nam. Nhưng đến lúc này, ngoại trừ sự hồi phục của Thái Lan dưới trào Kiatsiak, tất cả những nền bóng đá mạnh ở Đông Nam Á đều không còn trình làng những ngôi sao có tầm cỡ tương tự. Rõ ràng, kể từ ngày ĐT U.23 thay ĐTQG tham dự SEA Games, bóng đá Đông Nam Á đang có nhiều biểu hiện thoái trào.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.