Cơ hội tốt giảm căng thẳng quan hệ Trung Quốc – Australia

Thứ Năm, 26/11/2020, 10:47
Trong bối cảnh Trung Quốc và Australia liên tiếp đưa ra những đòn trả đũa thương mại trong thời gian vừa qua, liệu dịp “kỉ niệm 5 tuổi” Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc - Australia (ChAFTA) trong tháng 12 tới có thể là cơ hội tốt giúp xuống thang căng thẳng?


Tương lai nào cho Hiệp định ChAFTA?

Theo tờ SCMP, trong bối cảnh hai bên chuẩn bị nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Hiệp định ChAFTA vào tháng sau, quan hệ chính trị Australia - Trung Quốc lại xấu đi khi xung đột về chiến lược ngày càng gia tăng, cùng với đó là những cáo buộc can thiệp của Trung Quốc vào các vấn đề của Australia. 

Đặc biệt, cuộc tấn công của dịch bệnh COVID-19 dường như đã đánh trúng “lãnh địa yên ả” nhất trong mối quan hệ Canberra và Bắc Kinh, làm thay đổi bản chất mối quan hệ này. 

Nhất là sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của COVID-19, trong khi Trung Quốc phản đối điều này, đồng thời coi đây như một hành động khiêu khích, phản bội, đổ thêm dầu vào lửa.

Dư luận chờ đợi xuống thang căng thẳng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Australia vẫn. Ảnh: Reuters

Dù cho căng thẳng hai bên leo thang trong suốt nhiều tháng trở lại đây, các chuyên gia vẫn bày tỏ hy vọng về một sự hòa giải và nhận thấy hai nước đang thể hiện những sự quan tâm nhất định để hướng tới duy trì mối quan hệ thương mại tự do thông qua việc tham dự các cuộc họp đa phương trong thời gian qua. 

“Tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trực tuyến ngày 20/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo sẽ xem xét nghiêm túc việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với Australia là một trong những thành viên quan trọng. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn quan tâm đến việc kết nối với Australia”, chuyên gia về ChAFTA Jeanne Huang của Đại học Sydney cho biết. 

Tuy nhiên, chuyên gia Huang nhận định, việc tồn tại các thỏa thuận thương mại tự do đa phương lớn hơn như CPTPP hoặc thậm chí là RCEP - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực mới được ký kết hôm 15/11 vừa qua có thể khiến Trung Quốc hoặc Australia sử dụng các thỏa thuận này để thay thế ChAFTA. 

Theo bà Huang, trước khi được ký kết và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2015, ChAFTA đã phải trải qua quá trình 10 năm đàm phán, nhưng vì RCEP vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, nên sẽ rất bất ngờ nếu một trong hai quốc gia quyết định chấm dứt hiệp định này. 

Vài thập kỷ qua, Trung Quốc có xu hướng không chấm dứt các thỏa thuận mà không thiết lập thỏa thuận mới trước, trong khi việc chấm dứt các thỏa thuận là điều chưa từng xảy ra đối với Australia.

“Việc cuộc họp đánh giá 5 năm thực hiện ChAFTA có được tổ chức hay không phụ thuộc vào ý chí chính trị, giống như bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào… Vấn đề mà chúng ta đang đối mặt không phải là cuộc họp có được tổ chức hay không, mà là làm thế nào để ngăn chặn các bên rút lui khỏi các cam kết hiện tại một cách trực tiếp hoặc gián tiếp”, luật sư kinh tế Weihuan Zhou thuộc Trung tâm Herbert Smith Freehills, Đại học New South Wales cho biết. 

Về phần mình, Phó giáo sư Luật Henry Gao thuộc Đại học Quản lý Singapore nhận định rằng Trung Quốc và Australia sẽ không chấm dứt ChAFTA, và kết quả “có khả năng xảy ra nhất” là cả hai quốc gia sẽ giữ nguyên hiện trạng của hiệp định này. Tuy nhiên, nếu một trong hai bên muốn chấm dứt thỏa thuận, tất cả những gì họ cần làm là đưa ra thông báo trước sáu tháng vào bất kỳ lúc nào, chứ không nhất thiết phải đúng vào dịp đánh giá 5 năm.

Hòa giải chính trị

Xét về quan hệ thương mại, Australia và Trung Quốc vẫn có những bước phát triển tích cực trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, về quan hệ chính trị, hai nước ở trạng thái “băng giá” trong khoảng thời gian đó khi xung đột về chiến lược ngày càng gia tăng. Không những xuất hiện hàng loạt mâu thuẫn song phương, là một đồng minh thân thiết của Mỹ, Canberra cũng luôn đứng về phía Washington trong nhiều vấn đề để chống lại Bắc Kinh, đỉnh điểm là trong vấn đề kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19.

Vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra một cuộc tấn công bất thường nhằm vào Chính phủ Australia, với danh sách 14 lĩnh vực bất đồng “đầu độc quan hệ song phương” trong một tài liệu mà được Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra gửi tới các tờ báo lớn ở Australia. 

Tài liệu này nói rằng Australia đã chặn hoạt động đầu tư của Trung Quốc một cách không công bằng, truyền bá những thông tin sai lệch về nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19... 

Đáp lại những thông tin này, Chính phủ Australia khẳng định các khiếu nại được liệt kê là không hợp lý và xuyên tạc lập trường của Australia. Chính phủ Australia cho rằng có những lý do hợp lý về an ninh quốc gia khi đưa ra quyết định ngăn chặn Tập đoàn Công nghệ Huawei (Trung Quốc) và chặn một số khoản đầu tư từ Trung Quốc, đồng thời khẳng định việc Australia thúc đẩy cuộc điều tra độc lập về sự bùng phát COVID-19 là chính đáng. 

Australia khẳng định nước này hoàn toàn có quyền công khai bày tỏ lo ngại về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Đồng thời, Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng lên tiếng khẳng định Chính phủ nước này sẽ không nhân nhượng để thay đổi các luật đầu tư nước ngoài hoặc chống can thiệp nước ngoài.

Hiện rất ít chính trị gia tại Canberra tin tưởng quan hệ hai nước sẽ có tương lai tươi sáng trong ngắn hạn. Căng thẳng thương mại ngày càng khiến cho Australia nhận ra, quá rủi ro khi có mối quan hệ gắn chặt với nền kinh tế Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh càng cố dùng thương mại làm vũ khí gây sức ép, trừng phạt thương mại đơn phương thì sẽ càng có ít tiếng nói ở Australia kêu gọi làm lành.

Việc đối diện với xung đột là điều không thể tránh khỏi. Do đó, căng thẳng thương mại Australia - Trung Quốc nếu muốn tháo gỡ thì cần phải có những bước đệm hòa giải chính trị. Hơn thế, cả Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác an ninh và kinh tế quan trọng nhất của Australia. 

Việc Australia sẽ tiếp tục đóng vai trò này trong tương lai ra sao, trong bối cảnh các nghi ngờ chiến lược giữa hai “kỳ phùng địch thủ” Trung - Mỹ ngày càng không thấy hồi kết, sẽ là câu trả lời cho bức tranh thương mại Australia - Trung Quốc.

Cao Trung (Tổng hợp)
.
.
.