Futsal Việt Nam: Từ hiện tượng đến bản chất
Sau chiến thắng trước người Nhật ở tứ kết, ĐT futsal Việt Nam đã lọt vào top 4 đội mạnh nhất châu Á và 16 đội mạnh nhất thế giới. Nhưng đấy là thành tích căn cứ từ một và chỉ một giải đấu nhất thời, còn nếu căn cứ trên bảng xếp hạng của FIFA - một căn cứ mang tính dài hơi, bao quát gần với bản chất hơn thì chúng ta vẫn đang đứng thứ 42, còn bại tướng của chúng ta là Nhật Bản đang đứng thứ 12, nghĩa là hơn ta đến 30 bậc.
Sau chiến công oanh liệt trước người Nhật, futsal Việt Nam đã thua nặng Iran 1-13 tại bán kết và thua luôn Thái Lan 1-8 ở trận tranh Huy chương đồng, và từ hai trận thua nặng này có một bộ phận không nhỏ những người mà chỉ vừa trước đó thôi đã ca ngợi thầy trò HLV Bruno hết lời giờ quay sang chán nản và thất vọng. Xin được nói ngay, nếu chúng ta vẫn nhìn nhận thắng - thua một cách cảm tính, nhất thời như thế thì đừng nói gì đến futsal, mà cả một nền bóng đá nói chung còn lâu mới phất lên được.
Vậy, nên nhìn nhận như thế nào cho đúng? Như Báo CAND đã từng đề cập trong một bài viết cách đây chưa lâu, chúng ta xứng đáng được ca ngợi sau chiến thắng oanh liệt trước người Nhật, để lần đầu tiên đoạt vé đi World Cup. Nhưng sau chiến thắng đáng ca ngợi ấy, cần lý trí và bình tĩnh nhìn rõ: đấy chỉ là một chiến thắng mang tính hiện tượng, trong một ngày mà nói như chính đội trưởng Hoàng Bảo Quân thì: "Không hiểu hôm ấy đào đâu ra sức mà đá, cả đội đá khoẻ như điên".
Cầu thủ Việt Nam (phải) đã kết thúc một giải đấu cực kỳ đáng nhớ. |
Trong bóng đá, bất luận là bóng đá 11 người hay bóng đá futsal luôn có những trận đấu mang nặng dấu ấn thăng hoa điên rồ kiểu ấy. Chính từ đặc điểm ấy mà những nền bóng đá hẻo lánh ở châu Âu như Đan Mạch, Hy Lạp mới từng có những lần bất ngờ ngự đỉnh châu Âu.
Nhưng ngay sau khi lên đỉnh châu Âu rồi, không ai điên rồi đến mức khẳng định bóng đá Đan Mạch, Hy Lạp mạnh hơn bóng đá Anh, Italia, Đức, Pháp. Bởi chiến thắng của hiện tượng chỉ có ý nghĩa như một sự kích cầu phát triển, từ đó giúp một nền bóng đá hy vọng được nâng chất, chứ không có ý nghĩa khẳng định bản chất đích thực của nền bóng đá ấy.
ĐT futsal Việt Nam với chiến thắng mang tính hiện tượng trước Nhật Bản đã giúp cho futsal nước nhà nói riêng và bóng đá nước nhà nói chung đạt được một sự kích cầu như thế. Sau khi một chiến thắng hiện tượng qua đi, chúng ta trở về đúng với đẳng cấp khiêm tốn của mình (đặt trong sự so sánh với các đối thủ lớn ở châu lục) thì chuyện thua Iran và Thái Lan cũng chẳng có gì là lạ. Trước trận Việt Nam - Iran, Báo CAND từng đặt một dòng title: "Vượt núi Iran là không tưởng" chính vì lý do này.
Vấn đề đáng bàn tiếp theo là từ một chiến thắng mang tính hiện tượng và có ý nghĩa kích cầu, cần phải làm gì để bản chất của futsal Việt Nam được nâng tầm? Câu trả lời là, cần một sự vào cuộc mạnh mẽ của VFF và các doanh nhân yêu chuộng futsal. Ai cũng biết, ở ta mảng futsal xưa nay được "hoạch định" bởi một và chỉ một mình ông bầu Trần Anh Tú. Và để cho futsal thực sự nâng chất thì rõ ràng, một mình ông Tú là không đủ.
Chúng ta cần thêm nhiều ông Tú nữa, ngay trong thời điểm này để tận dụng cái đà kích vừa được thầy trò ông Tú xuất sắc tạo nên.
Tính đường World Cup Hai trận cuối cùng thua nhanh và thua nặng của futsal Việt Nam tại giải futsal châu Á năm nay đặt ra một vấn đề: phải làm gì để khi tham dự World Cup tại Colombia, chúng ta có thể tránh khỏi những trận thua nặng nề như vậy? Thực tế thì bóng đá Đông Nam Á từng có ĐT nữ Thái Lan và ĐT U.20 Myanmar xuất sắc giành quyền tham dự sân chơi World Cup, nhưng vào đến vòng chung kết World Cup thì cả hai đội bóng này đều đã phải nhận những thất bại nặng nề. Trả lời chúng tôi, ông Trần Anh Tú một mặt cho biết ĐT sẽ có những chuyến tập huấn, cọ xát nước ngoài trước khi tham dự World Cup, một mặt cũng khẳng định đã có những bài học quý được rút ra, đặc biệt là bài học về tâm lý nhập trận, tâm lý khi bị dẫn bàn trong hai trận đấu vừa rồi. Và với những bài học như vậy, hy vọng thầy trò HLV Bruno biết phải làm gì để hạn chế bàn thua khi tham gia World Cup. Ngọc Anh |