"Siêu nhân" Nguyễn Thị Oanh: Từ bạo bệnh đến bước chạy phi vật lý

Thứ Năm, 11/05/2023, 18:48

Oanh "Ỉn” đã có thêm vô số biệt danh nổi bật sau chiến tích phi thường tại SEA Games 32. Giờ đây, cô không chỉ là “Nữ hoàng điền kinh”, mà còn được biết đến như một “Siêu nhân”, một “Người không phổi” trên đường chạy cự ly trung bình và dài của Đông Nam Á.

Suýt giã từ sự nghiệp vì bạo bệnh

Ít ai ngờ một cô gái dẻo dai và có sức bền đáng kinh ngạc như từng suýt phải giải nghệ sớm vì bạo bệnh. Năm 2014, khi vừa mới ra mắt SEA Games bằng tấm HCB và được các chuyên gia đánh giá giàu tiềm năng, Nguyễn Thị Oanh bất ngờ phát hiện mình mắc bệnh viêm cầu thận.

anh 1.jpg -0
Nguyễn Thị Oanh phá KLQG và kỷ lục đại hội 10.000m nữ tại ĐHTTTQ 2022.

Ở thời điểm đó, Nguyễn Thị Oanh như chết lặng. Cơ thể phù nề cùng chức năng thận suy giảm khiến cô luôn rơi vào tình trạng mệt mỏi và phải rời xa đường chạy một thời gian dài. Các bác sĩ thậm chí cho rằng Nguyễn Thị Oanh không thể tiếp tục tập luyện thể thao đỉnh cao nếu không muốn bị suy thật.

Nhớ lại khoảnh khắc khó khăn đó, Nguyễn Thị Oanh vẫn chưa hết lo sợ: “Đó là dịp cuối năm 2014. Sau khi thi đấu về, tôi thấy cơ thể có nhiều chỗ sưng tấy, phù nề bất thường. Nhiều người bảo tôi chỉ bị dị ứng bình thường, nhưng tôi cảm thấy bất an và quyết định đi khám chuyên khoa”.

“Đôi lúc tôi vẫn nghĩ về giai đoạn đó. Khi bác sĩ nói tôi mắc bệnh viêm cầu thận, tôi như chết lặng. Suy nghĩ đầu tiên chạy qua đầu tôi là mình sẽ phải giải nghệ, sẽ phải lọc máu… Chỉ nghĩ đến thôi đã thấy sợ”.

May mắn cho Nguyễn Thị Oanh khi cô đi khám chữa kịp thời. Sau 2 tuần nhập viện điều trị tích cực, vận động viên quê Bắc Giang được các bác sĩ cho về nhà điều trị ngoại trú và cho phép tập luyện thể thao với cường độ nhẹ. Mặc dù vậy, cô vẫn phải nghỉ thi đấu gần hết năm 2015 để tập trung chữa bệnh. Ngoài viêm cầu thận, Nguyễn Thị Oanh còn bị teo cơ bắp. Những căn bệnh này không chỉ làm cô suy giảm sức khỏe, mà còn khiến gương mặt cô trở nên xấu xí. Trong suốt một thời gian dài, Nguyễn Thị Oanh thường xuyên đeo khẩu trang và bịt kín mặt mỗi khi ra ngoài vì thế.

Tuy nhiên, tất cả không thể làm chùn bước của Nguyễn Thị Oanh. Sau khi bỏ lỡ SEA Games 2015 tại Singapore, Nguyễn Thị Oanh trở lại tuyển điền kinh quốc gia tập luyện và từng bước trở lại.

Đáng chú ý, đó không phải thử thách lớn duy nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Thị Oanh. Bén duyên với điền kinh vào năm 15 tuổi - độ tuổi bị xem là quá muộn để bắt đầu thể thao đỉnh cao, Nguyễn Thị Oanh suýt bị loại khỏi đội điền kinh tỉnh Bắc Giang vì vóc dáng quá nhỏ bé. Cô chỉ cao 1m53 và nặng chưa đầy 40kg. Chỉ đến khi Oanh “Ỉn” thể hiện nghị lực phi thường trên đường chạy, chạy liên tục hàng nghìn mét không nghỉ, các HLV của Bắc Giang mới đồng ý nhận cô vào đội.

Những bước chạy phi vật lý

Sau khi vượt qua bạo bệnh, Nguyễn Thị Oanh gây tiếng vang lớn ở SEA Games 2017 với cú đúp HCV chạy 1.500m và 5.000m nữ. Sau này, Nguyễn Thị Oanh tiết lộ cô suýt không vượt qua vòng tuyển chọn của tuyển điền kinh Việt Nam để tham dự kỳ đại hội này. Không chỉ vậy, mục tiêu ban đầu của Oanh “Ỉn” là chạy 3.000m vượt chướng ngại vật sở trường nhưng nước chủ nhà Malaysia gạch bỏ nội dung này, khiến cô chuyển sang 2 nội dung khác và giành chiến thắng trong sự ngỡ ngàng của chính các HLV và đồng đội.

Đó có thể xem là bước ngoặt của Nguyễn Thị Oanh, giúp cô thăng hoa như bây giờ. Tại SEA Games 2019, cô lần đầu tiên lập “hat-trick HCV” 1.500m, 5.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật. Các chuyên gia cho rằng đây là những nội dung khó bậc nhất của điền kinh, nhưng Nguyễn Thị Oanh vẫn chinh phục cả ba khiến bạn bè trong khu vực nể phục.

Tiếp đến SEA Games 2021 trên sân nhà Việt Nam, Oanh “Ỉn” không bỏ lỡ thời cơ để bảo vệ thành công HCV ở cả ba nội dung nói trên. Tại SEA Games 32, vận động viên 28 tuổi này tăng độ khó bản thân bằng cách đăng ký thêm nội dung chạy 1.000m nữ. Và trên đường hướng đến kỷ lục 4 HCV trong một kỳ Đại hội, Nguyễn Thị Oanh lại khiến tất cả nhắc về mình với những mỹ từ đẹp nhất.

anh 2.jpg -0
Nguyễn Thị Oanh bỏ xa các đối thủ dù phải thi đấu liên tục trong ít phút.

Trên đường chạy tại Campuchia, Nguyễn Thị Oanh đã tạo nên một kỳ tích có một không hai trong lịch sử điền kinh, không chỉ của SEA Games mà của cả thế giới: Đoạt 2 HCV liên tiếp ở các nội dung chạy 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong vòng 20 phút. Khả năng hồi phục nhanh chóng và sức bền hoàn hảo giúp Nguyễn Thị Oanh thể hiện “uy quyền” trên đường đua. Cô thậm chí bỏ xa các đối thủ trong cả 2 nội dung này và tạo nên chiến thắng tuyệt đối về mọi mặt.

Không ít người cho rằng đây là kỳ tích “phi vật lý”. Giải điền kinh thế giới và châu lục quy định các cự ly ngắn (100m, 200m) diễn ra cách nhau ít nhất 45 phút, còn cự ly trung bình (800m, 1.500m), dài (5.000m, 10.000m) hay trung bình dài (3.000m vượt chướng ngại vật) cách nhau ít nhất 12 giờ. Lịch thi đấu Olympic và ASIAD được ấn định trước 2 năm, còn giải vô địch thế giới là 6 tháng. Duy nhất SEA Games chốt lịch chạy vào sáng ngày thi đấu và xếp các nội dung gần nhau như vậy.

Nhưng cũng chính nhờ sự phi lý đó, chiến thắng của Nguyễn Thị Oanh càng trở nên nổi bật hơn. Cô đã và đang trở thành niềm cảm hứng tuyệt vời cho các vận động viên khác của Việt Nam noi theo.

Nguyễn Thị Oanh dùng chiến thuật núp gió để tạo kỳ tích

Ngay sau khi biết lịch thi đấu từ ban tổ chức SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh và HLV Trần Văn Sỹ đã họp bàn chiến thuật. Việc khiếu nại hay than phiền trở nên vô nghĩa vì giờ thi đấu đã gần kề. Hơn ai hết, HLV Trần Văn Sỹ hiểu rằng đã tham dự SEA Games là phải chấp nhận luật chơi của nước chủ nhà. Cách duy nhất để ông và học trò đối phó với bất cập là tìm ra đối sách phù hợp đảm bảo chiến thắng ở cả 2 nội dung.

Nguyễn Thị Oanh vốn “vô đối” ở cự ly 1.500m. Hơn nữa, đây là cự ly trung bình ngắn, các vận động viên có thể tăng tốc ngay từ đầu để chiếm lợi thế. Sau khi bàn bạc, Nguyễn Thị Oanh được yêu cầu bứt tốc ngay từ đầu và thả lỏng cơ thể khi tạo ra khoảng cách an toàn với phần còn lại, qua đó giữ sức cho nội dung tiếp theo.

Vận động viên quê Bắc Giang thực hiện đúng chiến thuật này. Sau 800m, cô bứt lên dẫn dầu. Sau 1200m, cô bỏ xa các đối thủ khoảng 100m và không cần chạy nước rút về đích. Chiến thuật này khiến thành tích của Nguyễn Thị Oanh kém xa so với chính cô ở SEA Games 31 (kém 1 giây 87), nhưng giúp cô không cạn kiệt hoàn toàn sức lực khi về đích.

Nhờ vậy, chỉ với hơn 10 phút chuẩn bị, báo danh và chỉ kịp thời xoa bóp nhẹ, Nguyễn Thị Oanh đã tiếp tục vô địch nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Ở nội dung này, vận động viên 28 tuổi tiếp tục tuân thủ chặt chẽ chiến thuật của HLV. Cô “núp gió” trong suốt 6 vòng sân đầu tiên (2.400m) trước khi bứt tốc vượt lên và khiến ngôi sao của Phillippines, Joida Gagnao không kịp phản ứng. Một lần nữa, kết quả của Nguyễn Thị Oanh kém xa kỷ lục cô thiết lập ở SEA Games 31 đến 42 giây. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng khi Oanh “Ỉn” giành cú đúp HCV chỉ trong vòng 30 phút (bao gồm cả thời gian thi đấu).

An Khánh
.
.
.