Chính phủ Pháp lúng túng trước các vụ bạo lực của cảnh sát
Tại thủ đô Paris đã xảy ra một số vụ bạo lực, đập phá, và đụng độ đã nổ ra giữa người biểu tình với lực lượng cảnh sát ở quảng trường Bastille. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Pháp, có 62 cảnh sát và Hiến binh đã bị thương khi làm nhiệm vụ. Cảnh sát đã tạm giữ 81 người.
Những hình ảnh xấu xí làm chấn động dư luận
Suốt tuần qua, cảnh sát Paris phải đối mặt với những lời chỉ trích sau khi những bức ảnh và đoạn video được lan truyền khắp mạng xã hội cho thấy thay vì bảo vệ dân chúng, cảnh sát lại thẳng tay đánh người biểu tình và người khộng đeo khẩu trang.
Trong lúc vụ một nhà báo bị tạm giam trong đêm 24-11 khi đi làm phóng sự về một cuộc biểu tình chống hạn chế quyền tự do báo chí chưa dứt, thì đến lượt hình ảnh người nhập cư bị cảnh sát đánh đập trong chiến dịch tháo dỡ lều trại của những con người khốn khổ này ở Quảng trường Cộng Hòa trong đêm 23-11 khiến dư luận càng phẫn nộ.
Trong khi Chính phủ chưa dập tắt được các "đám cháy" này thì đã bị lôi vào vòng xoáy của một vụ tai tiếng thứ ba khi ngày 26-11, một đoạn video ghi lại cảnh bốn cảnh sát da trắng bao vây, đánh hội đồng Michel Zecler, 41 tuổi, một người da đen, người rất nổi tiếng trong giới nhạc hip-hop tại Pháp, ngay trước phòng thu ở quận 17, sau khi chất vấn người này về việc không đeo khẩu trang. Người thứ tư là cảnh sát được gọi tăng viện và đã ném lựu đạn cay vào phòng thu âm của nạn nhân. Theo lời khai của nạn nhân tại Tổng thanh tra Cảnh sát Quốc gia Pháp (IGPN), ba cảnh sát này còn có những lời thóa mạ phân biệt chủng tộc, nhiều lần gọi nạn nhân là "tên da đen bẩn thỉu" và liên tục đánh đấm trong khoảng 5 phút. Video quay lại sự việc đã được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội và gây xôn xao khắp châu Âu. Bởi hình ảnh Zecler bị đánh khiến công luận liên tưởng đến vụ người Mỹ da đen George Floyd bị ghì cổ đến chết ở Minneapolis hồi tháng 5-2020.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 27-11 cho biết vụ việc cảnh sát Paris đánh đập một nhà sản xuất âm nhạc người gốc Phi là điều đáng xấu hổ đối với nước Pháp, và chính phủ sẽ phải tìm cách khôi phục lại niềm tin từ người dân.
"Hình ảnh mà chúng ta thấy về vụ hành hung ông Michel Zecler là không thể chấp nhận được, chúng thật đáng xấu hổ. Nước Pháp không bao giờ được phép xảy ra bạo lực với bất cứ ai. Chúng ta không được dung túng cho sự căm ghét và phân biệt chủng tộc. Những người thực thi và bảo vệ luật pháp cũng phải biết tôn trọng luật pháp", ông Macron viết trên trang Facebook của mình.
Ô tô bị đốt cháy trong cuộc biểu tình phản đối Dự luật "An ninh toàn diện" ở Paris ngày 28-11-2020. |
Giới thể thao cũng lên tiếng phản đối
Ngoài 3 vụ việc trên, một lý do khiến người dân tuần hành là để phản đối điều khoản 24 của Dự luật "An ninh toàn diện" cấm ghi hình cảnh sát đang thi hành công vụ với ý đồ xấu. Người vi phạm có thể lĩnh án một năm tù và bị phạt 53.000 USD. Quy định này đã bị công luận Pháp coi là hạn chế quyền tự do ngôn luận, xâm phạm luật tự do báo chí nước Pháp có từ năm 1881 và làm dấy lên sự bất bình trong xã hội.
Không chỉ có chính giới hay các nhà bảo vệ nhân quyền rúng động trước những vụ bạo hành liên tiếp của cảnh sát Pháp. Giới thể thao Pháp, đặc biệt là những ngôi sao bóng đá cũng đã lên tiếng.
Kylian Mbappé, tiền đạo đội tuyển quốc gia Pháp và ngôi sao sáng của Paris Saint Germain, trên mạng Intagram, lên án một vụ bạo hành "không thể chấp nhận được", trước khi kết luận "Nước Pháp của tôi có những giá trị và nguyên tắc và luật lệ. Phải chấm dứt nạn kỳ thị". Trước đó một gương mặt quen thuộc khác trong làng bóng thế giới là Antoine Griezmann viết trên Twitter rằng "Đau đớn cho nước Pháp của tôi". Vô địch bóng đá thế giới 2018, cầu thủ Samuel Umtiti, chia sẻ đoạn video cho thấy một nhà sản xuất nhạc da đen bị cảnh sát thẳng tay đánh đập bên dưới là hàng chữ "Con người có thể có những hành động phi nhân bản".
Còn ngôi sao bóng rổ Pháp Rudy Gobert, chơi trong giải quốc gia nhà nghề NBA của Mỹ, cho rằng báo giới phải được tự do tác nghiệp, được quyền thu hình cảnh sát khi họ thi hành công vụ để "có những hình ảnh tốt đẹp về những người làm việc tốt". Ngược lại những kẻ ném đá giấu tay, cho dù là cảnh sát, cũng không thể đứng trên pháp luật.
Giới phân tích cho rằng, tới nay rất ít ngôi sao trong làng thể thao Pháp lên tiếng về nạn kỳ thị hay những bất công xã hội. Lần này việc những tên tuổi hàng đầu dấn thân là một dấu hiệu cho thấy "tương tự như ở Mỹ, những chủ đề liên quan đến xã hội không còn là điều cấm kỵ".
Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 27-11 thông báo sẽ thành lập ủy ban soạn thảo lại điều 24, song rút quyết định sau khi các nhà lập pháp phản đối. Ủy ban này dự kiến đưa ra đề xuất mới về quan hệ giữa truyền thông và cảnh sát vào đầu năm 2021.