Để không xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ trên đường phố
- Bắt giam đối tượng chống người thi hành công vụ ở Thái Nguyên
- Tạm giữ đối tượng chống người thi hành công vụ
- Dùng mã tấu, bình gas chống người thi hành công vụ
Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt, Công an TP HCM, áp lực ngoài hiện trường khi xử lý vi phạm, nhất là xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với các đối tượng sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông là rất lớn. Bởi trong tình trạng không tỉnh táo, các đối tượng này thường cù nhầy, xin xỏ, nếu không được “tha” thì giở luật hoặc tỏ thái độ gây hấn.
Khoảng 23h ngày 9/12, Đội CSGT Tân Sơn Nhất ra hiệu lệnh dừng phương tiện của 2 người đàn ông điều khiển xe máy với dấu hiệu có sử dụng bia rượu. Mặc dù người nồng nặc mùi bia rượu nhưng người đàn ông điều khiển phương tiện không chịu hợp tác đo nồng độ cồn, mà bỏ chạy vào nhà vệ sinh của một cây xăng gần đó.
Người đàn ông này xưng tên và nói rằng: “Tôi là kiến trúc sư, tôi đang có nhu cầu đi vệ sinh, tại sao các anh không cho tôi đi vệ sinh. Đây là nhu cầu cá nhân, đi vệ sinh xong tôi sẽ đo nồng độ cồn”.
Mặc dù được giải thích nhưng người đàn ông này vẫn chống đối nên tổ công tác đã đề nghị Công an phường 3, quận Phú Nhuận phối hợp xử lý. Người đàn ông này vẫn cự cãi và không xuất trình giấy tờ. Công an phường đã lập biên bản trường hợp người đàn ông này, tạm giữ phương tiện.
Các vụ chống người thi hành công vụ cần nhìn nhận lại cách cư xử của cả 2 bên. |
Cũng trong đêm, một người đàn ông điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn. Kết quả đo độ cồn của ông D. là 0.520miligam/1 lít khí thở nên tổ công tác lập biên bản tạm giữ phương tiện, tước bằng lái xe 23 tháng, phạt tiền 7 triệu đồng. Người đàn ông này cù nhầy không ký vào biên bản, năn nỉ xin bỏ qua. Khi xin không được, người đàn ông này bỏ xe lại khu vực kiểm tra rồi rời đi.
Một trường hợp khác là đôi vợ chồng điều khiển phương tiện lưu thông trên đường bị té ngã, tổ công tác đã dựng xe và đưa 2 vợ chồng này vào trong chốt, kiểm tra nồng độ cồn người chồng là 0.566miligam/1 lít khí thở nên tổ công tác đã lập biên bản giữ phương tiện. Người đàn ông trên sau khi năn nỉ không được đã phản ứng mạnh với tổ công tác và ngồi lỳ tại chốt, không chịu ký biên bản.
Xem lại các vụ án chống người thi hành công vụ trên địa bàn TP HCM gần đây, chúng tôi nhận thấy nhiều nhất vẫn là khu vực vùng ven ngoại thành. Đây là địa bàn có đối tượng thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông, chủ yếu là điều khiển phương tiện khi sử dụng bia, rượu.
Dù gần một tháng trôi qua nhưng di chứng trên người Trung tá Phạm Tân Nhân (Đội CSGT Đa Phước) vẫn còn nặng nề, cánh tay chưa thể hoạt động bình thường, khó có thể điều khiển mô tô để tuần tra, xử lý vi phạm.
Liên quan đến vụ việc này, 2 đối tượng Kiên Đại Vĩ, Thạch Hồng Hải (cùng 17 tuổi, quê Trà Vinh) đã bị khởi tố về hành vi "Chống người thi hành công vụ".
Theo đó, trưa 16/11, Trung tá Nhân phát hiện Vĩ điều khiển xe máy chở Hải lưu thông với tốc độ cao nên ra hiệu lệnh dừng phương tiện. Hai đối tượng không nghe theo hiệu lệnh, mà tông thẳng vào Trung tá Nhân khiến anh bị gãy cẳng tay phải, gãy cẳng chân phải và nứt xương bánh chè.
Hai đối tượng khác là Trần Hoàng An (SN 1994, quê Bạc Liêu) và Trần Văn Út (SN 1989, chú ruột An) cũng vừa bị Công an huyện Bình Chánh, khởi tố bắt tạm giam về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.
Theo đó, chiều 1/12, tổ CSGT thuộc Đội CSGT Tân Túc gồm: Đại úy Hồ Trọng Nghĩa và Thượng úy Huỳnh Phúc Đạt làm nhiệm vụ trên đoạn đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh thì phát hiện An điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chạy ngược chiều nên ra hiệu lệnh dừng xe.
An không tuân theo hiệu lệnh, mà dừng cách tổ CSGT một đoạn lấy điện thoại ghi lại hình ảnh tổ công tác. Đại úy Nghĩa tiến lại phía An nhắc nhở thì phát hiện An nồng nặc mùi rượu. An không chấp hành, mà to tiếng rồi dùng tay đánh vào mặt Đại úy Nghĩa.
Lúc này Út chạy đến hô lớn: “Tụi mày làm gì cháu tao!” rồi lao vào ôm Thượng úy Đạt để An dùng mũ bảo hiểm đánh 2 cán bộ CSGT. Một lúc sau, người nhà của An và Út kéo đến giằng co đưa Út và An ra khỏi hiện trường, tổ công tác chặn xe thì bị tông ngã.
Tại buổi lễ ra quân xử lý đua xe trái phép trên địa bàn TP HCM, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt nhấn mạnh, công việc của CSGT là công việc đặc thù, tiếp xúc va chạm nhiều với người dân vi phạm nên việc các đối tượng vi phạm có hành vi chống đối dễ dẫn ra.
Bởi vậy, tác phong và cách ứng xử của CSGT liên tục được đơn vị quan tâm tập huấn, quán triệt. Đối với những trường hợp vi phạm, cán bộ, chiến sĩ CSGT phải có ứng xử cơ bản đúng mực, không để các đối tượng lợi dụng, kích động gây ra những hình ảnh không đẹp.
Qua những vụ chống đối CSGT, Phòng CSGT đã mở các cuộc họp, ngồi lại nhìn nhận, mổ xẻ từng vụ cụ thể, để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm chung, hạn chế các vụ việc phức tạp. Phòng CSGT đã quán triệt lực lượng CSGT khi ứng xử cần minh bạch, rõ ràng, công khai, tạo được thông điệp tuyên truyền qua xử lý vi phạm.
Theo Cục CSGT, trong năm 2019 xảy ra 25 vụ chống người thi hành công vụ làm 1 đồng chí hy sinh, 18 cán bộ, chiến sĩ bị thương. Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 22 vụ chống người thi hành công vụ làm 1 chiến sĩ hy sinh và 9 cán bô, chiến sĩ bị thương. Tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp, với tính chất ngày một manh động, liều lĩnh, thể hiện sự coi thường pháp luật.
Theo tìm hiểu những đối tượng chống người thi hành công vụ chủ yếu đã sử dụng bia rượu, không làm chủ được hành vi, sau khi bị đưa về trụ sở mới nhận thấy hành vi của mình là sai.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vụ việc chống người thi hành công vụ. Bên cạnh ý thức chấp hành luật của một số người còn kém, còn có nguyên do người thi hành công vụ còn hạn chế về trình độ chuyên môn, qui trình giao tiếp, cách ứng xử với người vi phạm còn hạn chế.
Các chế tài về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ chưa đủ sức răn đe. Khi hành vi gây nên hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ mới bị xử lý hình sự, còn lại, thường chỉ bị xử lý hành chính. Ngoài ra, mức xử phạt mới của Nghị định 100/NĐ-CP cũng khiến một số người vi phạm sợ phạt tiền nặng nên chống đối, trốn tránh trách nhiệm của mình.