Ecetera Nguyễn và đường về tổ quốc

Thứ Năm, 24/12/2020, 07:41
Một ngày cách nay chừng 5 năm, chồng tôi - phóng viên Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Bình nói rằng: “Chúng ta sắp có một người bạn đặc biệt đến chơi!”. Tôi cười thôi và không có ý kiến gì. Với chồng tôi, những người bạn anh ấy mời đến nhà bao giờ chả đặc biệt và... thường xuyên như thế.


Và Trường Nguyễn đến nhà tôi. Không í ới xe pháo đón đưa mà gã bắt xe tua từ Hà Nội vào Quảng Bình trong đêm. Đến nơi gã mang ba lô lao thẳng ra chợ. Chúng tôi chỉ biết Trường đã có mặt ở Quảng Bình khi điện thoại chồng tôi bật sáng, thông báo kênh VHNVN TV có clip mới “Buổi sáng, đi chợ cá Đồng Hới”. Với động thái này, Trường Nguyễn ngay lập tức ghi điểm đối với tôi. Chí ít là trên góc độ nghề nghiệp. 

Quê gốc ở Nam Định nhưng đã di cư vào Nam từ năm 1954. Cha anh là sỹ quan của chế độ cũ. Anh sinh năm 1966, lớn lên dưới chế độ cũ. Năm 1988 thì cả gia đình sang Mỹ định cư. Năm đó, Trường Nguyễn 22 tuổi, nông nổi và manh động, lại sống trong cộng đồng người Việt chống Cộng cực đoan ở Little Sài Gòn nên đã không thể thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ họ. Sẵn có năng khiếu hội họa, anh nhận lời vẽ tranh châm biếm nói xấu đất nước theo đặt hàng của các tờ báo hoặc tổ chức chống Cộng để kiếm tiền. Có những thời điểm trượt dài đến độ cực đoan.

Năm 2003, Trường Nguyễn và một số người bạn cùng nhau sáng lập ra Tuần báo Viet Weekly. Tờ báo được ủng hộ rất mạnh vì không đi ngược quan điểm của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Tuy nhiên, sau 3 năm hoạt động đình đám thì tình thế đổi thay. Năm 2006, Trường Nguyễn được về Việt Nam trong vai trò nhà báo hải ngoại đưa tin tại Hội nghị APEC.

Ecetera Nguyễn trên đường lên huyện Bát Xát, tỉnh lào Cai.

Sau 18 năm sống trên xứ người, bất ngờ được trở về đất nước, Trường Nguyễn bị choáng ngợp bởi những đổi thay kinh ngạc của con người và Tổ quốc Việt Nam. Tất cả không như người ta tuyên truyền trên đất Mỹ. Trường Nguyễn còn được phỏng vấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt ấm áp và cởi mở, được đi đến những bản làng ở Tây Nguyên viết bài phản ánh. Lần đầu tiên, hình ảnh thân thiện và tươi đẹp của con người và Tổ quốc Việt Nam được đăng trang trọng trên Tuần báo Viet Weekly. Tiếp sau đó là bài phỏng vấn Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi ông đến thăm nước Mỹ về tương lai tốt đẹp của mối quan hệ Việt - Mỹ “Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Điều này đã không làm vừa lòng những người chống Cộng ở Mỹ. Họ cho rằng Trường Nguyễn trở cờ, vu khống Viet Weekly thân Cộng... Và một làn sóng tẩy chay bắt đầu...

Từ sau mốc thời gian năm 2006, Trường Nguyễn thực sự hướng về Tổ quốc. Những lo lắng, băn khoăn và cả tự ti vốn đè nặng anh dần dần được gạt bỏ, thay vào đó là một niềm tin về con đường mình đang đi. “Năm 2012, tôi được cùng một số nhà báo người Mỹ gốc Việt như anh Vũ Hoàng Lân (Phố Bolsa TV), anh Nguyễn Phương Hùng, chị Phùng Tuệ Châu (Tiếng quê hương) được ra thăm quần đảo Trường Sa theo lời mời của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao). Chuyến đi ấy thực sự để lại dấu ấn sâu sắc trong tôi về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hình ảnh những người lính Trường Sa và cuộc sống của họ đã đánh mạnh vào lương tri của tôi. Đất nước mình đây. Biển đảo mình đây. Và cả những con người tôi gặp qua chuyến đi ấy đẹp biết bao. Chẳng lẽ...?!”.

Trường Nguyễn kể với chúng tôi về những tháng ngày lận đận đến hết đường lui của anh trên đất Mỹ từ khi anh nhận ra những sự thật về đất nước và phản ánh trung thực trên tuần báo của mình. “Người ta phê phán, chửi bới và tổ chức biểu tình trước tòa soạn. Đồng thời kêu gọi cộng đồng người Việt ở Mỹ tẩy chay chúng tôi, cố tình bóp chết tuần báo không thương tiếc. Kết cục là Viet Weekly đóng cửa. Đó là những tháng ngày cuộc đời tôi gặp nhiều biến cố. Cả chung và riêng. Nhưng tâm trí tôi lại được thanh lọc... Và tôi quyết định trở về. Thuê một căn nhà nhỏ ở chân cầu Long Biên. Mở một kênh youtube. Ngày ngày vác giá ra bờ hồ vẽ chân dung cho khách du lịch... kiếm sống.

Anh em họa sỹ làm việc ở đó biết tôi từ Mỹ về đã vui vẻ nhường cho tôi một chỗ... 200 ngàn một bức tranh nhưng tôi vui và thanh thản...”. Sau này Trường Nguyễn  được Nhà xuất bản Kim Đồng mời cộng tác vẽ tranh minh họa cho hàng chục cuốn sách truyện thiếu nhi. Hiện anh là cộng tác viên tích cực của báo Nhân dân với rất nhiều bài viết có giá trị. Tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ IV năm 2019, Trường Nguyễn được trao giải cho tác phẩm xuất sắc của tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài với chùm bài: “Nghị quyết 36 và một nhà báo người Mỹ gốc Việt” đăng trên báo Nhân dân. Anh cũng là người có những nhìn nhận đúng đắn về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề người Việt Nam ở nước ngoài.

 Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Trường Nguyễn đã có bài phát biểu gây xúc động lãnh đạo Đảng, nhà nước và kiều bào ở nước ngoài về dự. Anh nói: “Hiện nay, tấm hộ chiếu Việt Nam tôi đang cầm trên tay là niềm ước ao của rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài. Điều đó chứng tỏ tôi đang là người hạnh phúc!”.

Hành trình trở về Tổ quốc của Trường Nguyễn bắt đầu bằng sự thành tâm.  Từ những việc đơn giản, anh hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam rất nhanh và trở thành ngọn cờ đi đầu trên hành trình trở về đất mẹ của rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài. Bây giờ thì anh quen Việt Nam hơn cả những người chưa bao giờ xa Việt Nam. Anh có thể đi bằng bất cứ phương tiện gì từ xe ôm, tàu hỏa, xe khách đường dài và... cuốc bộ hàng chục kilomet miễn là được đi khắp nơi trên đất nước.

Nhà báo Trương Thu Hiền (thuhienvhntqb@gmail.com).

Những ngày lưu lại Đồng Hới, dường như Trường không có thời gian để nghỉ ngơi, chúng tôi chỉ có thể chuyện trò trong những bữa cơm rất vội. Ở đâu Trường cũng muốn đến, gặp ai anh cũng muốn hỏi chào. Mỗi ngày kênh youtube của anh đều có 1 clip mới. Clip nào cũng rộn ràng hơi thở cuộc sống, clip nào cũng ấm áp tình thân. “Càng đi tôi càng yêu cuộc sống ở Việt Nam. Ở đâu tôi cũng được nhân dân yêu thương, đùm bọc vô điều kiện. Ở đâu tôi cũng có những bữa cơm ấm áp. Điều đó không tìm thấy trên đất Mỹ. Sao ngày xưa mình mù quáng thế không biết nữa?!”. Anh vừa nói vừa vò đầu, bứt tai. Mái tóc hoe vàng và dài quá gáy của Trường xù lên nhìn rất nhộn. Lê Lê, một cô gái có gương mặt khả ái Trường gặp trong những ngày ngồi vẽ ở bờ hồ nay là vợ anh luôn miệng kêu lên đầy yêu thương. “Chết mất thôi. Đến khổ với cái ông Trường này!”.

Trường Nguyễn đi và đi. Anh đã đặt chân đến hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Với phong cách chuyển tải thông tin riêng, mộc mạc, tinh tế và tích cực, một mình anh đóng nhiều vai, sau này có Lê Lê vợ anh phụ giúp, đăng ký theo dõi kênh youtube VHVN TV của anh tăng lên đến hàng chục nghìn người. Con số đó cho thấy tính lan tỏa của những thông tin mà Trường Nguyễn mang đến cho khán giả.

Nhưng, khó khăn đã quay trở lại với Trường như ngày anh làm Viet Weekly. Nhiều kẻ không hài lòng. Kênh youtube  VHVN TV bị đánh sập. “Biết không, tôi hơn 50 tuổi rồi, dừng lại là thất bại đấy. Tôi đang đi con đường sáng mà...”. Và Trường Nguyễn - Lê Lê quyết định mở một kênh youtube mới: Việt Nam Today “VN Today” bừng bừng khí thế. Sống động. Tươi mới. Khác biệt. Chỉ sau 3 tháng, kênh đã có đến 29 ngàn người đăng ký theo dõi. Con số đó rất đáng nể!

Tháng 10, miền Trung chìm trong lũ lụt. Chồng tôi a lô. “Trường ơi! Quảng Bình lụt lớn lắm. Nhân dân khổ quá Trường ạ. Em có thể kêu gọi bạn bè giúp gì không?”. Trường Nguyễn nhận lời như anh đã từng nhận lời bà con dân tộc Mông ở thôn Đề Chơ – Yên Bái kêu gọi quyên góp tiền làm đường vậy. “Vâng! Vâng! Em vừa đóng tài khoản quyên góp thôn Đề Chơ làm đường. Để em mở tài khoản mới kêu gọi giúp bà con miền Trung...”.

Hơn 1 tỷ đồng của bạn bè, khán giả của Trường trên khắp thế giới đã gửi tiền về  tài khoản vợ chồng anh sau chưa đầy nửa tháng kêu gọi. Trường Nguyễn - Lê Lê lại lên đường vào Quảng Bình, Quảng Trị. Kế hoạch vào 2 ngày, trao hết tiền rồi đi nhưng họ đã ở lại 7 ngày vì tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm cứ chuyển về liên tục. Lê Lê cũng là một cô gái có trái tim ấm áp: “Vui quá chị ạ, tài khoản vừa vơi bớt tiền thì lại nghe điện thoại tít tít rồi chị ạ. Mai mình lại có tiền đi ủng hộ bà con nữa đấy!”. “Bao giờ trao hết tiền cho bà con thì mới về nhỉ, chồng nhỉ!”. “ Hy vọng là còn lâu nữa mới về nhỉ, vợ nhỉ!”.

Yêu thế những người bạn đặc biệt của tôi!

Trương Thu Hiền

.
.