Oằn mình trong đêm lạnh Hà Nội

Thứ Hai, 20/02/2023, 13:23

23 giờ đêm, đường phố Hà Nội đã vắng tanh, dưới từng nếp nhà, các gia đình đã chìm sâu vào giấc ngủ sau một ngày lao động mệt nhoài. Trái ngược hẳn với không gian tĩnh lặng ấy, Hà Nội có một nơi mà một nhóm người mới bắt đầu vào công việc hàng ngày của mình.

Đó là chợ Long Biên (Hoàn Kiếm – Hà Nội) và đây cũng là lý do để chúng tôi tìm đến để được mục sở thị những phận người đang gánh cả đêm đến toát mồ hôi trong cái lạnh thấu xương.

Đẫm mồ hôi trong cái lạnh thấu xương

1.jpg -0
Khi Hà Nội chìm trong giấc ngủ thì ở khu chợ Long Biên bắt đầu cho một buổi làm việc mới.

22h đêm, chúng tôi có mặt tại cửa khẩu nơi dẫn vào khu chợ đầu mối Long Biên, càng về khuya cơn mưa đêm càng trở nên nặng hạt cộng với cái lạnh cắt da, cắt thịt. Thời khắc này, từng đoàn xe tải chở đầy ắp hàng hóa bắt đầu nối đuôi nhau, phần lớn là những chuyến xe hoa quả, hải sản từ ngoại tỉnh đổ về. Cũng từ đây, các thương lái sẽ lấy hàng để phân đi các mối nhỏ lẻ khác. Một bộ phận không nhỏ mà chúng tôi muốn nhắc tới đó là những phận người làm nghề bốc xếp ở khu chợ này. Họ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, có cả người già, người trẻ, phụ nữ… tất cả chỉ để mưu sinh.

Đêm càng về khuya, mưa càng trở nên nặng hạt, nền nhiệt càng xuống thấp. Những đợt gió cuộn từ phía sông Hồng thổi vào, thốc lên, tạt từng hạt mưa vào mặt, tê buốt. Tuy nhiên, khi dợm bước qua cửa khẩu, tiến càng vào sâu phía trong chợ lại là cảnh tượng hầm hập sức nóng.

23h đêm, là thời điểm chợ nhộn nhịp nhất, hàng hóa khắp nơi ùa về, đổ xuống, được chủ hàng chia đi các ngả đường. Từ phía ngoài cổng chợ đã nườm nượp người kéo xe hai càng chở hàng từ những xe tải cuối chợ ra điểm tập kết. Quãng đường từ trong bãi tập kết hàng ra đến xe của thương lái chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 cây số nhưng ngoằn nghèo, lổn nhổn. Trời mưa, khiến nhiều chỗ sình lầy, bẩn thỉu nhưng không làm cho những phu khuân vác ở đây chùn chân được. Tất cả huyên náo, ồn ào khác hẳn với phía bên kia đường là một Hà Nội tĩnh mịch, chìm trong giấc ngủ.

Chúng tôi tiến đến phía cuối chợ, nơi một người đàn ông trạc 50 tuổi đang chờ đến lượt xe mình xếp hàng. Anh cho biết mình tên là Thu, quê ở Hưng Yên. “Đây là năm thứ 20 tôi làm nghề cửu vạn ở cái chợ này rồi. Từ năm 28 tuổi cơ. Năm nay đã 48 tuổi” – anh Thu chia sẻ.

“Mới  đầu thì theo bạn bè đến đây bốc vác, sau nâng lên xe kéo nhỏ, rồi xe kéo lớn hơn. Gừng càng già càng cay các chú ạ” – anh Thu hài hước cho biết thêm.

3.jpg -0
Không kể là phụ nữ, người già, miễn có việc là có tiền.

Về cái duyên gắn với nghề “phu chợ”, anh kể, 20 năm trước, anh theo nhóm bạn cùng quê lên Hà Nội kiếm việc làm, tìm mãi chẳng có ai thuê, tiền trong túi cũng hết, đêm đói bụng, cả nhóm 5 người kéo nhau ra chợ ngắm nghía cho qua cơn đói. “Lúc ấy đang ngơ ngác ngắm nhìn thì có người ngoắc tay hỏi: Có bốc cho chuyến hàng không? Thế là bốc. Đói mà, có người thuê làm là tốt rồi. Bốc xong chuyến hàng cũng là lúc mắt hoa, chân tay bủn rủn vì đói. Cả bọn kéo nhau đi ăn, bữa ăn đêm mà đến giờ vẫn còn nhớ mãi”. Sau đó, cả nhóm chuyển đến thuê nhà ở phía sau chợ, ngày thì nghỉ, đêm thì ra chợ ai thuê gì làm nấy.

Rong ruổi cứ thế, anh Thu cùng nhóm bạn bám lấy cái chợ để mưu sinh. Ngày công kiếm được chẳng là bao nhưng tằn tiện, tích cóp hàng tháng cũng gửi về phụ giúp bố mẹ được vài triệu đồng. Năm 30 tuổi, anh Thu bén duyên với một người phụ nữ cùng quê, cũng cùng làm phu bốc vác ở khu chợ này. “Cưới xong, cả hai vợ chồng vẫn làm ở đây, đến gần 2 năm sau thì vợ tôi có bầu và nghỉ làm để về quê sinh em bé. Đến giờ, các cháu cũng lớn rồi, nên từ năm ngoái vợ tôi lại hát tiếp bài ca bốc vác” – người đàn ông hóm hỉnh này chia sẻ.

Cũng theo anh Thu, chừng 5 năm trở lại đây, cánh “phu hàng” các anh không đi thuê nhà trọ để ở nữa mà có một xe chung chuyển chở đi làm. “Tầm 20 - 21h là xe đón chúng tôi ở quê, sau đó chở sang chợ này để làm việc. Sau khi chợ tan họp, xe lại chở chúng tôi trở về quê. Người khỏe thì vẫn túc tắc làm công việc của nhà nông, người yếu thì nghỉ ngơi, dưỡng sức để đêm lại bước vào một ngày mới”.  Đang trò chuyện thì anh Thu có cuộc gọi đến: “Alô, 30 nghìn à? Đồng ý, cửa hàng Hằng Nga nhé”, cuộc điện thoại ngã giá nhanh chóng giữa anh Thu và chủ hàng. Anh Thu kéo chiếc xe kéo chạy vội về phía trong chợ.

Sau chuyến hàng đầu tiên đã về nơi tập kết cho thương lái, chị Nguyễn Thị Bích (quê Nam Định) dựng xe kéo tranh thủ nghỉ ngơi để chờ chuyến mới. Thấy chúng tôi đến, chị kéo chiếc khăn trùm ra khỏi đầu, khuôn mặt chị ửng đỏ, lộ rõ nét khắc khổ. Chiếc áo thun mỏng trên mình thấm đãm mồ hôi. Chị Bích đã có thâm niên 22 năm làm phu khuân vác ở khu chợ Long Biên này.

Năm 19 tuổi, chị Bích lấy chồng, nhà nghèo, hai vợ chồng chỉ trông chờ vào mảnh vườn và hai sào ruộng ở quê. Sau khi hạ sinh em bé, cái nghèo càng đeo bám hơn nên hai vợ chồng quyết định lên Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Những ngày đầu lên Hà Nội, chị đi rửa bát thuê cho quán cơm sinh viên, chồng theo nhóm bạn ra chợ Long Biên bốc vác. Con lớn lên chút thì chị gửi về quê và theo chồng ra chợ để bốc vác.

“Thế là cũng đã 20 năm có lẻ bám lấy cái chợ này rồi đấy. Hai vợ chồng thuê nhà ở sau chợ. Ngày ngủ, tối đến dậy nấu cơm ăn rồi kéo xe ra làm. Ai thuê gì thì bốc nấy” – chị Bích chia sẻ.

Rồi chị khoe, mấy mối khách quen hôm nay gọi sớm, chị đi làm từ 22h. Ba chuyến hàng sớm cũng được gần 200.000 rồi. “Làm nghề này cực lắm, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới nhận được đồng tiền công. Cũng phải chịu khó, khỏe mạnh và thật thà thì khách mới tin để gọi. Nếu không có khách ruột, chỉ chậm một chút là mất mối làm ăn” – chị Bích nói.

Theo chia sẻ của chị Bích, chở hay bốc vác những thùng hoa quả nặng như xoài, cam, táo… mỗi thùng nặng 25 - 30kg có giá 5.000 đồng/thùng. Loại khác thì 2.000 – 3.000 đồng/hộp. Khi hết việc ở những mối quen thì rong xe đi khắp chợ, ai gọi gì thì chở nấy. “Hai vợ chồng em thuê phòng trọ hết hơn một triệu, tiền gửi xe ở nhà, ở chợ khoảng 600.000 rồi. Nếu chăm chỉ mỗi tháng cũng kiếm được trên dưới chục triệu đồng” – chị Bích cho biết thêm.

Cũng như anh Thu, chị Bích, chị Nguyễn Thị Lan quê Nam Định sau chuyến hàng gần 2 tạ trên xe đã xếp xong cho tiểu thương. Vừa cởi bỏ chiếc khoác bên ngoài ra vì nóng. Chị cho biết, đã chuyển được chuyến hàng thứ 3 cho chủ hàng. “Hơi mệt chút nhưng còn tầm 4 chuyến nữa mới xong. Tối nay nhận được công cao nên làm cứ phăm phăm, chẳng thấy mỏi mệt gì cả” – chị Lan nhoẻn miệng cười.

Dệt những ước mơ

4.jpg -0
Giữa đêm giá lạnh vẫn tấp nập lao động.

Vừa thở hổn hển sau chuyến hàng nặng vài tạ trên vai, Đỗ Văn Khánh (21 tuổi, quê Hưng Yên) vừa thủ thỉ với chúng tôi: Em mới vào nghề được gần một năm nay. Ở quê không có việc làm nên theo các anh, các chú sang đây làm cửu vạn. “Mỗi chuyến hàng phụ thuộc vào loại hàng gì, quãng đường để đến xe thương lái bao xa để chủ hàng và những người lao động như chúng em đưa ra một cái giá. Phần lớn, mỗi thùng loại 10 kg, người khỏe như em mỗi chuyến kéo được 30 - 40 thùng (khoảng 4 tạ). Bốc từ trên xe xuống là có đội riêng, mình chỉ việc xếp lên xe của mình, kéo đến và xếp lên xe của chủ là xong mỗi chuyến” – Khanh còn cho biết thêm: Làm đêm, vất vả và cơ cực lắm. Vừa làm ở đây vừa tranh thủ hàng ngày về học thêm nghề sửa chữa điện tử và mơ ước sẽ mở được một cửa hàng.

Theo chia sẻ của Khanh, hàng ngày ở quê em có khoảng 15 người lên chợ Long Biên làm phu khuân vác. Trước đây thì họ thuê trọ và ở lại nhưng vài năm trở lại đây, cả nhóm gom lại rồi thuê một chiếc xe để đưa lên chỗ làm. “Cứ khoảng 20giờ 35 phút hàng đêm là chúng em xuất phát. Làm việc xong khoảng 3 giờ sáng, ăn đêm xong là lên xe trở về nhà. Tốn tiền thuê xe nhưng so với việc phải thuê nhà trọ cũng lợi hơn nhiều anh ạ. Hơn nữa, về nghỉ ngơi rồi còn giúp gia đình việc đồng áng hay học thêm vào ban ngày được” – Khanh chia sẻ.

Tranh thủ quãng thời gian hàng ngày rảnh rỗi, Khanh tranh thủ đi học sửa chữa điện tử ở một cửa hàng gần nhà. “Làm nghề này vất vả, sau có vợ con nữa thì cũng phải kiếm cho mình cái nghề khác thôi anh. Vả lại, sức đâu mà kéo được mãi” – Khanh trầm ngâm.

Trong số những người phụ nữ bốc vác nơi đây, chúng tôi khá ấn tượng bởi một người đàn bà dáng nhỏ thó, khoác trên mình chiếc áo có dòng chữ: Trường Đại học Quốc gia. Tranh thủ lúc thưa việc, chúng tôi lân la trò chuyện. Chị cho biết, chị tên Hoàng Thị Thanh (50 tuổi, quê Thanh Hóa). Thấy chúng tôi tò mò về chiếc áo, chị vừa gạt những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên trán, vừa thổ lộ: “Cái áo của con gái đang học Đại học Quốc gia cho hồi năm ngoái. Cháu học giỏi và thương mẹ lắm”.

Chìa đôi bàn tay sần sùi những vết chai, chị Thanh kể: “Nghề kéo xe cơ cực lắm, phải kéo thật nặng mới có tiền. Những ngày đầu mới vào nghề, chưa quen nên hôm nào chân tay cũng sưng đỏ, đau nhức. Nhưng làm mãi rồi thành quen các chú ạ”. Vất vả thế nhưng mỗi thùng cam quýt, xoài, ổi, củ đậu… cũng chỉ được trả công từ 2.000 – 3.000 đồng nên mỗi lần kéo chỉ được 30.000 đồng thôi. Người khỏe hơn thì kéo nhiều hơn”. Số tiền ít ỏi kiếm được hằng đêm, chị Thanh chi tiêu tằn tiện hết mức rồi để dành nuôi con gái ăn học đại học.

Chị Thanh chia sẻ, gia đình khó khăn, nhà chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng. Chồng chị lại nghiện rượu, sức khỏe yếu nên không làm ăn được gì. “Cách đây 2 năm, con gái ra Hà Nội học là tôi theo ra để nuôi con ăn học. Những ngày đầu khi mới làm nghề bốc vác, chưa quen nên hôm nào đi làm về chân tay cũng sưng đỏ, đau nhức khắp người. Nếu không làm ở đây thì khó để nuôi cháu ăn học. Mà mình không có trình độ đâu mà chọn được nghề” – chị Thanh nói.

Chia sẻ thêm về cái nghề “bán sức ăn dần” này, chị Thanh cho hay: “Năm trước, dịch COVID-19 hoành hành, chợ đóng cửa, xe hàng không về được nên đói. Nhưng cái ấy không sợ, sợ nhất là sức khỏe”, rồi chị tiếp: “Kiếm được đồng tiền đã khó, nhưng giữ được sức khỏe để kiếm tiền còn khó hơn”.

Những cửu vạn ở đây hay đùa với nhau rằng: Mỗi đêm không hít cả cân bụi, mùi tạp nham thì ăn cơm không còn biết ngon là gì nữa. Bởi thế, bệnh ho nghiễm nhiên trở thành bệnh nghề nghiệp đối với những người cửu vạn nơi đây. “Trái gió, trở trời là đau lưng, khớp… bởi làm toàn việc nặng. Nhưng biết làm sao được các chú ơi. Người ta bán cái này, cái kia còn chúng tôi thì bán sức mà ăn dần thôi” – chị Thanh ví von

Đêm lạnh buốt, những giọt mưa phùn găm xuyên qua làn áo mỏng những chuyến hàng cũng bắt đầu thưa dần, ôm từng thùng hàng sắp xếp lại, chị Bích cười xòa rồi kể, ở khu chợ này cãi nhau, nóng tính, xô xát là chuyện thường. “Đặc thù công việc vất vả nên ít ai giữ được bình tĩnh lắm, nhưng xong việc là đâu lại vào đấy ngay. Có những vụ cãi nhau tưởng căng lắm, nhưng hôm sau về xóm trọ lại rôm rả, chia cho nhau từng mớ rau, bát gạo ấy mà” – chị Bích cười xòa chia sẻ.

Cũng theo chị Bích, trước đây, tình trạng bảo kê, xếp lốt để được bốc dỡ hàng là có thật, nhưng vài năm trở lại đây tình trạng bị “ăn chặn tiền” của cửu vạn không còn nữa. “Sợ nhất vẫn là lúc ốm đau thôi. Ốm nặng thì chỉ còn nước về quê chứ ở đây dựa dẫm vào ai. Còn ba cái hắt hơi, xổ mũi cứ ra kéo xe thật nặng, mồ hôi túa ra là … hết ốm liền” – chị Bích hài hước cho hay.

Hơn 3h sáng, những chuyến xe kéo cũng thưa dần, những chuyến xe tải của thương lái cũng nổ máy tỏa đi các nơi. Thấp thoáng trong những con ngõ nhỏ trở về khu ở trọ, dáng người phu khuân vác liêu xiêu, trở về trong cái giá lạnh tái tê.

Bùi Vương Nam
.
.
.