Lại kiểu "khóc thuê" sau phiên tòa

Thứ Hai, 18/01/2021, 08:16
Sáng 5/1, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Phạm Chí Dũng (SN 1966), Nguyễn Tường Thụy (SN 1950), Lê Hữu Minh Tuấn (SN 1989) cùng về tội “Làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam"...


Lợi dụng việc các thành viên “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” bị đưa ra xét xử với tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, các đối tượng chống đối trong nước và một số đài, báo bên ngoài ngay lập tức tung hứng, cổ súy cho những đối tượng bị kết án; đồng thời thông qua đó chỉ trích Đảng, Nhà nước và khuyến khích các đối tượng khác tiếp tục làm theo những hành vi sai trái. Vì vậy, cần nhìn nhận thấu đáo bản chất, xu hướng của công thức quen thuộc này, cảnh giác không để các đối tượng tác động, hướng lái.

Sáng 5/1, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Phạm Chí Dũng (SN 1966), Nguyễn Tường Thụy (SN 1950), Lê Hữu Minh Tuấn (SN 1989) cùng về tội “Làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam". Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án.

Theo đó, từ năm 2014 đến khi bị bắt, các bị cáo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng bất mãn về chính trị trong và ngoài nước.

Ngày 4/7/2014, Phạm Chí Dũng cùng Nguyễn Tường Thụy và 39 người khác ra tuyên bố thành lập cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, bầu ban lãnh đạo “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” gồm 5 thành viên. Nội dung “Tuyên bố thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” nêu rõ mục đích hoạt động của hội là "đấu tranh làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay". Đến năm 2018, theo danh sách do Phạm Chí Dũng lập, có 72 người tham gia “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”.

Sau khi thành lập, Phạm Chí Dũng với vai trò “Chủ tịch” đã chỉ đạo tạo lập trang web “Việt Nam thời báo”, quản trị, nhận và duyệt đăng thông tin bài viết của mình, của hội viên, của các cộng tác viên có nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam và tuyên truyền về hoạt động của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”; qua đó lôi kéo, phát triển hội viên trong và ngoài nước vào hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam.

Phạm Chí Dũng sử dụng nhiều bút danh khác nhau để viết, đăng tải nhiều tin, bài trên trang “Việt Nam thời báo” của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Ngoài ra, bị cáo Dũng còn gửi bài viết và trả lời phỏng vấn cho các báo, đài, cơ quan thông tấn, trang tin điện tử nước ngoài với mục đích đấu tranh làm "thay đổi thể chế chính trị Việt Nam" hiện nay.

Bị cáo Nguyễn Tường Thụy là “Phó Chủ tịch” của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, phụ trách “Chi hội miền Bắc”. Bị cáo Lê Hữu Minh Tuấn là thành viên của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”. Hai bị cáo đã sử dụng nhiều bút danh để đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo nhận định của hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Hành vi của các bị cáo đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, hòng làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận quần chúng, gây chia rẽ mối đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước. Vì vậy cần phải xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo dục, răn đe phòng ngừa chung.

Tại tòa, nhận thức rõ hành vi phạm tội của bản thân mình, các bị cáo đã nhận tội, thừa nhận hành vi và ăn năn, hối cải. Các tình tiết giảm nhẹ mà Tòa nêu ra là các bị cáo phạm tội lần đầu; bị cáo Thụy cho đến khi bị xét xử đã trên 70 tuổi; cha của bị cáo Dũng có công với cách mạng. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù, bị cáo Nguyễn Tường Thụy 11 năm tù và bị cáo Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù cùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Mỗi bị cáo bị phạt quản chế tại nơi cư trú trong thời hạn 3 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

Ngoài ra, các bị cáo cũng bị tuyên phải nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội. Cụ thể, bị cáo Dũng nộp lại hơn 482 triệu đồng, 75.886 USD, 1.113 bảng Anh; bị cáo Thụy nộp lại 180 triệu đồng; bị cáo Tuấn nộp lại 423 triệu đồng.

Như thường lệ, sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, các đối tượng chống đối trong và ngoài nước vẫn theo "kịch bản cũ" thường thấy. Họ lu loa cho rằng những đối tượng bị bắt và xét xử là “công dân trung thực, vô tội”, kèm theo đó là những miêu tả đầy thêu dệt, cảm thán để hướng cho người đọc cảm nhận theo ý đồ chống đối của các đối tượng. Đáng chú ý là gần như tất cả các quan điểm, nội dung, bài viết họ đưa ra nhắm tới đổ lỗi cho chế độ, cho Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là biện minh, kêu khóc cho các đối tượng có tư tưởng chống đối: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn. Cùng với đó, nhiều báo, đài thường hoạt động tuyên truyền chống Việt Nam cũng đồng loạt lên tiếng theo kiểu “chiến dịch”...

Bên cạnh việc lên án, đả kích chính quyền, các đối tượng sử dụng chung một công thức ca ngợi, tâng bốc số đối tượng bị bắt, xét xử theo hướng cho rằng đây là những công dân yêu nước thương nòi, đòi quyền con người, quyền công dân, đòi quyền làm chủ đất nước, đòi tự do dân chủ cho xã hội. Bên cạnh đó còn dẫn thêm các ví dụ về Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Phạm Đoan Trang, Trần Thị Nga, Trần Hoàng Phúc, Trương Minh Đức, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Hoá, Trần Đức Thạch, Phạm Thành... để minh chứng.

 Ý đồ của các đối tượng thông qua các bài viết trên nhằm:

- Ca ngợi, cổ súy cho hành vi sái trái của các đối tượng phạm tội để những người khác đang có ý định theo con đường này sẽ tiếp tục làm theo, với những từ ngữ đầy hào nhoáng theo kiểu “anh hùng”, cho rằng đây là những "trí tuệ sáng láng" và những "khí phách lẫm liệt".

 - Tạo sự tin tưởng, an tâm cho chính những người thân trong gia đình bị cáo. Từ đó, khi có cơ hội vào nhà tù để thăm nom sẽ "tiếp sức" về tinh thần cho các đối tượng tiếp tục sự ngoan cố chống đối.

- Các đối tượng nhảy vào kêu khóc với sự chống phá, bất mãn vốn đã hình thành từ lâu, khó cải tạo, khuyên bảo và định hướng theo chiều tích cực. Đây thường là những đối tượng có nhiều hiềm khích với chính quyền khi bản thân họ vì các lý do cá nhân mà bất mãn, chống đối.

- Các đối tượng tranh thủ sự việc diễn ra, đang nhận được sự quan tâm trong xã hội để nêu lên quan điểm cá nhân nhằm tận dụng sự chú ý của dư luận để chống phá, kìm hãm sự phát triển của những điều tiến bộ trong xã hội hiện nay. Ca ngợi những cái phi lý mà chính các đối tượng nghĩ rằng đó sẽ là yêu sách gây áp lực với chính quyền.

Với ý định vừa cổ súy cho số chống đối đã bị bắt thì các đối tượng còn lan tỏa một thông điệp, sự ủng hộ, động viên theo kiểu "anh ngồi tù, chúng tôi cũng không bỏ các anh đâu, yên tâm và tiếp tục ngồi tù", cổ súy tư tưởng tiếp tục chống đối, là những “anh hùng bàn phím”.

Tựu trung lại, không nằm ngoài những công thức chống phá lâu nay, các đối tượng hướng tới đả kích chế độ...

Duy Ngọc
.
.