Không để dịch tiếp tục “tấn công” bệnh viện

Chủ Nhật, 16/05/2021, 08:33
Ngày 15/5, Việt Nam ghi nhận ca bệnh COVID-19 tử vong đầu tiên của đợt dịch thứ 4 kể sau dịch bùng phát tại Đà Nẵng vào tháng 8/2020. Đợt dịch thứ 4 được đánh giá nguy hiểm nhất từ trước tới nay, với tốc độ nhanh hơn, phạm vi lây lan rộng hơn, biến chủng virus nguy hiểm hơn, nhiều bệnh viện tuyến cuối bị tấn công hơn.


Theo các chuyên gia, dịch lần này tấn công vào bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối, nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh nhân ung thư mắc COVID-19, nguy cơ bệnh tiến triển nặng  sẽ cao hơn.

Hơn 40 bệnh nhân nặng đang phải cấp cứu

Kể từ khi đợt dịch thứ nhất đến nay, chưa khi nào Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lại phải huy động nhiều bác sĩ đến vậy để cấp cứu, giành giật sự sống cho những bệnh nhân COVID-19 nặng. Đêm 14 ngày 15/5 là một đêm vất vả của ekip hồi sức tích cực khi tại đây có 2 bệnh nhân phải chạy ECMO - hệ thống tim phổi nhân tạo và hàng chục bệnh nhân phải thở máy, thở oxy gọng kính. Các bác sĩ giành giật từng giây, từng phút để cứu bệnh nhân.

Nặng nhất là bệnh nhân nữ (BN3.893), 89 tuổi, được đưa đến bệnh viện vào ngày 13/5 với chẩn đoán viêm phổi nặng do COVID-19, suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2, tăng huyết áp nhiều năm, xẹp đốt sống thắt lưng (đã phẫu thuật bơm xi măng ngày 6/4). Nữ bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục, dẫn lưu khí màng phổi kháng sinh, kháng virus và ECMO.

Các cán bộ của CDC Bắc Ninh xét nghiệm xuyên đêm để sớm khoanh vùng ổ dịch.

Sau 2 ngày điều trị hồi sức tích cực, sử dụng tất cả các biện pháp cấp cứu hiện đại nhất nhưng bệnh nhân đã tử vong ngày 15/5 với chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi nặng do SARS- CoV-2, tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền sử xẹp đốt sống thắt lưng đã phẫu thuật. Theo Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đây là ca bệnh COVID-19 tử vong thứ 36 tại Việt Nam. 

Theo Tiểu ban điều trị, Việt Nam đang điều trị cho 1.121 bệnh nhân COVID-19 tại 53 cơ sở y tế từ tuyến huyện, tỉnh đến trung ương, bệnh viện dã chiến, trong số này có 46 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng và rất nặng.

Hiện có 2 bệnh nhân đang được can thiệp ECMO, một trường hợp điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung và một tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, có 9 trường hợp khác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang thở máy xâm nhập, 4 người được sử dụng phương pháp thở không xâm nhập và 23 bệnh nhân dùng oxy gọng kính.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện đang tiếp nhận nhiều bệnh nhân COVID-19 nhất cả nước với trên 330 bệnh nhân. Trong số này có 73% bệnh nhân diễn tiến ổn định, không thay đổi, 13 ca tiên lượng rất nặng, trong đó có 1 ca đang phải thở ECMO là BN3.019, nam, SN 1967, quê ở Thái Bình.

Theo ghi nhận của Tiểu ban Điều trị, khoảng 60% bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam hiện nay không có triệu chứng của COVID-19. Trước diễn biến tăng nặng của bệnh nhân COVID-19, trong tuần qua, Tiểu ban Điều trị và các chuyên gia đầu ngành đã 2 lần tiến hành hội chẩn quốc gia trực tuyến để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu cho một số trường hợp bệnh nhân rất nặng.

Phải bảo vệ vững chắc “thành trì chống dịch”

Điều nguy hiểm trong đợt dịch này chính là dịch tấn công thẳng vào các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện tuyến cuối, nơi được coi là “thành trì chống dịch” và cũng là nơi COVID-19 dễ lây lan ra nhiều địa phương khác.

Trong những ngày qua, số lượng bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viên K mắc COVID-19 tăng lên. Các bệnh nhân này đều là những bệnh nhân có bệnh nền nặng, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân đang điều trị bệnh truyền nhiễm như viêm gan… Khi họ mắc thêm COVID-19 thì nguy cơ tặng nặng, rất nặng là cao.

Ngày 14/5, tại Bệnh viện Phổi Trung ương cũng ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 đều là bác sĩ của Phòng Chỉ đạo chương trình.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh viện vẫn giữ được an toàn do Phòng Chỉ đạo Chương trình làm việc tương đối độc lập với khối khám chữa bệnh, có làm việc online và bác sĩ mắc COVID-19 trước đó đã có ý thức chỉ đến bệnh viện khi cần thiết, vì vậy diện tiếp xúc trong bệnh viện giới hạn trong khu vực phòng, ban hành chính. "Vì vậy, với mô hình sàng lọc 3 lớp xét nghiệm Xpert của bệnh viện vẫn đảm bảo an toàn của khối điều trị", GS Nhung cho hay.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến Trung ương (tuyến cuối) cao hơn rất nhiều địa phương vì bệnh viện Trung ương là nơi đón tiếp các bệnh nhân từ các địa phương chuyển lên. Đợt dịch này đã tràn vào nhiều cơ sở y tế, trong đó có 2 bệnh viện tuyển cuối phải cách ly đóng cửa. Từ ổ dịch trong bệnh viện, nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều ca bệnh.

Hiện Bộ Y tế đã có nhiều phương án cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, như việc sẽ tiếp tục mở rộng các bệnh viện khác ở Hà Nội để điều trị các bệnh nhân COVID-19; chuyển bớt bệnh nhân điều trị nội trú, bệnh nhân COVID-19 đã có xét nghiêm âm tính lần 1, 2 sang các cơ sở y tế khác như Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, hay một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, nhằm giảm tải nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, trước và trong đợt dịch lần này, Bộ Y tế luôn có các khuyến cáo với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc làm xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho nhân viên y tế, bệnh nhân, nhất là ở các khoa bệnh nặng như truyền nhiễm, hô hấp, hồi sức, thận nhân tạo…

Bệnh viện được khuyến cáo giảm bớt người bệnh, bệnh nhân sau khi xét nghiệm âm tính sẽ chuyển sang bệnh viện có cùng chuyên khoa, chuyên ngành của tỉnh hoặc của địa phương. Thực hiện giãn cách đối với tất cả người nuôi bệnh, tuyệt đối hạn chế người thăm bệnh. Đội ngũ y, bác sĩ thì phải tăng cường trách nhiệm sàng lọc, đảm bảo an toàn phục vụ người bệnh. Đặc biệt là các bệnh viện, phòng khám tư nhân, luôn phải nêu cao cảnh giác khi có người ho, sốt tới khám để không bỏ lọt ca bệnh.

Bệnh cạnh đó, tại các địa phương cũng cần tăng cường trách nhiệm đảm bảo an toàn COVID-19 cho các cơ sở y tế. Nếu cơ sở y tế nào kể cả công lập hoặc tư nhân không đáp ứng an toàn COVID-19, không tuân thủ phòng chống dịch thì lập tức cho dừng ngay hoạt động. Không để xảy ra trường hợp FO đến khám nhưng không phát hiện, bỏ lọt ca bệnh. Tương tự áp dụng với các cơ sở sản xuất, trường học, giao thông… căn cứ trên các tiêu chí, khuyến cáo về phòng, chống dịch COVID-19 mà Bộ Y tế đã ban hành.

Hà Nội yêu cầu các bệnh viện không được từ chối ca nghi mắc COVID-19: Sự việc Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc ở 216 Trần Duy Hưng từ chối bệnh nhân COVID-19 là vợ của Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội đã gây xôn xao dư luận. Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Y khoa và Thẩm mỹ Thu Cúc (đơn vị chủ quản của phòng khám này) số tiền 20 triệu đồng với 2 hành vi: Không tư vấn các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh; Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế khi phát hiện người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Sở Y tế Hà Nội có công văn hỏa tốc, yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn đặt cảnh báo phòng, chống dịch ở mức cao nhất, không từ chối tiếp nhận bệnh nhân đi từ vùng dịch, ca nghi mắc. Đồng thời, tổ chức vùng đệm (khu cách ly tạm thời) để quản lý người bệnh đi từ vùng dịch, ca bệnh nghi ngờ trong lúc chờ kết quả xét nghiệm. Bệnh viện, phòng khám trên địa bàn phải tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện phòng, chống dịch tại các khoa, phòng, bộ phận; đặc biệt lưu ý khu cách ly tiếp nhận các ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh dương tính phải được kiểm soát chặt chẽ; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo. Các cơ sở cũng cần thường xuyên đánh giá việc thực hiện "bệnh viện, phòng khám an toàn" phòng chống dịch COVID-19, cập nhật báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Y tế và báo cáo Sở Y tế 1 lần/tháng. (T.H)

Trần Hằng
.
.
.