Nghề áp lực

Chủ Nhật, 02/10/2016, 10:01
Trường hợp huấn luyện viên thể thao bị sa thải hoặc nghỉ việc hay bất ngờ từ chức không hiếm trên thế giới. Mới nhất, bóng đá Anh có trường hợp của huấn luyện viên trưởng Sam Allardyce bị mất việc. Hay ở Việt Nam, người hâm mộ hoàn toàn bất ngờ khi Bruno Jose Garcia Formoso (Tây Ban Nha) chia tay đội futsal của chúng ta dù đã có kết quả rất ấn tượng tại FIFA World Cup futsal 2016 cách đây chưa lâu.

1 Chúng tôi không muốn chia sẻ nhiều về các huấn luyện viên bóng đá. Bởi vì, huấn luyện viên của môn thể thao này luôn chịu áp lực rất lớn trước thành tích đội bóng. Vì thế, câu chuyện họ bị sa thải ở Việt Nam nhiều như cơm bữa.

Ngoài bóng đá, với thể thao Việt Nam, nhiều số phận huấn luyện viên từng khiến người hâm mộ và giới chuyên môn chú ý đáng kể. Không ai là không biết trường hợp huấn luyện viên Phạm Văn Long nổi tiếng của bóng chuyền nữ từng bị Liên đoàn bóng chuyền (VFV) “từ bỏ” mà lý do không thật rõ ràng.

Năm 2015, ông Long bất ngờ không được trao nhiệm vụ làm huấn luyện viên trưởng đội bóng chuyền nữ quốc gia dù mình vẫn đang đảm nhiệm. Lý do ông Long không được tin dùng là khi một lá thư với nhiều ý kiến và chữ ký của các cá nhân đã xuất hiện để khẳng định rằng vị huấn luyện viên này không đủ tư cách làm thầy.

Thực tế, VFV chưa một lần công bố cụ thể rằng điều phản ánh trong lá thư là tác động chính xác hay không. Quyết định vẫn được đưa ra.

Ông Long (hiện đang là huấn luyện viên đội bóng chuyền nữ Thông tin Lienvietposbank) đã không được trọng dụng, bị sa thải đầy ấm ức.

Cũng trong giới bóng chuyền Việt Nam và bất ngờ không khác trường hợp ông Phạm Văn Long, huấn luyện viên kỳ cựu Nguyễn Văn Hải từng bị đội bóng nữ VTV Bình Điền Long An cho nghỉ việc.

Cơ sự xảy đến sau khi ông Hải (khi đó đang là huấn luyện viên trưởng đội bóng) trả lời một trang thông tin trên internet và bày tỏ bức xúc về những nhận định của giới huấn luyện viên với nhau trong chuyên môn. Ngay khi thông tin xuất hiện, ông Hải được xác định làm ảnh hưởng hình ảnh đội bóng nên đã bị cho nghỉ việc từ năm 2016.

Năm 2014, trong quá trình làm mới lại đội tuyển quốc gia, Tổng cục Thể dục-Thể thao và bộ môn karatedo đã quyết định cho huấn luyện viên Lê Công nghỉ, thay bằng người mới. Lúc đó, ông Công đang là huấn luyện viên trưởng karatedo quốc gia. Sự vụ đã khiến những người trong cuộc khó giữ được bình tĩnh với nhau, huấn luyện viên Lê Công cũng có những phản ứng mạnh mẽ. Nhưng quyết định đổi mới là quyết định chung và ông Lê Công đành chấp nhận.

Mọi người không quên ngay đầu năm nay, một đoạn video ngắn được đưa lên phản ánh huấn luyện viên huấn luyện học trò bằng roi vọt.

Ông Bùi Xuân Hà (huấn luyện viên trưởng đội bóng bàn trẻ Việt Nam) đã xác nhận mình là người trong đoạn video đó. Tuy nhiên, những thẩm định và kiểm tra chuyên môn từ nhà quản lý đưa đến kết luận ông Hà không bị kỷ luật. Vị huấn luyện viên này là người khá thẳng tính, được đánh giá tâm huyết với nghề.

Ông từng chia sẻ với quan điểm mình là người thầy, không bao giờ muốn làm đau học trò, nhưng trong thể thao cũng phải có tính kỷ luật.

“Rèn thể thao cũng cần rèn con người và nếu vận động viên không được rèn giũa có thể họ tự mãn và bỏ bê tập luyện. Nếu vì chuyện đó mà tôi bị kỷ luật thì tôi vẫn chấp nhận”, ông Hà từng nói. Tất nhiên, không nhiều ông thầy có cá tính, sẵn sàng nghỉ việc như thế.

Cuối năm 2012, làng bóng bàn rùm beng chuyện Lê Tiến Đạt, Tô Đức Hoàng đã đánh nhau lúc thi đấu quốc tế tại Lào. Huấn luyện viên trực tiếp lúc ấy là ông Lê Xuân Phong đã không thể hiện được uy quản lý của mình. Sự việc chỉ bị phát lộ sau khi báo giới biết và đưa ra. Vì sự cố này, trong các năm sau, ông Phong không còn là ưu tiên số 1 để được lên đội tuyển làm huấn luyện. 

Huấn luyện viên Bruno chấp nhận chia tay futsal Việt Nam trong vinh quang.

2 Những trường hợp cụ thể của làng thể thao Việt Nam trên chỉ là số ít. Tuy nhiên, ngần ấy đủ phản ánh rằng, nghề làm huấn luyện viên luôn chịu áp lực lớn. Bản thân huấn luyện viên Bruno của đội futsal nam đã chủ động bày tỏ ý định xin nghỉ và chủ động thông báo với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) trước khi dự FIFA World Cup futsal 2016 cùng đội tuyển.

Chỉ bất ngờ là quyết định đưa ra quá nhanh khi các thành viên futsal Việt Nam vừa trở về từ Colombia. Áp lực công việc và áp lực thành tích trong futsal với ông Bruno là không nhỏ.

Vị huấn luyện viên người Tây Ban Nha khẳng khái rằng, nếu không dẫn dắt đội futsal Việt Nam, cơ hội được dự một kỳ FIFA World Cup futsal của mình chưa biết bao giờ mới có.

Trong thư gửi VFF khi xin nghỉ, ông Bruno có viết: “Thông qua VFF, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới tất cả các cầu thủ, những người mà tôi có vinh hạnh được làm huấn luyện viên trưởng trong hơn 2 năm qua, cảm ơn sự tham gia của họ với dự án này và cả những cảm xúc mà chúng tôi đã cùng nhau có được. Họ là diễn viên chính. Tôi cũng muốn nói lời cảm ơn với những cầu thủ khác, những người mà tôi đã không gọi vào đội tuyển quốc gia, nhưng với những nỗ lực hàng ngày, họ đã giúp các đồng đội của mình trở nên tốt hơn rất nhiều”...

Huấn luyện viên Hữu Thắng cũng áp lực

Trong các đời huấn luyện viên từng đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên trưởng bóng đá nam Việt Nam, ai cũng phải đến từ “áp lực” khi đang làm việc và cả lúc không tại vị. Hiện tại, huấn luyện viên trưởng của bóng đá nam Việt Nam là ông Hữu Thắng.

Vị huấn luyện viên người Nghệ An cũng chia sẻ nhiều rằng mình chấp nhận chịu được áp lực và người thân gia đình cũng cùng tư tưởng ấy thì mới gật đầu nhận việc do VFF mời thuê.

Thành tích của đội tuyển Việt Nam chính là áp lực của họ. Chiến thắng AFF Cup để giành cúp vàng luôn được đặt ra. Những người gần nhất như huấn luyện viên Phan Thanh Hùng, T.Miura (Nhật Bản) không làm được đều đã bị sa thải.

Ông Thắng có thể cũng sẽ bị “trảm” nếu bất thành với AFF Cup 2016 sắp tới. Người thành công nhất là huấn luyện viên Calisto (Bồ Đào Nha) khi giành vô địch AFF Cup 2008. Tuy nhiên, chính ông này đã nghỉ việc sau khi thất bại với đội tuyển tại AFF Cup 2010. Bóng đá Việt Nam còn đấu trường SEA Games và rất nhiều huấn luyện viên mất việc khi thất bại tại Đại hội này.

Kể cả huấn luyện viên Calisto rồi Falko Goetz hay T.Miura đều không đưa được Việt Nam vô địch SEA Games. Huấn luyện viên Hữu Thắng còn 1 tháng nữa để hoàn tất công tác chuẩn bị cho AFF Cup 2016 và áp lực giờ đang ngày càng nhiều vì người hâm mộ muốn một chiến thắng chứ không phải thất bại.

Nếu tại vị sau năm 2016, ở năm 2017, ông Thắng cũng dự SEA Games 29 với bóng đá trẻ U22.                      

DP

Diệu Phương
.
.
.