Chống xuống cấp di tích sau bão lũ
- Cần đảm bảo tính khoa học, chuẩn xác khi tu bổ di tích đàn Nam Giao
- Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh
- Khai quật khảo cổ phải kết hợp với bảo tồn di tích bãi cọc chiến thắng Bạch Đằng
Quần thể di tích Cố đô Huế có 29 điểm di tích nằm ở TP Huế và các huyện, thị xã thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế với gần 500 hạng mục công trình. Trong đợt mưa lũ vừa qua, tại khu di sản Huế, nước lũ sông Hương dâng cao gây ngập lụt các điểm di tích như Lầu Tàng Thơ, Cung An Định, Nghinh Lương Đình, cổng Ngọ Môn và các khu vực cổng dẫn vào Hoàng Cung. Một số vùng đệm di tích lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị cũng bị ngập lũ nặng, điện Thái Hòa bị sạt một góc mái.
Điều đáng nói, phần lớn các công trình thuộc di sản Huế có kết cấu chính bằng gỗ và vôi vữa. Dưới tác động của thời tiết, đặc biệt là mưa lũ kéo dài trong thời gian qua đã khiến các công trình bị xuống cấp.
Ông Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế cho biết, thời tiết mưa bão ngày càng cực đoan là thách thức lớn đối với các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và những người làm công tác quản lý, bảo tồn di tích. Vì thế, ngay trước mùa mưa lũ, Trung tâm đã có đánh giá kỹ lưỡng tình hình, xây dựng các phương án phòng, chống bão lũ khoa học, hợp lý, đồng thời cắt cử lực lượng túc trực 24/24h nhằm theo dõi tình hình để thông báo và xử lý kịp thời tình huống khi có sự cố xảy ra.
Đối với những công trình di tích cũ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn trong mưa bão thì đơn vị tiến hành chằng chống mái, cột và các vị trí xung yếu. Sau mưa lũ, trung tâm đã huy động nhân lực tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả. Hiện các điểm di tích đều đã được dọn dẹp sạch sẽ và đón du khách tham quan trở lại.
Nước lũ sông Hương gây ngập tại Quần thể di tích Cố đô Huế. |
Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung, đối với việc thi công các công trình ở các điểm di tích, đơn vị đặc biệt quan tâm đến sự an toàn cho di sản, công trình và con người tại các công trình. Đơn vị thành lập các tổ phòng, chống bão lũ tại các công trường nhằm chuẩn bị các phương án và lường trước những mối nguy hại với di sản để đề ra giải pháp ứng phó.
Đối với các công trình kiến trúc gỗ trong Quần thể di tích Cố đô Huế có liên kết mộng, liên kết giằng rất yếu thì khi thi công đơn vị đưa vào các biện pháp kỹ thuật để tăng khả năng chống chịu với mưa bão của công trình; đồng thời tiến hành giằng chống, che chắn tránh tình trạng sập đổ di tích, đảm bảo an toàn cho di sản cũng như con người.
Tìm hiểu được biết, phần lớn các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được xây dựng bằng gỗ lợp mái ngói. Vào mùa mưa, tải trọng mái của di tích có thể tăng thêm 15-20%, môi trường độ ẩm cao tác động xấu đến các cấu kiện gỗ, tăng khả năng nấm mốc, mối mọt, dẫn đến hiện tượng nứt gãy, tụt ngói.
Đối với các công trình xuống cấp, kết cấu yếu, Trung tâm BTDT Cố đô Huế sẽ tiến hành gia cố, chằng chống, néo đỡ. Những công trình này sẽ được Trung tâm tu bổ, tôn tạo từ nguồn vốn ngân sách hoặc thông qua kêu gọi xã hội hóa, hợp tác với đối tác quốc tế.
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho hay, hiện Trung tâm có 11 dự án trùng tu, bảo tồn di tích với nhiều hạng mục khác nhau. Trước khi có thông báo mưa lớn, trung tâm đã chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị thi công thực hiện che chắn, có phương án bảo vệ công trình di tích đang trùng tu cũng như các điểm di tích khác nên di tích bị ảnh hưởng không đáng kể. Tuy nhiên, việc ngâm nước lũ lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ di tích.