Thể thao Việt Nam hậu ASIAD 2018: Nhìn nhận nghiêm túc để giữ vị thế

Thứ Tư, 05/09/2018, 07:30
ASIAD 2018 khép lại cũng là lúc thể thao Việt Nam thở phào vì hoàn tất mục tiêu giành tối thiểu 3 Huy chương vàng (HCV). Nhưng đây cũng là lúc cần nhất sự nhìn nhận nghiêm túc để có thể giữ vững vị thế cũng như số lượng và chất lượng các tấm huy chương trong các kỳ ASIAD sau thay vì trồi sụt như trước đây.


Hoàn tất mục tiêu “kép”

Lãnh đạo Tổng cục TDTT từng nhắc đi nhắc lại về những mục tiêu của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018. Trong chỉ tiêu giành tối thiểu 3 HCV tại ASIAD 2018 còn là việc phải giành ít nhất 1-2 HCV trong nhóm môn Olympic. 

Đặc biệt nhóm 5 môn thể thao trọng điểm của thể thao Việt Nam gồm điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ phải đóng góp ít nhất 1 HCV.  Tấm HCV còn lại được giao nhiệm vụ cho nhóm môn Olympic khác như karatedo, boxing nữ, xe đạp, rowing…

Cuối cùng, chỉ tiêu trên đã hoàn thành theo cách “vừa vặn” nhất. Trong nhóm 5 môn thể thao trọng điểm, khi Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ) không thể lên ngôi vô địch, đã có một Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) thi đấu đạt yêu cầu để đăng quang. Mức 6m55 của cô tại kỳ ASIAD này dù vẫn để lại nhiều nuối tiếc về chỉ số thuần túy chuyên môn nhưng tại một cuộc đấu đầy sức ép, chỉ cần lên ngôi vô địch là đủ. 

Vận động viên Bùi Thị Thu Thảo đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo ngành thể thao.

Còn nếu đạt chỉ số chuyên môn tương ứng với thực lực thì quá tốt. Cô gái người Hà Nội đã giúp thể thao Việt Nam cũng như Hà Nội đạt cột mốc mới là lần đầu tiên có vận động viên giành ngôi vô địch ở 1 trong 2 môn cơ bản của Olympic là bơi và điền kinh. Quan trọng hơn, Bùi Thị Thu Thảo từng được xem là vận động viên Việt Nam có nhiều cơ hội nhất giành HCV tại ASIAD 2018. 

Khi nhắc đến những vận động viên có thể giúp thể thao Việt Nam hoàn tất mục tiêu giành HCV ở ASIAD 2018 thì cái tên Bùi Thị Thu Thảo luôn được nhắc đến đầu tiên. Vì vậy, khi Bùi Thị Thu Thảo hoàn thành mục tiêu cũng có thể coi như sự đầu tư dành cho cô, niềm tin đặt vào cô của những nhà quản lý, các huấn luyện viên là có cơ sở.

Trước Bùi Thị Thu Thảo, sức ép giành HCV tại ASIAD của Đoàn Thể thao Việt Nam đã được giải tỏa phần nào khi đội rowing giành ngôi vô địch ở nội dung thuyền 4 nữ. Đó là tấm HCV khá bất ngờ với nhiều người nhưng cũng đã được lãnh đạo Đoàn Thể thao Việt Nam tính đến. 

Tất nhiên, cơ hội đăng quang của các cô gái Việt Nam ở nội dung này không nhiều như cơ hội của Bùi Thị Thu Thảo. Nhưng rồi các cô gái rowing Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội để lần đầu đăng quang ở ASIAD. Họ cũng là những người đầu tiên mang về tấm HCV ở nhóm môn Olympic tại đấu trường ASIAD cho thể thao Việt Nam.

Không ngẫu nhiên, sau khi Bùi Thị Thu Thảo giành HCV thứ hai cho thể thao Việt Nam, trưởng đoàn Trần Đức Phấn khẳng định rằng thể thao Việt Nam đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, cùng với 2 tấm HCV ở môn pencak silat, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành 4 HCV để vượt qua chỉ tiêu tối thiểu 3 HCV tại ASIAD 2018. Quan trọng nhất là mục tiêu “kép” đã được thực hiện sau 28 năm tham dự ASIAD. 

Lần gần nhất, thể thao Việt Nam giành 4 HCV tại ASIAD (năm 2002) đều ở các môn không thuộc chương trình thi đấu của Olympic lúc bấy giờ. Còn đến kỳ ASIAD này, khi cũng giành 4 HCV tại ASIAD 2018, trong đó có 2 tấm HCV ở nhóm môn Olympic thì thể thao Việt Nam đã có bước tiến rõ rệt về tầm vóc.

Cho nên, việc xếp hạng 17 trên bảng tổng sắp toàn đoàn cũng không hẳn là vấn đề lớn dù thể thao Việt Nam từng hy vọng sẽ trong nhóm 15 đoàn dẫn đầu tại ASIAD lần này.

Nhìn nhận thẳng thắn, toàn diện

Trong cuộc gặp mặt Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm từ chuyến thi đấu này để phát huy các thế mạnh, giúp thể thao Việt Nam vươn đến tầm cao mới trong tương lai. 

Đấy mới là phần việc quan trọng tiếp theo của những nhà quản lý, các huấn luyện viên và chuyên gia sau ASIAD này. Và rõ ràng, ASIAD 2018 chưa thể khép lại với các nhà quản lý, các huấn luyện viên và chuyên gia. Những cuộc tổng kết, đánh giá thẳng thắn vào lúc này mới là điều quan trọng nhất.

Ngay trong những ngày cuối của ASIAD 2018, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn đã cho rằng, rất cần nghiêm túc đánh giá kỹ hiệu quả của phương thức đầu tư, tập huấn trong đó có việc sử dụng chuyên gia, huấn luyện viên và chọn địa điểm tập huấn dành cho các vận động viên. 

Quá trình thi đấu không thành công của Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Lê Tú Chinh (điền kinh) hay các vận động viên đối kháng ở môn taekwondo (từng mang về 2 HCV ở ASIAD năm 1994 và 1998 cho thể thao Việt Nam) để lại không ít băn khoăn dù không thể trách được các vận động viên. 

Bản thân họ đều muốn làm điều tốt nhất cho thể thao Việt Nam nhưng rồi không thể thực hiện được vì những lý do khác nhau. Như trường hợp của Lê Tú Chinh đi tập huấn tại Mỹ đã để lại không ít lo ngại. Còn thành tích của Nguyễn Thị Ánh Viên từ sau Olympic 2018 đã sa sút dần đều và đến ASIAD 2018 đã không thể tạo ra đột biến. Ngay như Nguyễn Thị Thật (xe đạp) từng được xem là có thể tranh chấp ngôi vô địch nhưng cuối cùng chỉ xếp thứ 5 nội dung đường trường. 

Còn ở môn vật, môn thể thao từng có đô vật Nguyễn Thị Lụa giành Huy chương Bạc tại ASIAD 2010 cũng đã được dự báo ngay từ trước khi dự Đại hội kỳ này rằng sẽ khó giành nổi tấm Huy chương Đồng. Nguyên nhân đến từ việc đội tuyển vẫn gắn bó với một chuyên gia nước ngoài trên chục năm nay và đã “cùn” bài.

Có những nguyên nhân mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Quan trọng nhất là cả nguyên nhân thành công và thất bại đều phải được bày ra để những người làm thể thao có thể nhìn nhận toàn diện về quá trình thi đấu tại kỳ Đại hội thể thao châu lục.


Mong muốn nâng cao tiêu chuẩn

Một trong những mong muốn của những người làm thể thao Việt Nam lúc này chính là việc được nâng chế độ tiền ăn, tiền công tập luyện. Chỉ nhờ vậy mới giúp các huấn luyện viên, vận động viên yên tâm cống hiến cho thể thao Việt Nam. Hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn tất Dự thảo sửa đổi về chế độ tiền ăn, tiền công cho huấn luyện viên, vận động viên. Mức sửa đổi dự kiến không quá đột biến so mức cũ nhưng được hy vọng sẽ tạo thêm động lực cho các huấn luyện viên, vận động viên. (Minh Hà)

Minh Khuê
.
.
.