Triển khai thực hiện tốt việc thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Thứ Tư, 11/11/2020, 09:39
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tình trạng người dân sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép diễn ra khá phức tạp, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhiều người dân vẫn chưa từ bỏ thói quen sử dụng súng săn, súng tự chế để săn bắn; dùng thuốc nổ để phá đá, đào giếng… Nghiêm trọng hơn, một số đối tượng đã sử dụng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến giết người hoặc gây thương tích nghiêm trọng.

Ngoài ra, nhiều vụ việc mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ được các đối tượng thực hiện giao dịch trên mạng Internet rồi chuyển gửi ngụy trang qua đường bưu phẩm, thư báo, dịch vụ chuyển phát nhanh để đối phó với cơ quan chức năng. Tình trạng này khiến cho tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn thêm nhiều yếu tố phức tạp.

Ngay sau khi Bộ Công an ban hành kế hoạch về “Tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng Công an các xã, các già làng, trưởng buôn, người uy tín tổ chức gần 600 buổi tuyên truyền, giáo dục, vận động cho trên 23.000 lượt người dân ở các thôn, buôn, tổ dân phố, vận động cá biệt hơn 700 trường hợp để mọi người hiểu và nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật và mối nguy, hiểm họa, hậu quả nặng nề từ hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Công an huyện Cư Mgar bắt một vụ sản xuất vũ khí tự chế.

Một số đơn vị đã có cách làm hay nên được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, điển hình như: Công an huyện Cư Mgar đến từng nhà dân để vận động giao nộp; Công an phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột đổi mũ bảo hiểm cho dân để thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Từ đó, người dân tự nguyện giao nộp và tích cực phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng những trường hợp vi phạm để kịp thời xử lý. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được giao, cấp vũ khí, công cụ hỗ trợ để sử dụng vào việc bảo vệ ANTT trong đơn vị, địa bàn cũng tự rà soát, kiểm tra, khắc phục những thiếu sót và giao nộp cho cơ quan Công an số vũ khí, công cụ hỗ trợ hỏng hóc hoặc không còn có nhu cầu sử dụng. Một số đơn vị đã tự nguyện giao nộp lại nhiều súng quân dụng và hàng trăm công cụ hỗ trợ như: Vườn quốc gia Yok Đôn, Công ty Cao su Đắk Lắk, Công ty Cổ phần khách sạn Hai Bà Trưng...

Anh Trần Công Tuấn, tổng quản lý Công ty CP khách sạn Hai Bà Trưng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước đây, khách sạn được mua một số công cụ hỗ trợ như súng bắn đạn cao su, súng bắn hơi cay để trang bị cho nhân viên sử dụng. “Tuy nhiên, theo quy định mới của Nhà nước là không cho phép sử dụng những dụng cụ trên nên đơn vị đã tiến hành thu hồi, giao nộp lại cho cơ quan Công an nhằm tránh tình trạng sử dụng trái phép, gây hậu quả, hệ lụy khó lường”, anh Tuấn nói. 

Theo kết quả, sau 6 tháng phát động, lực lượng Công an toàn tỉnh Đắk Lắk đã thu gom, vận động nhân dân giao nộp được 24 khẩu súng quân dụng các loại; hơn 850 khẩu súng thể thao, súng hơi, súng kíp, súng tự chế; 25 quả lựu đạn, mìn, đầu đạn; trên 2kg thuốc nổ, 15 kíp nổ cùng hơn 1.000 viên đạn súng quân dụng, hơn 620 đạn dùng cho các loại súng khác; 920 công cụ hỗ trợ và gần 350 vũ khí thô sơ cùng nhiều linh kiện để lắp ráp súng.

Trong công tác đấu tranh xử lý với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ, các đơn vị Công an trong tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, xử lý 29 vụ việc, với 37 đối tượng. Trong đó, đã khởi tố 6 vụ, 6 bị can; thu 11 súng các loại, 129kg thuốc nổ, 163 kíp nổ, 176 viên đạn, hàng chục vũ khí thô sơ, ra quyết định xử phạt hành chính 58 triệu đồng; phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng, thu giữ tang vật với số lượng lớn, chuyển cơ quan chức năng khởi tố theo thẩm quyền.

Văn Thành
.
.