Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Ucraina
Hiện, Ucraina mới có 27 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 30,1 triệu USD, đứng thứ 67 trên tổng số 138 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Các dự án tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoa học công nghệ.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 6 dự án tại Ucraina với tổng vốn đầu tư 4 triệu USD, phần lớn do doanh nghiệp Việt Nam sinh sống, làm ăn tại Ucraina đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, bao bì, nhà hàng...
Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế, Thương mại và Nông nghiệp Ucraina Taras Kachka cho biết, cho đến nay, dư địa hợp tác hai bên rất lớn, nhất là trên các lĩnh vực công nghiệp, hàng không, sản xuất ô tô, dụng cụ khai thác khoáng sản; dược phẩm, nông nghiệp. Trên cơ sở kết quả hợp tác, mối quan hệ chính trị, kinh tế tốt đẹp của hai nước, hiện Ucraina đang rất quan tâm và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về nhiều lĩnh vực, trong đó mong muốn sớm thiết lập khuôn khổ hợp tác trong kiểm soát chất lượng của dược phẩm, tìm kiếm cơ hội mới để hợp tác về lĩnh vực này với Việt Nam.
Cụ thể, về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên thống nhất trao đổi thông tin về chính sách thương mại; thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước nhằm triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư, cũng như tìm kiếm khả năng hợp tác mới. Về hợp tác công nghiệp, hai bên thống nhất kế hoạch thành lập Ngôi nhà Ucraina ở Việt Nam và Ngôi nhà Việt Nam tại Ucraina để giới thiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam cũng như Ucraina tại thị trường của nhau.
Đặc biệt, hai bên quan tâm đến xử lý da của Ucraina, trong đó có công nghệ da chống thấm nước có khả năng sử dụng trong nghiệp quốc phòng và công nghiệp da khác. Trong lĩnh vực chế biến khoáng sản, phía Việt Nam đề nghị xem xét hợp tác trong việc nghiên cứu công nghệ chế biến sa khoáng ven biển, sản xuất pigment TiO2, bột titan kim loại và các sản phẩm đi từ bột titan kim loại chất lượng cao.
Theo đó, hai bên đề nghị Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Titan Ucraina trao đổi việc sử dụng phương pháp clor để chế biến quặng Ilmenit. Đồng thời, hai bên thống nhất khai thác khả năng để triển khai nâng cao hiệu quả chế biến quạng bô-xit Tây Nguyên và tái chế bùn đỏ và chiết xuất các thành phần giá trị từ bùn đỏ.