Cú sốc thần tượng

Thứ Ba, 08/03/2016, 16:27
Thông tin khiến cả làng banh nỉ thế giới bất ngờ đó là tay vợt Maria Sharapova thừa nhận sử dụng chất cấm trong thi đấu thể thao (doping). VĐV được mệnh danh là “búp bê Nga” này xác nhận mình đã không vượt qua cuộc kiểm tra doping và được thông báo đã sử dụng chất cấm meldonium ở mẫu thử.

Đó là cú sốc với những ai yêu mến Sharapova và quần vợt Nga. VĐV của Việt Nam từng có ngôi sao nổi tiếng dính án doping để rồi không còn giữ được hình ảnh như trước.

Một đi không trở lại

Người mà chúng tôi muốn nhắc tới chính là cựu lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn. Người từng khiến cả thể thao Việt Nam rạng danh tại Olympic 2008 với tấm huy chương bạc hạng cân 56kg này là ngôi sao nổi tiếng nhất đã bị phát hiện sử dụng chất cấm. 

Năm 2010, trước ngày chính thức ra thi đấu môn cử tạ tại ASIAD tổ chức ở Quảng Châu (Trung Quốc), Tuấn nhận thông tin từ liên đoàn cử tạ thế giới đã sử dụng doping và cấm thi đấu. Ước mơ một lần giành huy chương tại ASIAD của lực sĩ này bị bỏ dở vì án cấm được thực thi tức thì. Khi đó, Tuấn phải bỏ cuộc tại ASIAD 2010. 

Những thông tin về sau lý giải rằng Tuấn dùng thuốc cảm trong quá trình tập huấn ở Trung Quốc trước giải thế giới năm đó nên vô tình dính chất cấm. Thực hư không ai xác nhận VĐV chủ đích sử dụng doping hay không nhưng qua thiết bị kiểm tra hiện đại của cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA), mẫu thử đã “dính” thì VĐV bị cấm. 

Án cấm kéo dài hai năm. Sau hai năm đó, Hoàng Anh Tuấn rất nỗ lực tập luyện trở lại thi đấu nhưng bất thành bởi tinh thần và sức lực đã không còn mạnh mẽ như các VĐV trẻ Trần Lê Quốc Toàn, Thạch Kim Tuấn. Từ vị trí VĐV hàng đầu được cả nước nhắc đến, khi bị cấm thi đấu vì mẫu thử có chất cấm, không ai còn nhắc về Tuấn.

Hoàng Anh Tuấn là một VĐV đáng tiếc của Việt Nam. 

Bây giờ, khi chính thức giải nghệ, Hoàng Anh Tuấn đang đảm nhiệm vai trò một huấn luyện viên của môn cử tạ tại Đà Nẵng. Rất may mắn cho lực sĩ này, đơn vị chủ quản đã đảm bảo tốt chế độ cho Tuấn từ khi về đầu quân và cả trong giai đoạn bị cấm thi đấu. Đó là lý do để Hoàng Anh Tuấn vẫn ở lại với Đà Nẵng làm công tác đào tạo VĐV trẻ cũng như hướng tới vai trò quản lý tương lai.

Phải theo sát triệt để

Hai môn thể thao trong quá trình tập luyện, thi đấu gặp nhiều trường hợp VĐV có sử dụng doping nhất là cử tạ và vật. Vì thế, trong nhiều lần đi tập huấn quốc tế, các huấn luyện viên của Việt Nam luôn phải kèm rất sát học trò tránh để VĐV xao nhãng mà mềm lòng dùng thuốc ngoài danh mục quy định.

Huấn luyện viên Huỳnh Hữu Chí của đội cử tạ Việt Nam xác nhận, “trong những đợt tập huấn tại Hungary thì tôi luôn ở cùng học trò. Chỉ bảo học trò dùng thuốc bổ dưỡng và thực phẩm dinh dưỡng được cấp đúng tiêu chuẩn. Vì thế, chúng ta trong sạch nên không lo ngại sau mỗi giải thi đấu vô địch thế giới có VĐV bị trong vòng ngắm doping”. 

Trưởng bộ môn vật (Tổng cục TDTT) – ông Nguyễn Thế Long đã xác nhận, nhiều quốc gia không nghĩ về cuộc sống của VĐV nên gật đầu để họ dùng chất cấm trong thi đấu thể thao để lấy thành tích trước mắt. Sau thi đấu, VĐV là người tự gánh hậu quả chứ không phải ai khác. Do đó, đội vật nữ trong suốt thời gian tập luyện để chuẩn bị thi đấu vòng loại Olympic 2016 thời gian này được quán triệt tinh thần ăn-tập-ngủ-nghỉ khoa học và không sử dụng thuốc không được kiểm tra từ ban huấn luyện.

Trong góc khuất của thể thao, sau thi đấu, nhiều VĐV khi lập gia đình mong mỏi thiên chức làm mẹ. Thế nhưng, không ít trường hợp, vì có sử dụng chất cấm khi còn thi đấu, họ bị ảnh hưởng tác dụng phụ đã rất khó có khả năng sinh con. Nhiều trường hợp rất cụ thể nhưng không tiện nêu tên. 

Trên thực tế, tất cả các giải thể thao trong nước ở Việt Nam vào lúc này đều không có bộ phận kiểm tra doping. Nếu lấy mẫu thử thì mẫu thử đó phải gửi ra nước ngoài kiểm tra (gần nhất là gửi sang Trung Quốc) nên tốn kém vài trăm USD/mẫu. Kinh phí hạn hẹp, tiền thử nhiều nên không ban tổ chức môn thể thao nào muốn làm công tác kiểm tra doping. Ngay giải đấu lớn là V-League của bóng đá Việt Nam, công tác kiểm tra doping vẫn còn rất mơ hồ.

Ý thức hình ảnh

Trong trường hợp của Sharapova (Nga), đã thú nhận mình có sử dụng doping. Trước cô, cua-rơ nổi tiếng Lance Armstrong (Mỹ) cũng thú nhận mình sử dụng chất cấm. 

Từng trường hợp trên, họ phải chịu án phạt đúng theo quy định của Ủy ban Olympic quốc tế và WADA nhưng phải thấy, tất cả sẵn sàng chấp nhận việc hình ảnh bị đi xuống khi nói ra sự thật. Đây là điều mà VĐV thể thao ở ta hay nhiều quốc gia trong khu vực chưa làm được. Khi mẫu thử nghi dính doping và có nghi án dùng chất cấm thì VĐV của chúng ta đều đưa lý do vì sử dụng thuốc không biết nên gặp vấn đề. 

Đành rằng, không ai muốn hình ảnh mình bị tổn hại nhưng với thể thao cần sự minh bạch thì nên sòng phẳng là dám làm dám chịu. Từ nay về sau, thể thao Việt Nam và quốc tế nói chung có thể có VĐV nổi tiếng nào đấy gặp câu chuyện doping nhưng nếu thành thật và công khai rõ ràng thì họ sẽ nhận được sự cảm thông nhiều hơn.

D.P.

Diệu Phương
.
.
.