Những rắc rối xung quanh chiếc máy bay V-22 Osprey
Tuy vậy, loại máy bay này đang nhận được ngày càng nhiều những lời chỉ trích về mức độ an toàn. Kể từ khi đưa vào biên chế trong lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ hồi năm 2007, đã có 7 chiếc V-22 rơi và nhiều vụ tai nạn khác có liên quan đến máy bay Osprey, khiến cho có tới tổng cộng 12 nạn nhân tử vong. Đó là chưa kể số người tử vong trong giai đoạn thử nghiệm máy bay trong giai đoạn từ năm 1991-2006.
Tổng cộng có 12 chiếc Osprey bị hỏng hoàn toàn do tai nạn và đã gây ra 42 cái chết. Vụ tai nạn tai tiếng nhất xảy ra tại căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Oahu, Hawaii. Một chiếc V-22 Osprey khi hạ cánh sau một buổi diễn tập bất ngờ bùng cháy. Hai trung sỹ Joshua Barron và Matthew Determan chết ngạt trong máy bay do không kịp thoát ra.
Không chỉ giới quan chức quân đội mà ngay cả các nhà chức trách dân sự cũng đang đặt dấu hỏi về mẫu trực thăng V-22 Osprey. |
Cỗ máy… rắc rối
V-22 Osprey là một loại mẫu máy bay tuyệt vời nếu xét về mặt lý thuyết. Sau khi cất cánh, hai cánh quạt khổng lồ sẽ từ vị trí thẳng đứng xoay 90° hướng về phía trước và tạo lực đẩy máy bay, cũng hướng về phía trước. Nhờ vào tính năng này mà V-22 có thể bay cao hơn và xa hơn bất kỳ loại trực thăng nào khác trong khi không cần đến đường băng dài như máy bay phản lực mỗi khi cất, hạ cánh. Rất có thể bộ mặt của lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ sẽ thay đổi nhờ vào những chiếc Osprey.
Nhưng trong thực tế lại không hoàn mỹ đến mức đó. Năm 1991, một chiếc Osprey trong giai đoạn thử nghiệm bất ngờ rơi, hai phi công thoát chết trong gang tấc. Một năm sau đó, cũng lại một chiếc Osprey khác cũng rơi sau khi động cơ đột nhiên bốc cháy. Máy bay rơi xuống sông Potomac. Cả phi hành đoàn lẫn 8 lính thuỷ đánh bộ trên máy bay đều tử vong. Số người chết nhiều nhất trong một vụ tai nạn liên quan đến máy bay V-22 xảy ra vào ngày 8-4-2000 với 19 nạn nhân.
Xác một chiếc máy bay V-22 Osprey nằm trên sa mạc Iraq. |
Nhà sản xuất máy bay Boeing đã phải đưa mẫu V-22 trở lại bàn thiết kế. Các kỹ sư sau đó phát hiện ra ba “sai lầm” chết người. Thứ nhất, đường ống thuỷ lực cọ sát vào bó dây điện. Lâu ngày dây điện sẽ bị sờn, gây chập mạch và cháy. Thứ hai, khi máy bay hạ cánh quá nhanh trong khi tốc độ cánh quạt ở mức thấp sẽ gây mất thăng bằng, khiến cỗ máy lộn nhào về một bên. Thứ ba, tầm nhìn quá kém. Kích thước cửa kính là quá nhỏ so với máy bay, trong khi không gian buồng lái lại hạn hẹp do có một trục thẳng đứng chạy từ sàn lên nóc máy bay. Rất dễ xảy ra trường hợp phi công mất kiểm soát, va đụng vào vật thể dưới đất khi hạ cánh.
Đầu năm 2006, Boeing đưa ra phiên bản cải tiến V-22B Osprey và máy bay được đưa vào biên chế trong lực lượng Lính thuỷ đánh bộ và Không quân Mỹ một thời gian ngắn sau đó. Những vấn đề kể trên đều đã được khắc phục. Nhưng không biết vì sao máy bay tiếp tục gặp tai nạn. Năm 2007, một chiếc Osprey trên đường bay sang dự triển lãm hàng không London (Anh) bất ngờ bốc cháy khi đỗ xuống Iceland.
Năm 2011, một chiếc V-22 khác chở nhu yếu phẩm từ Mỹ đến Afghanistan. Dây buộc những kiện container đứt giữa lúc đang bay, khiến chỗ hàng hoá rơi vỡ lung tung. Trong khi sỹ quan quản kho tìm cách sắp xếp lại mọi thứ, không biết vì lý do gì mà cửa sau máy bay đột ngột mở ra. Thế là ngay lập tức, viên sỹ quan này bị áp suất không khí lôi tuột khỏi máy bay. Phải hơn 2 tuần sau đó, quân đội Mỹ mới tìm được xác của nạn nhân. Một trường hợp tương tự xảy ra ba năm sau đó cũng giết chết một thượng sỹ tại vịnh Ả-rập.
Hành trình chông gai tìm câu trả lời
Bộ Quốc phòng Mỹ có hẳn một bộ phận chuyên điều tra tai nạn hàng không. Nhưng sau hơn 10 năm điều tra máy bay V-22 Osprey, họ vẫn chưa thể phát hiện được dù chỉ một khuyết điểm trong thiết kế. Tại sao một cơ quan chuyên nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ lại không thể điều tra dứt điểm mẫu máy bay đầu vấn đề này?
Một chiếc chiếc V-22 trên tàu sân bay. |
Theo Chuẩn tướng Don Harvey, người của lực lượng không quân Mỹ, Lầu Năm Góc đã trực tiếp ngăn cản cuộc điều tra của chính mình. Vị tướng mới về hưu nói trên đã thẳng thắn tường thuật lại: “Vào ngày 9-4-2010, một chiếc V-22 rơi xuống gần Qualat, Afghanistan. Nhiệm vụ của tôi là dẫn đầu một đoàn điều tra đến Afghanistan tìm câu trả lời. Nhưng trước ngày khởi hành, cấp trên của tôi bất ngờ nói: “Don này, cậu không cần đến tận Afghanistan đâu, cứ ở lại đây đi mà tổng hợp thông tin rồi điều tra tại chỗ là được rồi”. Trách nhiệm nghề nghiệp đã ngăn cản tôi làm theo những lời đó”.
Chỉ vài ngày sau khi điều tra trực tiếp tại hiện trường, tổ điều tra do ông Don Harvey dẫn đầu đưa ra kết luận động cơ máy bay bất ngờ gặp trục trặc, buộc phi công phải hạ cánh khẩn cấp. Áp lực do cánh quạt máy bay đẩy xuống, khiến cho cát bụi bắn lên tung toé. Để giái quyết vấn đề tầm nhìn hạn chế nhắc đến ở trên, Boeing đã lắp đặt hàng loạt camera và cảm biến hồng ngoại khắp máy bay. Những thiết bị này đều trở nên vô dụng vì bị cát xa mạc che khuất. Đây là nguyên nhân khiến chiếc máy bay thay vì hạ cánh an toàn lại đâm chúi mũi xuống đất, giết chết phi công.
Bản báo cáo điều tra của Chuẩn tướng Don Harvey và các đồng nghiệp nhanh chóng bị lãng quên. Cảm giác có điều gì đó chẳng lành, ông đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng lúc nào cũng chỉ nhận được lời từ chối. Rồi khi Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra thông cáo báo chí chính thức, họ đổ lỗi cho phi công đã gây ra tai nạn chứ không phải do sai lầm trong thiết kế.
Điều này giống như “giọt nước” làm tràn ly đối với tướng Don. Ông không thể đứng nhìn người chết và gia đình của anh ta chịu oan, vị chuẩn tướng nộp đơn xin nghỉ hưu sớm. Ông muốn đem hết mọi chuyện tiết lộ cho báo chí nên phải làm vậy để tránh liên quan tới toà án binh. Có người tại Lầu Năm Góc đã nhận ra tính toán của Don và tìm mọi cách để ngăn cản lá đơn ông nộp lên. Phải hơn hai năm sau đơn xin nghỉ hưu của Don mới được phê chuẩn.
Một chiếc Osprey rơi ngoài bờ biển Nhật Bản. |
Những điều Don Harvey tiết lộ với báo giới sau khi giải ngũ gây ra một scandal lớn. Các toà soạn lớn như The New York Times và The Guardian tự mở cuộc điều tra, từ đó bóc trần được việc Lầu Năm Góc trong nhiều năm liên tiếp đã nói dối về máy bay V-22 Osprey. Vụ tai nạn tại Afghanistan không phải lần đầu tiên họ “vu oan giá họa” trách nhiệm gây ra tai nạn cho phi công. Sự cố ở Oahu, Hawaii nhắc đến ở mở đầu cũng là do “lỗi phi công”, trong khi bằng chứng video cho thấy rõ rằng động cơ máy bay đã gặp vấn đề.
Bộ Quốc phòng có hai cách để tăng khoản ngân sách chi tiêu quốc phòng hằng năm. Một là họ sẽ tuyên bố tình hình chiến sự tại Iraq, Syria, Sudan, v.v…đi theo chiều hướng xấu. Hoặc không, người ta sẽ đưa ra những dự án phát triển, mua sắm trang thiết bị quân sự mới. Cho dù làm theo cách nào đi nữa, mục tiêu cuối cùng vẫn là thuyết phục Ủy ban Chi tiêu Ngân sách của Quốc hội Mỹ đồng ý ký tăng ngân sách.
Chiếc V-22 Osprey hoàn toàn có khả năng làm hỏng mọi kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ. Nếu các nghị sỹ biết được rằng, những vụ tai nạn đều xảy ra do vấn đề cố hữu trong thiết kế máy bay, họ sẽ yêu cầu mở cuộc điều tra toàn diện, hoặc thậm chí loại bỏ mẫu V-22 khỏi biên chế. Không những ngân sách quốc phòng giảm đi vì thế, mà bộ tổng chỉ huy chắc hẳn sẽ có nhiều xáo trộn về mặt nhân sự.
Bản thân Boeing cũng có động cơ riêng để gây áp lực lên Bộ Quốc phòng nhằm buộc họ che giấu sự thật. Ông Don Harvey, người nhà các nạn nhân và nhiều cá nhân, tổ chức khác đang “chiến đấu” bền bỉ nhằm đưa sự thật ra ánh sáng. Đến thời điểm hiện tại họ vẫn không giành được nhiều thành công. Mới đây, 10 gia đình có con em chết vì V-22 Osprey đã đâm đơn kiện Boeing và các nhà thầu sản xuất máy bay khác. Không biết vì lý do gì mà hai bên đã thoả thuận được với nhau ngoài toà và bên nguyên tự nguyện rút đơn.