Quốc tế kêu gọi dừng bạo lực tại Dải Gaza

Chủ Nhật, 16/05/2021, 10:43
Tình hình chiến sự tại Dải Gaza vẫn tiếp diễn căng thẳng trong ngày thứ 6 liên tiếp, khiến ít nhất 132 người Palestine, trong đó có trên 50 phụ nữ và trẻ em, và 869 người bị thương. Số người thiệt mạng phía Israel là 7.

Trước thực trạng này, nhiều nước trong khu vực đang đẩy mạnh nỗ lực giúp Israel và Palestine chấm dứt xung đột. Liên hợp quốc (LHQ) cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động của xung đột tới việc tiếp cận nguồn nước, điều kiện vệ sinh và chăm sóc y tế cho người dân ở Dải Gaza. Tổng Thư ký LHQ thì kêu gọi các bên tại Dải Gaza ngừng bắn.

Chỉ có giải pháp chính trị bền vững mới dẫn tới hòa bình lâu dài

Ngày 14/5 (giờ địa phương), Chính phủ Mỹ tái khẳng định nỗ lực giải quyết xung đột tại Dải Gaza. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh, Washington sẽ tập trung cân bằng các mối quan hệ của Mỹ tại khu vực nhằm chấm dứt khủng hoảng giữa Israel và Hamas bằng giải pháp chính trị. 

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Jordan Ayman Safadi để thảo luận về các biện pháp ngăn chặn Nhà nước Do Thái gây hấn ở Jerusalem, đồng thời tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột ở Dải Gaza và bảo vệ quyền lợi của người dân Palestine. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ yêu cầu chấm dứt xung đột và khôi phục hòa bình thông qua một giải pháp công bằng và lâu dài, hướng đến mục tiêu thành lập Nhà nước Palestine độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô. 

Ngoài ra, hai ngoại trưởng cũng nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường liên lạc với các bên liên quan, trong đó có cộng đồng quốc tế, để giải quyết toàn diện cuộc khủng hoảng Palestine-Israel. Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan kêu gọi các bên liên quan ở Israel và Palestine triển khai ngay các biện pháp nhằm đạt được lệnh ngừng bắn và khởi động một cuộc đối thoại chính trị. 

Ông khẳng định, UAE ủng hộ mọi nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu này và mong chờ các bên sẽ kiềm chế những hành động khiêu khích để hướng đến mục tiêu giảm leo thang căng thẳng.

Khói lửa bốc lên sau loạt không kích của Israel xuống Dải Gaza.

Cùng ngày, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động của xung đột tới việc tiếp cận nguồn nước, điều kiện vệ sinh và chăm sóc y tế cho người dân ở Dải Gaza. Người phát ngôn của Văn phòng, ông Jeans Laerke cho biết, cùng với số người thương vong, số người đang phải đối mặt với khó khăn cũng đang ngày càng nhiều lên cùng với sự gia tăng của xung đột. 

Ước tính có khoảng 250.000 người không được tiếp cận với nước sạch sinh hoạt và điện trong mấy ngày qua. Hơn 200 cơ sở hạ tầng, trong đó có nhiều cơ sở giáo dục đã bị phá hủy hoặc bị hư hại nghiêm trọng do xung đột. 

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã kêu gọi các bên tại Dải Gaza ngừng bắn. Ông nhấn mạnh chỉ có giải pháp chính trị bền vững mới dẫn tới hòa bình lâu dài cho khu vực này, và LHQ cam kết sẽ tăng cường nỗ lực nhằm giảm xung đột cũng như đẩy mạnh hoạt động cứu trợ nhân đạo cho người dân. 

Dẫn lời ông Antonio Guterres, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết: “Tổng thư ký LHQ tiếp tục cam kết, bao gồm cả cam kết của nhóm Bộ tứ về Trung Đông, ủng hộ Palestine và Israel giải quyết xung đột trên cơ sở các nghị quyết có liên quan của LHQ, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương”.

Cần hành động cụ thể, không cần những tuyên bố lãnh đạm

Hiện cuộc xung đột tại Dải Gaza vẫn dữ dội và kéo dài. Israel và phong trào Hamas của Palestine biết rằng một cuộc chiến tranh Gaza lần thứ tư, giống như ba lần trước, sẽ có hậu quả như thế nào khi nó tàn phá vùng lãnh thổ nghèo khó của 2 triệu người Palestine.

Nhưng trước khi đi đến một thoả thuận đình chiến, mỗi bên đều đang nhắm đến thứ mà họ có thể coi là “chiến thắng”. Với Israel, chiến thắng có thể đồng nghĩa là đã ám sát một chỉ huy hàng đầu của Hamas, hoặc phá huỷ đủ số lượng đường hầm, bệ phóng rocket và các cơ sở hạ tầng khác, để tuyên bố rằng họ đã “cắt sạch cỏ” – cụm từ được người Israel sử dụng rộng rãi để mô tả việc trấn áp tạm thời lực lượng chiến binh Palestine trước cuộc đối đầu tiếp theo. 

Còn với Hamas, thắng lợi lớn nhất sẽ là bắt giữ được binh lính Israel để sau đó có thể trao đổi với những người Palestine bị cầm tù. Tiếp đến là phóng thêm được vài quả rocket tầm xa vào các thành phố Israel để thể hiện sức mạnh của một tổ chức Palestine khi đối đầu với đối phương mạnh hơn nhiều. Tất nhiên, việc ám sát một thủ lĩnh Hamas, hay bắt giữ một binh sĩ Israel sẽ gây ra leo thang nghiêm trọng hơn, nhiều khả năng dẫn đến cái chết của một số lượng lớn thường dân ở Gaza. 

Nhưng không bên nào cho rằng họ có thể sử dụng các phương tiện quân sự để đảm bảo những mục tiêu lớn hơn của mình. Cả hai đều mong đợi một giải pháp cuối cùng – một thoả thuận ngừng bắn không chính thức được quốc tế làm trung gian giống như những thoả thuận từng chấm dứt cuộc chiến Hamas – Israel vào các năm 2009, 2012 và 2014.

“Cảm giác của tôi là cả hai bên đều muốn kết thúc chuyện này và về nhà”, Amos Harel, một phóng viên quân sự lâu năm của tờ Haaretz (Israel), cho biết.

Giới chuyên gia nhận định, xung đột Palestine-Israel là phép thử chính sách nhân quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Chính quyền Mỹ vẫn luôn bày tỏ quan ngại về bạo lực ở Israel và coi các vụ nã rocket của Hamas là leo thang không thể chấp nhận được. Nhưng một số người đang kêu gọi ông Joe Biden có quan điểm mạnh mẽ hơn và chỉ trích hành động của Israel ở Đông Jerusalem. 

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, điều này có thể không xảy ra khi mà chỉ trích Israel có cái giá về mặt chính trị quá lớn so với lợi ích của việc đi theo chính sách đối ngoại với trọng tâm là nhân quyền mà ông Joe Biden đặt ra. Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chính quyền của ông Joe Biden sẽ đặt nhân quyền vào trung tâm chính sách đối ngoại. Ông Shibley Telhami, Giáo sư tại Đại học Maryland, nói: “Thế giới đang dõi theo. Vấn đề này quan trọng. Chính quyền Mỹ cần thể hiện rằng không chỉ nói suông. Họ phải thể hiện nguyên tắc này trong tình huống khó khăn, chứ không phải trong tình huống không phải trả giá về chính trị”. 

Tổ chức J Street ra tuyên bố kêu gọi Mỹ nói công khai, rõ ràng rằng Israel nỗ lực trục xuất các gia đình Palestine khỏi Đông Jerusalem và Bờ Tây là hoàn toàn không thể chấp nhận được với Mỹ, khi mà Israel tiếp tục dùng hành vi bắt nạt và bạo lực quá mức với người Palestine, đặc biệt là trong tháng lễ Ramadan. Một số nghị sĩ Dân chủ cũng gây áp lực với ông chủ Nhà Trắng. Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, thành viên Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Thượng viện, nhấn mạnh: “Nếu chính quyền của ông Joe Biden đặt pháp trị và nhân quyền vào trọng tâm chính sách đối ngoại, thì đây không phải là lúc có những tuyên bố lãnh đạm như vậy”. Ông nói rằng cao ủy nhân quyền LHQ đã nói hành vi trục xuất của Israel có thể là tội ác chiến tranh.

Tới nay, đương kim Tổng thống Mỹ và các quan chức chủ chốt chưa công khai chỉ trích Israel mà lên án hành vi của cả hai bên. Giáo sư Shibley Telhami lý giải rằng ông Joe Biden cần Israel ủng hộ để gia nhập lại thỏa thuận hạt nhân Iran và vấn đề Israel-Palestine không phải là mối quan tâm hàng đầu của người Mỹ. 

Trong khi đó, ông Khaled Elgindy tại Viện Trung Đông nhận định nếu Mỹ định lên án chính phủ Israel mạnh mẽ thì Mỹ đã làm rồi. Các chuyên gia cho rằng, có những cách khác mà Mỹ có thể phản đối Israel, ví dụ như trừng phạt hoặc hạn chế bán vũ khí, nhưng không chuyên gia nào cho rằng Mỹ sẽ hành động như vậy “Khi nói tới việc Mỹ bảo vệ nhân quyền, Palestine là một ngoại lệ. Ai sẽ trừng phạt Israel vì vi phạm nhân quyền? Sẽ không phải là Mỹ”, ông Khaled Elgindy cho hay.

Khi không có hành động gì thì tình hình có thể nhanh chóng leo thang, giống như năm 2014. Khi đó, xung đột giữa Israel và Hamas đã khiến 2.100 người Palestine và 71 người Israel thiệt mạng, 10.000 người bị thương. Nếu điều đó xảy ra, Mỹ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải can dự. Điều trớ trêu là có thể ông Biden sẽ phải can thiệp sâu hơn vào xung đột trên nếu không chọn không hành động gì lúc này.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.